Dù đã vô địch Giải U23 châu Á 2022 một cách thuyết phục nhưng điều đó không đồng nghĩa Saudi Arabia sở hữu nền tảng bóng đá trẻ hàng đầu châu lục hiện nay.
Dù vô địch Giải U23 châu Á 2022 nhưng Saudi Arabia (trái) vẫn chưa thể đuổi kịp Nhật Bản về bóng đá trẻ - Ảnh: AFC
Ngay từ đầu giải đấu, đội bóng đến từ vùng Trung Đông đã là một tập thể khác biệt so với phần còn lại. Đó là độ "già đời" của các tuyển thủ khi quá nửa đội hình mà HLV Al-Shehri mang đến Uzbekistan đang (hoặc từng) khoác áo tuyển quốc gia. Trong khi đó, với U23 Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Iran, con số này gần như bằng không. Thậm chí, Nhật Bản còn cử đội U21.
Giải đấu nửa nạc, nửa mỡ
Giải U23 châu Á là giải đấu có đặc tính kỳ lạ, khi dù tổ chức 2 năm/lần nhưng độ khốc liệt lại diễn ra theo mật độ 4 năm/lần. Đó là trong những năm diễn ra Olympic, khi đó Giải U23 sẽ mang ý nghĩa quyết định những tấm vé đến kỳ Thế vận hội mùa hè. Trong những năm còn lại (như năm 2018 và năm nay), Giải U23 châu Á đơn thuần chỉ là một giải đấu "nửa nạc, nửa mỡ", và các nền bóng đá hùng mạnh thường ít khi để tâm.
Saudi Arabia là đội bóng "nghiêm túc" nhất trong số các đại gia dự Giải U23 châu Á năm nay, nên việc họ vô địch cũng không phải là chuyện quá đặc biệt. Thật ra, trong cả những năm mang tính chất vòng loại cho Olympic, những nền bóng đá mạnh cũng không hẳn "nghiêm túc" với giải. Cụ thể, ở giải năm 2020, Hàn Quốc không mang đội hình mạnh nhất đến nhưng rồi vẫn đăng quang một cách thuyết phục. Và kể cả như vậy cũng không đồng nghĩa Hàn Quốc có nền bóng đá trẻ mạnh hơn Nhật Bản hay Iran, Úc...
Mất đi nhiều ý nghĩa
U23 là một độ tuổi đặc biệt. Trong quá khứ, UEFA từng tổ chức Giải U23 châu Âu, nhưng chỉ trong giai đoạn từ năm 1972 đến 1976. Sau đó, họ thay thế hệ thống giải U23 bằng U21 - độ tuổi thực sự được xem là "tiềm năng" của cầu thủ. Lý do đơn giản là bởi phần đông những ngôi sao ngày nay đều "chín" sớm, trở thành trụ cột đội tuyển quốc gia từ ngưỡng 21 - 22 tuổi. Tổ chức một giải đấu mà các đội tuyển không mang đến đội hình mạnh nhất rõ ràng mất đi rất nhiều ý nghĩa.
Olympic - với việc lựa chọn lứa tuổi U23 - phải chăng đại diện cho bóng đá trẻ thế giới? Không hề. Trong quá khứ, môn bóng đá nam Olympic cũng không giới hạn tuổi. Nhưng tranh cãi bắt đầu nổ ra từ kỳ Olympic 1984, khi FIFA cho rằng Olympic làm ảnh hưởng đến thương hiệu của World Cup.
Bóng đá toàn cầu chỉ nên có một giải đấu trung tâm, và cuối cùng Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) chịu nhượng bộ. Từ năm 1992, họ đặt ra giới hạn tuổi U23 để các đội tuyển không thể mang đội hình mạnh nhất đến Thế vận hội được nữa. Đó là vấn đề về thương hiệu của bóng đá nam - môn thể thao vua. Còn với bóng đá nữ hay những môn thể thao khác thì không có vấn đề gì, Olympic và giải vô địch thế giới của những môn thể thao còn lại vẫn diễn ra song song.
Nói điều đó để hiểu, phần đông làng bóng đá đỉnh cao không xem U23 là độ tuổi của tiềm năng nữa. Do đó, thành tích ở các giải đấu U23 không nói lên quá nhiều điều.
Theo Huy Đăng/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/bong-da-tre-saudi-arabia-manh-nhat-2022062209312359.htm