Một thời, thiên hạ choáng ngợp trước danh sách dài dằng dặc những tên tuổi lớn của bóng đá đỉnh cao thi đấu tại giải Super League của Trung Quốc, nhưng nay đã khác…
M.U hoặc Barcelona thậm chí phải sang Chinese Super League để tìm kiếm, tăng cường hảo thủ (M.U tuyển Odion Ighalo từ Shanghai Shenhua; Barcelona rước Paulinho từ Guangzhou Evergrande). Các lão tướng “dối già” với mức lương cao ở sân cỏ Trung Quốc, thôi thì không đáng bàn đến. Nhưng Oscar, Hulk, Ramires, Robinho, Paulinho (Brazil), Yannick Carrasco, Moussa Dembele, Axel Witsel (Bỉ), Burak Yilmaz (Thổ Nhĩ Kỳ), Marek Hamsik (Slovakia), Graziano Pelle, Eder, Stephane El Shaarawy (Ý), Marko Arnautovic (Áo)… đều bất ngờ gia nhập Super League ngay giữa đỉnh cao phong độ của họ, làm giới bình luận trong làng bóng châu Âu phải tốn nhiều giấy mực.
Ricardo Goulart trở về khoác áo Santos (Brazil) vào tháng 1 sau thời gian chơi cho CLB Guangzhou Evergrande vào năm 2015 và nhập tịch Trung Quốc vào năm 2020
Bây giờ, khi giải Chinese Super League 2022 khai diễn trong tháng 6 này, hầu như chẳng còn nhận ra tên tuổi đáng kể nào, khi giới quan sát điểm danh hàng ngũ hảo thủ của từng CLB. Chỉ có tình trạng ngược lại. Các cầu thủ Brazil vừa nhập tịch và khoác áo đội tuyển Trung Quốc cách đây không lâu, như Aloisio, Alan, Elkeson, Ricardo Goulart… đều đã tháo chạy khỏi giải đấu từng giúp họ có vinh dự khoác áo ĐTQG - dù không phải là đội tuyển của quê hương mình.
Tất nhiên, cầu thủ Brazil mà “chịu” lấy hộ chiếu Trung Quốc để có cơ hội khoác áo ĐTQG thì cũng đã là yếu rồi (xét về đẳng cấp chuyên môn). Khi bàn về trào lưu hảo thủ lũ lượt rời khỏi Super League, ở độ tuổi vẫn còn cơ hội thi đấu cho những nơi khác, người ta thường chỉ điểm qua các tên tuổi lớn hơn, như Vagner Love, Jo, Robinho, Hulk… Điểm chung: họ đều muốn đi thật nhanh, để không bỏ lỡ cơ hội tiếp tục thi đấu ở những nơi khác. Gắn bó với Super League thì trước sau gì cũng bị chìm vào quên lãng. Bài học lớn từ Alex Teixeira đã được tham khảo. Tiền vệ được đánh giá cao về tài năng này chia tay Shakhtar Donetsk ở tuổi 26. Anh chọn giải Super League của Trung Quốc, dù có những lời mời từ giải Premier League của Anh (đặc biệt là Liverpool). Đấy chính là sai lầm khiến Alex Teixeira cả đời không thể lọt vào đội tuyển Brazil, rồi đành sang Thổ Nhĩ Kỳ khoác áo Besiktas sau 5 năm chơi bóng trong tình trạng “không ai biết đến” ở Trung Quốc.
Hãy quay lại với Chinese Super League 2022. CLB Chongqing Liangjiang Athletic đã chấm dứt sự tồn tại ngay trước khi mùa bóng mới bắt đầu. Trước đó không lâu là Qingdao FC. “Tình trạng sức khỏe” của giải VĐQG vẫn thường được xem là chi tiết quan trọng nhất nói lên sức mạnh của một nền bóng đá. Còn đẳng cấp cầu thủ là chi tiết quan trọng nhất nói lên đẳng cấp của giải VĐQG. Super League đã suy yếu hẳn từ nhiều năm nay vì các hảo thủ nước ngoài lũ lượt bỏ đi. Trước đó, họ đến Trung Quốc một phần vì tiền. Bây giờ, ngay cả mức lương cao cũng không còn hấp dẫn được các ngôi sao đến Super League nữa. Chưa kể, mức lương ở giải đấu này giờ cũng đã… hết cao rồi. CLB Chongqing vừa nêu ở trên đã phá sản vì nợ ngập đầu!
Ở một khía cạnh nào đó, các sản phẩm “Made in China” vẫn có một giá trị riêng, chỗ đứng riêng, trong bất cứ ngành hàng nào. Và dù thích hay không, thiên hạ khó lòng phủ nhận tư thế “cường quốc mới” của kinh tế Trung Quốc. Tờ South China Morning Post từng đặt vấn đề: vậy sao bóng đá Trung Quốc không tự tin bước theo con đường “Made in China” ấy? Từ các CLB ở Super League cho đến ĐTQG, bóng đá Trung Quốc đã không thể hoặc không dám tính chuyện phát triển “nội lực”, đã chọn phương án trông ngóng vào lực lượng ngôi sao bên ngoài. Để rồi giờ đây, một lần nữa Super League khai diễn trong cảnh chợ chiều, còn đội tuyển Trung Quốc một lần nữa phải làm khán giả khi VCK World Cup diễn ra ngay tại châu Á vào cuối năm nay.
Đâu là tài năng đáng kể của bóng đá Trung Quốc? Tờ báo Anh The Guardian từng xếp Jia Boyan vào mục “Next Generation 2020: 60 tài năng trẻ hàng đầu của bóng đá thế giới”. Khi ấy, Jia khoác áo Shanghai Port FC ở Chinese Super League. Gần đây, người ta tìm mãi mới thấy được tung tích Jia Boyan: anh sang Thụy Sĩ khoác áo Grasshoppers, rồi lập tức bị đẩy sang NK Dubrava ở giải hạng nhì của Croatia, theo hình thức cho mượn! “Với tôi, thế này là quá tốt rồi”, Jia nói!
Theo Kinh Thi/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/bong-da-trung-quoc-tiep-tuc-buoc-lui-post1471477.html