Tân HLV Erik Ten Hag đang thổi làn gió tươi mới vào Man Utd, từ việc quản quân đến vấn đề nhân sự và chuyên môn. Từ đó, một Quỷ đỏ kỷ nguyên mới dần thành hình.
Tân HLV Erik Ten Hag đang thổi làn gió tươi mới vào Man Utd, từ việc quản quân đến vấn đề nhân sự và chuyên môn. Từ đó, một Quỷ đỏ kỷ nguyên mới dần thành hình.
Một trong những vấn đề nổi cộm của Man Utd thời hậu Sir Alex là thiếu sự gắn kết. Từ "người được chọn" David Moyes cho đến những chiến lược gia hàng đầu như Louis van Gaal, Jose Mourinho hay huyền thoại của đội bóng là Ole Gunnar Solskjaer đều không thể thực hiện vai trò kết nối các cầu thủ trở thành khối thống nhất.
Luôn có những tranh chấp, luôn có những xung đột trong phòng thay đồ và nghiêm trọng hơn là thái độ bất tuân thượng lệnh của các ngôi sao đối với chính HLV trưởng. Xung đột giữa Pogba và Mourinho, với chiến thắng cuối cùng thuộc về tiền vệ người Pháp chính là biểu trưng cho một Man Utd hỗn độn và quyền lực HLV bị xem nhẹ.
Erik ten Hag không muốn đi vào vết xe đổ đó. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhiệm, vị tân HLV trưởng Man Utd đã gửi "thư làm quen" đến các học trò, trong đó nhấn mạnh rằng bóng đá là môn thể thao đồng đội và không cá nhân nào là số một.
Vị chiến lược gia người Hà Lan Ten Hag cũng đề cập về tinh thần tập thể dù Man Utd sở hữu những ngôi sao tầm thế giới. Ông ấy muốn các cầu thủ tập luyện với cường độ cao để mỗi buổi tập giống như một trận đấu thực thụ.
Các cầu thủ được nhắc nhở rằng họ sẽ đạt thể trạng tốt nhất từng có và nếu họ làm theo những gì Ten Hag chỉ bảo và ủng hộ ông ấy, họ sẽ rất ổn. Nếu không, họ sẽ phải rời Man Utd. Họ sẽ phải tập đi tập lại cho tới khi thành thục. Nếu họ không làm được, Ten Hag sẽ thay họ bằng những cầu thủ trẻ tiềm năng.
Là chiến lược gia theo phong cách kỹ trị, nhà cầm quân người Hà Lan muốn mọi chi tiết cho dù nhỏ nhất đều phải vận hành đúng ý mình. Đơn cử như chuyện ông yêu cầu nhân viên cắt cỏ tại sân tập Carrington phải cắt cỏ có chiều cao chính xác 15mm, không phải 14 hay 16.
Ngoài ra Ten Hag yêu cầu toàn đội phải ăn tối cùng nhau - giống cách Sir Alex Ferguson đã làm và trong các bữa ăn, các cầu thủ bị cấm dùng điện thoại. Cũng có thông tin cho rằng cựu HLV Ajax yêu cầu các nhân viên nữ mặc đồ trắng còn nhân viên nam mặc đen vào thứ Hai hàng tuần.
Trên hết, ông ban hành một loạt quy định nghiêm ngặt cho các học trò trước thềm mùa giải mới. Cụ thể:
1. Đến trễ trong các buổi tập hoặc cuộc họp lập tức bị loại khỏi danh sách thi đấu.
2. Không được uống rượu, bia trong các tuần thi đấu.
3. Không nên ăn những gì không được chế biến bởi đầu bếp của CLB (đầu bếp cá nhân bị cấm).
4. BMI (chỉ số cơ thể) sẽ được kiểm tra hàng tháng.
5. Nên phàn nàn với HLV thay vì người đại diện.
Từ 5 điều răn này cho thấy Ten Hag đang tìm cách giải quyết những vấn đề từ trong ra ngoài sân cỏ của Man Utd, bằng cách đưa ra một loạt biện pháp cứng rắn nhằm mang lại sự thống nhất và kỷ luật. Các cầu thủ được thông báo rằng họ sẽ bị "đày ải" bởi Ten Hag nếu ông phát hiện bất kỳ ai làm rò rỉ thông tin trong phòng thay đồ, điều từng là vấn nạn ở Man Utd thời hậu Sir Alex.
Nhà cầm quân 52 tuổi người Hà Lan cũng nói với các cầu thủ Man Utd rằng họ sẽ bị loại nếu đến muộn trong buổi tập và cuộc họp, bất kể họ là ai, và danh tiếng chẳng là gì cả. Ngoài ra, các cầu thủ không được uống bia, rượu trong tuần thi đấu để đảm bảo trạng thái đỉnh cao khi thi đấu.
Ten Hag cũng cùng đầu bếp lên thực đơn cho các cầu thủ, thay vì thuê đầu bếp riêng cho từng cầu thủ. Ông chủ mới của phòng thay đồ Quỷ đỏ còn thay đổi hoàn toàn thực đơn tại khu huấn luyện Carrington, với cá và rau củ là những món chủ đạo.
Mỗi cầu thủ Man Utd sẽ được lên kế hoạch ăn kiêng tùy chỉnh và sẽ được kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) hàng tháng để đảm bảo thể trạng. Mặc dù lập trường cứng rắn tuy nhiên Ten Hag cũng yêu cầu các cầu thủ đến gặp ông nếu gặp bất kỳ vấn đề gì, thay vì than vãn với người đại diện.
Cựu HLV Ajax muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ bền chặt với các học trò, với quan điểm sự tin tưởng và tôn trọng giữa đôi bên là yếu tố quan trọng đằng sau thành công của bất kỳ đội bóng nào.
Từ khi gia nhập Man Utd, Maguire chưa bao giờ đáp ứng được kỳ vọng từ mức phí chuyển nhượng 80 triệu bảng. Tranh cãi về trung vệ này càng trở nên kịch liệt khi anh được trao tấm băng thủ quân của Quỷ đỏ.
C.Ronaldo, De Gea hay Bruno Fernandes là những cái tên được đồn đoán sẽ thay thế Maguire làm đội trưởng của Man Utd sau khi HLV Ten Hag được bổ nhiệm. Tuy nhiên, vị chiến lược gia người Hà Lan khiến tất cả phải bất ngờ khi tiếp tục đặt niềm tin ở cựu cầu thủ Leicester City.
"Harry Maguire là đội trưởng. Tôi phải làm quen với tất cả các cầu thủ, nhưng tôi thấy Maguire là một đội trưởng có thể tin tưởng và cậu ấy đã đạt được rất nhiều thành công. Tôi không coi đây là một vấn đề", vị chiến lược gia người Hà Lan cho biết.
Trái ngược với sự quyết liệt trong các hành động tái lập trật tự trong phòng thay đồ Old Trafford, lựa chọn đặt niềm tin vào Maguire cho thấy vị chiến lược gia người Hà Lan không hề làm "cách mạng thái quá" tại Man Utd. Ông biết những gì có thể kế thừa và phát triển, và chọn Maguire làm đội trưởng là một trong số đó.
Có thể đối với đại đa số người hâm mộ, Maguire gắn liền với thất bại và bế tắc của MU trong những năm qua. Tuy vậy, việc đổ hết trách nhiệm lên trung vệ này là quá bất công. Không phải ngẫu nhiên Maguire có giá 80 triệu bảng và được chọn làm thủ quân. Cầu thủ này thực sự có năng lực, vấn đề là anh chưa được đặt vào môi trường lý tưởng để phát huy hết khả năng.
Ten Hag không phải là người có quyền quyết định cao nhất trong các thương vụ của Man Utd, tuy nhiên với sự hiện diện của vị chiến lược gia người Hà Lan, hình ảnh của Quỷ đỏ trên thị trường chuyển nhượng rất khác những năm trước. Đầu tiên là không còn cảnh HLV than vãn vì không được mua sắm theo ý muốn.
Tiếp đến, đội chủ sân Old Trafford không còn mua sắm theo kiểu hướng tới những thương vụ tạo nhiều hiệu ứng truyền thông như Alexis Sanchez, Paul Pogba hay Cristiano Ronaldo, cũng không "vơ vét" theo kiểu thấy hay thì chiêu mộ như Wan-Bissaka, Fred hay Jadon Sancho. Thay vào đó, Man Utd mua sắm có định hướng rất Ten Hag. Đó là những cầu thủ phù hợp với triết lý của vị chiến lược gia người Hà Lan.
Tyrell Malacia, hậu vệ cánh trái người Hà Lan đã đến từ Feyenoord. Tiếp đến là Christian Eriksen theo dạng chuyển nhượng tự do. Một là tài năng trẻ. Một là ngôi sao trên đà hồi sinh từ bệnh tim. Mục tiêu tiếp theo là Frenkie de Jong và Anthony, hai cậu học trò cũ của Ten Hag tại Ajax. Điểm chung của những cái tên này là những cầu thủ có thực lực, tiềm năng, phù hợp với triết lý của nhà cầm quân người Hà Lan và ít "drama".
Thành công của Man Utd trong quá khứ gắn liền với những tài năng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của CLB. Đó là Những đứa trẻ của Busby và Thế hệ 1992. Ten Hag, vị chiến lược gia đến từ Ajax, một trong những cái nôi sản sinh tài năng cho bóng đá thế giới, dĩ nhiên rất muốn tận dụng nguồn lực "cây nhà lá vườn" tại Old Trafford.
Thế nên, chỉ trong chuyến du đấu viễn đông ngắn ngủi trước mùa giải mới, vị chiến lược gia người Hà Lan đã tạo điều kiện cho rất nhiều tài năng trẻ của đội bóng ra sân. Chẳng hạn như Zidane Iqbal, Alvaro Fernandez, Hannibal Mejbri, Charlie Savage, Shola Shoretire hay Alejandro Garnach v.v.. Trong đó, có những tài năng trẻ đã để lại được nhiều ấn tượng tốt đẹp, đặc biệt là Zidane Iqbal.
Ngoài ra, HLV Ten Hag cũng cho thấy quyết tâm tận dụng "vốn tự có" với việc trao cơ hội cho những cầu thủ sa sút phong độ thê thảm và tưởng chừng hết cơ hội ở Old Trafford như Marcus Rashford hay Anthony Martial. Nguồn nhân lực tái tạo này nếu tìm lại được phong độ cao nhất có lẽ còn giá trị hơn cả một bản hợp đồng bom tấn.
Với những con người hữu hạn trong chuyến du đấu Thái Lan và Australia, HLV Ten Hag không chỉ gặt hái những kết quả ấn tượng (thắng Liverpool 4-0, thắng Melbourne Victory 4-1) mà còn sớm "tạo hình" sơ đồ chiến thuật cho Quỷ đỏ.
Về cơ bản, đội hình của Man Utd sẽ không có nhiều điều chỉnh so với mùa trước, khi vẫn hình thành trên nền tảng 4-2-3-1. Bao gồm tuyến phòng ngự với 4 hậu vệ giăng ngang, tuyến tiền vệ là 2 tiền vệ phòng ngự, 1 tiền vệ tấn công và 2 tiền vệ cánh, và chơi cao nhất trên hàng công là 1 tiền đạo.
Đơn cử như trận giao hữu với Liverpool, Ten Hag sử dụng De Gea trấn giữ khung thành, 4 hậu vệ là Dalot, Lindelof, Varane và Shaw, cặp tiền vệ trụ là McTominay và Fred, Bruno Fernandes đá tiền vệ công, Sancho và Rashford ở hai cánh, trong khi Martial chơi cao nhất. Với cách sắp xếp như vậy, nhân sự Man Utd không bị quá xáo trộn và các cầu thủ cũng không mất nhiều thời gian để làm quen vị trí mới.
Tuy nhiên, thực tế sơ đồ chiến thuật của Man Utd thời Ten Hag là 4-3-3 "đội lốt" 4-2-3-1, với sự điều chỉnh vai trò tại một vài vị trí. Cụ thể, hai tiền vệ biên sẽ có xu hướng dâng cao như những tiền đạo biên của sơ đồ 4-3-3. Cầu thủ chơi ở vị trí cao nhất trên hàng công cũng không hoạt động như một trung phong, giống như phong cách của Edison Cavani, cầu thủ đã ra đi, hay C.Ronaldo, cầu thủ đang đòi ra đi. Cụ thể 2 trận vừa qua, Martial được bố trí chơi cao nhất thường có xu hướng hoạt động rộng, tham gia nhiều vào các tình huống pressing (gây áp lực) và lùi sâu phối hợp với các đồng đội.
Một điểm mới khác đến từ cách vận hành sơ đồ của Man Utd thời Ten Hag đến từ hai vị trí hậu vệ biên. Thay vì bám chặt hành lang, những trận đấu giao hữu vừa qua của Man Utd chứng kiến các hậu vệ biên thường xuyên bó vào hành lang trong để tham gia tổ chức và kiến tạo, xu hướng di chuyển thường thấy ở những hậu vệ biên có khả năng tổ chức như Joao Cancelo hay Alexander-Arnold. Dalot, Shaw hay Tyrell Malacia tỏ ra thích ứng với vai trò này, trong khi Wan-Bissaka lại khá lúng túng.
Trong khi đó, một vị trí tưởng chừng rất khó có sự thay đổi là thủ môn cũng phải thay đổi với Ten Hag. Nếu như De Gea ghi dấu tại Old Trafford bằng hàng tá các pha cứu thua xuất thần thì bây giờ tiêu chuẩn thước đo đã thay đổi. Đáng chú ý hơn cả là tần suất thủ thành người Tây Ban Nha lao ra khỏi vòng cấm địa. Chẳng hạn trong trận gặp Liverpool, De Gea đã có pha chạy hết tốc lực ra khỏi vòng 16m50 để thực hiện một tình huống đánh chặn đường chuyền dài của đối phương.
Thực ra vai trò "thủ môn quét" không còn là điều mới lạ ở những đội bóng áp dụng chiến thuật tiên tiến. Thủ thành Neuer là cái tên đi đầu cho trường phái này, Alisson của Liverpool hay Ederson của Man City cũng là những người gác đền thường xuyên lao ra khỏi vòng cấm để thực hiện các pha đánh chặn hay thậm chí hỗ trợ triển khai bóng. Tuy nhiên, với một Man Utd quá cũ kỹ, vai trò mới của De Gea là điểm nhấn và biểu trưng cho sự cải tiến chiến thuật.
Đá ma (Rondo) là bài tập quen thuộc đối với các đội bóng theo trường phái kiểm soát bóng. Trước trận chung kết Champions League 2011, các cầu thủ Barca đã phủ đầu đối phương chính là Man Utd bằng một màn đá ma ngoạn mục. Phải mất hơn 10 năm sau, đá ma mới được phổ biến rộng rãi tại Old Trafford qua tân HLV Ten Hag.
Trong các buổi tập của Man Utd, theo ghi nhận, đá ma là một trong những bài tập chủ đạo. Ten Hag thường tổ chức cho các học trò thi đấu 8v3 (8 đấu 3, 8 cầu thủ chơi bóng một chạm và 3 "làm ma") trong phạm vi rất hẹp. Bên cầm bóng ghi được điểm khi đạt đến số đường chuyền nhất định. Bên "làm ma" phải hoạt động và phân bổ để đoạt bóng nhanh nhất có thể.
Thông điệp HLV Ten Hag muốn chuyển tải đến các học trò như ông nói là: "Các bạn phải luôn tạo ra những tam giác, đó là bóng đá, nguyên tắc chỉ có một". Bài tập này giúp các cầu thủ cải thiện khả năng xử lý bước một, tư duy phản ứng nhanh nhạy cả trong kiểm soát bóng lẫn pressing. Xa hơn, Man Utd sẽ thành thục trong việc kiểm soát bóng và tận dụng hiệu quả mọi khoảng trống trong tấn công lẫn phòng ngự.
Những năm qua, Quỷ đỏ luôn bị chê bai ở khả năng "công kiên". Đội bóng này thiếu kiên nhẫn lẫn kém cỏi về khả năng ra quyết định trong các tình huống triển khai tấn công từ sân nhà. Thay vì kiểm soát bóng, giữ vững đội hình và kéo giãn đội hình đối phương bằng cách luân chuyển bóng liên tục sang hai biên, Man Utd thường cố gắng xuyên phá vào những vị đối thủ đã tổ chức phòng ngự kín kẽ, đồng thời tự tạo ra sơ hở cho đối phương khai thác.
Trong 3 buổi đầu tiên dưới thời Ten Hag, vị chiến lược gia người Hà Lan đang cố gắng điều trị căn bệnh mãn tính này. Trong bài tập 8v5 (8 đấu 5), ông yêu cầu các học trò luân chuyển trái bóng từ biên này sang biên bên kia và chọn đúng thời điểm hợp lý để xuyên phá hệ thống phòng ngự.
Trong một tình huống, trái bóng được luân chuyển 4 lần giữa 2 hành lang, ở lần luân chuyển cuối cùng từ cánh trái sang phải, Jadon Sancho chờ sẵn ở rìa vòng cấm và băng xuống thực hiện một quả tạt chất lượng để Marcus Rashford đánh đầu vào góc cao. Đó là miếng đánh đầy triển vọng và chắc chắn Ten Hag sẽ còn yêu cầu các học trò trau dồi nhiều hơn nữa.
Sự vụng về trong pressing của Man Utd là điều dễ nhận ra. Từ sự đồng bộ lẫn nỗ lực gây áp lực, Quỷ đỏ đều kém. Bởi vậy, trong các buổi tập, vị chiến lược gia người Hà Lan đều dành rất nhiều thời gian để rèn giũa hai mảng miếng chiến thuật này. Bất cứ khi nào trái bóng ra khỏi sân, ngay lập tức một trái bóng khác được đưa vào sân, qua đó đo lường tốc độ phản ứng và cường độ chơi bóng của các cầu thủ Man Utd. Kết quả là chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đó là chưa đề cập đến tốc độ và sự chính xác trong các pha xử lý, đặc biệt những đường chuyền.
HLV Ten Hag và trợ lý Michell van der Gaag liên tục yêu cầu các cầu thủ Man Utd pressing và phản ứng chống pressing, với một HLV khác, Craig Mawson, luôn hét "đứng dậy chơi bóng đi". Cho dù vừa đại thắng Liverpool 4-0 nhưng thực tế Liverpool chính là tấm gương để Quỷ đỏ noi theo trong cả hai khía cạnh. Dưới sự dẫn dắt của Klopp, The Kop phục hồi vị trí nhanh chóng, di chuyển bóng tốc độ, thu hẹp khoảng trống chớp nhoáng và liên tục giao tiếp để phát triển phương án lên bóng hoặc pressing.
Về mặt con người, nhiều cầu thủ Man Utd hiện tại sở hữu những phẩm chất phản kiểm soát bóng và pressing. Eriksen, Fred hay Bruno Fernandes là những ví dụ. Các tiền vệ này ưa thích thực hiện những đường chuyền phiêu lưu, mạo hiểm, xác suất thành công thấp nhưng tính biểu diễn lại cao. Một ví dụ khác là C.Ronaldo, cầu thủ pressing ít nhất 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa 2021/22. Hay Wan-Bissaka, hậu vệ biên chỉ thiên về phòng ngự.
Bất chấp những trở lực nặng nề như vậy, Ten Hag vẫn nỗ lực lột xác Man Utd từ đội bóng có chiến thuật cổ lỗ trở thành đội bóng thi đấu hiện đại, tinh kỳ. Điều đó đã được thể hiện qua các trận giao hữu. Quỷ đỏ kiểm soát bóng ấn tượng bằng những pha phối hợp tam giác như "đá ma", thao túng không gian bằng các tình huống luân chuyển bóng qua hai biên, và gây áp lực lớn lên hàng thủ đối phương bằng chiêu thức pressing.
Dĩ nhiên, như Ten Hag thừa nhận, lối chơi của Man Utd còn nhiều sơ suất. Tuy vậy, đây đã là đội bóng dám làm mới và dám chơi bóng. Chuyện 10 năm qua chưa hề có.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-thao/man-utd-thoi-erik-ten-hag-nhung-hoa-tiet-khac-hinh-quy-do-ky-nguyen-moi-20220719015230207.htm