Lần đầu tiên vòng chung kết World Cup được tổ chức tại một quốc gia Ả rập nằm ngay giữa sa mạc. Đây cũng là lý do mà nhiều cổ động viên (CĐV) lo ngại World Cup năm nay sẽ khác hẳn trước đây.
Một kỳ World Cup đắt đỏ
Điều mà các CĐV trên toàn thế giới lo ngại trước tiên chính là quy định hạn chế rượu bia nói chung ở những địa điểm công cộng tại các quốc gia Ả rập, trong đó có Qatar.
Hơn nữa, nước chủ nhà của VCK World Cup 2022 chưa phải là quốc gia phát triển về du lịch. Thế nên, trở ngại thứ hai có thể đến với người hâm mộ từ khắp thế giới, đó là tình trạng thiếu nơi lưu trú cho CĐV từ các nước khi đến với Qatar.
Nơi lưu trú được đề cập không chỉ là các khách sạn, mà còn là những phòng nghỉ hạng bình dân, phòng nghỉ tập thể với giường tầng, phòng vệ sinh chung mà các CĐV đi theo kiểu "du lịch bụi" vẫn hướng đến ở mỗi kỳ giải lớn như World Cup hay Euro.
Nhóm các CĐV thích đi du lịch bụi từ Mexico có thể gặp khó về kinh phí tại World Cup 2022 ở Qatar (Ảnh: Getty).
Theo Bloomberg, để giải quyết tình trạng khan hiếm phòng ở, chính phủ Qatar đã lên phương án thuê 2 du thuyền cỡ lớn như những khách sạn nổi, cũng như dựng thêm khoảng 1.000 lều ngoài sa mạc, nhằm tạo thêm chỗ ở cho các CĐV.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi người hâm mộ từ khắp thế giới khi đi xem bóng đá không chỉ có vào sân rồi về khách sạn, mà họ còn hướng đến những lễ hội, những buổi tiệc ngoài trời, đúng tính chất "ăn bóng đá, ngủ bóng đá". Nên việc tiệc tùng và vui chơi ở những điểm công cộng như quảng trường, bãi biển là điều không hiếm.
Thế nhưng, điều này có thể gặp trở ngại, do quy định hạn chế rượu bia từ Qatar. Vả lại, chi phí để đến Qatar du lịch mùa World Cup không hề rẻ, vừa du lịch vừa tham gia các lễ hội nói trên dĩ nhiên càng đắt đỏ hơn.
Ngay ở Việt Nam, hiện cũng đã có một vài hãng lữ hành quảng cáo về các tour đến Qatar mùa Đông năm nay, nhưng với mức chi phí không hề dễ chịu, lên đến 150 triệu đồng - 200 triệu đồng/tour, chỉ để xem 1 trận đấu. Ở càng nhiều ngày, xem càng nhiều trận đấu, chi phí còn cao hơn.
Giá cao chủ yếu do tình trạng phòng ở, các chi phí ăn, nghỉ, di chuyển nội địa cũng cao hơn mức bình thường ở các xứ khác. Không phải CĐV nào cũng giàu có hoặc có sẵn thu nhập cao như người hâm mộ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay các quốc gia phương Tây để có thể kham nổi chi phí đắt đỏ này.
Với các CĐV đến từ Nam Mỹ hay các quốc gia phía Đông châu Âu, nơi cũng có đại diện tham dự VCK World Cup 2022, chi phí đắt đỏ là thách thức lớn với người hâm mộ.
World Cup ở Qatar, lưu trú tại… Dubai
Cũng theo hãng tin Bloomberg, World Cup tại Qatar có thể làm lợi cho thành phố láng giềng Dubai, thuộc quốc gia láng giềng UAE.
Các lễ hội đường phố như thế này cũng khó diễn ra tại Qatar so với khi World Cup được tổ chức ở các nước khác, do quy định hạn chế rượu bia ở nơi công cộng của quốc gia sở tại (Ảnh: Getty).
Bloomberg hiện thống kê có khoảng 35% chuyến bay đến Doha (Qatar) trong mùa Đông năm nay, khoảng thời gian diễn ra World Cup 2022, đến từ Dubai (UAE).
Tức là thay vì chọn bay trực tiếp đến Qatar, CĐV từ các nước sẽ đến Dubai nghỉ ngơi, tổ chức lễ hội, và chỉ đến Qatar trong ngày diễn ra trận đấu, sau đó quay ngược trở về Dubai, vui chơi và chi tiêu tại đây.
Lý do đơn giản là vì Dubai phát triển du lịch trước Qatar, có nhiều kinh nghiệm và có lượng phòng khách sạn vượt trội so với Qatar, nên đây là địa chỉ quen thuộc hơn với người hâm mộ từ khắp thế giới hơn.
Ngành du lịch UAE vừa thông báo doanh thu của họ trong nửa đầu năm 2022 đạt hơn 5,2 tỷ USD. Họ dự báo con số này sẽ tăng vọt trong 2 tháng cuối năm, nhờ hưởng lợi từ World Cup 2022 ở quốc gia láng giềng Qatar.
Thậm chí, với các CĐV tiết kiệm, họ không cần phải đi máy bay từ Dubai (UAE) đến Doha (Qatar), mà hoàn toàn có thể di chuyển bằng đường bộ hơn 650km giữa 2 thành phố này, trên cung đường tuyệt đẹp dọc vịnh Ba Tư, mất khoảng 6 tiếng 30 phút chạy xe.
Thế nên, sẽ không lạ khi các CĐV chọn phương án kinh tế hơn, hợp túi tiền hơn, để thay vì chỉ xem 1 trận đấu nếu lưu trú tại Qatar, họ sẽ xem được nhiều trận đấu hơn, nếu lưu trú ở các quốc gia nằm sát với đất nước này.
Theo Bloomberg, tại Dubai, ngoài việc cung cấp gói nghỉ dưỡng kèm phương tiện di chuyển đến Qatar xem trận đấu, họ còn tổ chức các buổi chiếu bóng đá ở các tụ điểm công cộng, trên những màn hình khổng lồ, với đầy đủ rượu bia, để giữ chân người hâm mộ ở lại với Dubai càng lâu càng tốt.
Người hâm mộ ở lại càng lâu, họ chi tiền càng nhiều, đất nước càng thu lợi, đấy cũng là chiêu thức của các quốc gia lân cận Qatar, trong chiến dịch ăn theo World Cup 2022.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-thao/world-cup-2022-tai-qatar-se-cuc-ky-dat-do-voi-nguoi-ham-mo-20220914130800554.htm