Ông Lê Hùng Dũng, một doanh nhân, người đầu tiên ngồi vào ghế chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mà không phải là quan chức lớn vừa qua đời vào 2 giờ 15 phút sáng nay 17.6 tại nhà riêng ở TP.HCM.
Cái tên ông Lê Hùng Dũng đã nổi đình nổi đám với bóng đá nước nhà suốt hơn 20 năm qua, đặc biệt từ khi ông bắt đầu tham gia tranh cử vào các vị trí chủ chốt của Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam cuối những năm 1990 của thế kỷ trước. Khi đó ông Dũng vừa là đại diện cho giới trẻ (ông là Giám đốc Khách sạn Festival thuộc Trung Ương Đoàn) vừa là một doanh nhân thành đạt, có rất nhiều tâm huyết và hoài bão, muốn được đóng góp nhiều cho bóng đá, nên quyết tâm dấn thân vào chính trường của quả bóng tròn.
Ông Lê Hùng Dũng và bầu Đức, Phó chủ tịch VFF đã quyết định đưa HLV Park Hang-seo về Việt Nam
Những cách làm và phát ngôn thời đó của ông luôn gây sốc, thể hiện sự táo bạo của tuổi trẻ và cũng là khát vọng muốn đổi mới bộ máy đã cũ kỹ, chậm chạp của Liên đoàn, đặc biệt là việc kiếm tiền luôn là đề tài nóng trong các cuộc họp ở nghị trường. Chẳng hạn để chứng minh mình đủ sức kêu gọi tài trợ và hái ra tiền, một mặt ông Dũng tập hợp doanh nhân đông đảo, nhiều người cùng chí hướng muốn phát triển bóng đá nước nhà bên cạnh ông để huy động nguồn lực và tạo thanh thế, phần khác ông tỏ ra hùng biện với nhiều trang tài liệu dày cộp gửi đến cử tọa trong các buổi thuyết trình về kiếm tiền cho bóng đá.
Niềm kiêu hãnh của ông Lê Hùng Dũng khi đắc cử chức Chủ tịch VFF
Tôi nhớ có lần tham dự Đại hội Liên đoàn vào năm 2001 và 2005, ông Dũng đã ấn vào tay tôi cũng như một số đồng nghiệp khác những cuốn tài liệu gần cả trăm trang được ông làm rất công phu, mà sau này tôi mất gần cả tuần mới đọc hết một phần trong đó vì nó quá nhiều câu chuyện và con số, phần khác càng đọc cũng càng rối vì có những cái không hiểu gì bởi tham vọng để có nguồn thu quá lớn của ông Dũng trong khi không phải ai trong giới bóng đá hay truyền thông cũng rành rẽ việc làm này.
Phát ngôn gây sốc nhất của ông Dũng sau thời gian dài trải qua nhiều cương vị như Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tài chính, Phó chủ tịch để đeo bám chiếc ghế chủ tịch VFF chính là tại Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam năm 2014 khi trong ngày nhậm chức ông tuyến bố: “Số tiền dự kiến kiếm được cho bóng đá Việt Nam vào khoảng trên 300 tỉ đồng và con số này sẽ tăng thêm 15% mỗi năm”. Vào thời điểm này đó là con số mà nhiều người cho rằng bất khả thi vì nó quá lớn so với cách làm và cách kiếm tiền của Liên đoàn, nhưng ông Dũng vẫn thế vẫn rất hùng hồn trên mọi diễn đàn và luôn cho thấy mình đủ sức làm chứ không phải chỉ nói suông.
Ông Lê Hùng Dũng
Thậm chí ông cũng rất khẳng khái khi còn kiến nghị Công an vào cuộc làm quyết liệt về những trận thua bất thường của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông làm Chủ tịch giống như cách mà các lực lượng chức năng đã khui ra ánh sáng các vụ tiêu cực, bán độ của nhóm cầu thủ Đồng Nai và Ninh Bình những năm 2012-2014. Có lần cùng đi xem một trận bán kết bóng đá với ông, ông còn chỉ thẳng mặt một thành viên đội tuyển sau trận nói ngay: “Đá như vậy là không thể chấp nhận, coi thường danh dự quốc gia là phải mời công an vào xử lý”.
Chính tính cách bộc trực nhưng rất quyết liệt của ông Dũng có lúc bị một số người ghét vì cho rằng ông không bảo vệ họ thì thôi, mắc gì chỉ trích và còn muốn lôi họ ra ánh sáng. Nhưng ông Dũng là vậy, ông không thỏa hiệp với cái xấu và rất muốn bảo vệ uy tín cho Liên đoàn trước những tác động không hay từ những phức tạp của xã hội. Có thể cách làm đôi khi còn nóng nảy, nhưng cái tâm của ông Dũng với bóng đá nước nhà là không thể phủ nhận.
Ông Lê Hùng Dũng và người cộng sự hiện là quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
Thế nhưng điều không ngờ đã ập đến khi tình hình sức khỏe của ông sa sút sau khi có vài biến động trong công việc kinh doanh từ ngành nghề chính là ngân hàng của mình. Suốt một thời gian dài từ 2016, ông Dũng lo dưỡng bệnh nên ít xuất hiện tại trụ sở VFF ở Hà Nội chỉ đạo, điều hành. Cũng vì thế, trong nhiều sự kiện quan trọng của bóng đá Việt Nam, người ta đã quen với việc chỉ có cấp phó của ông Dũng xuất hiện, còn người đứng đầu thì vắng mặt. Ngay hội nghị Ban chấp hành VFF tổ chức tại TP.HCM, ông Dũng cũng không thể tham gia điều hành, dẫu rằng đã cố gắng đến dự nhưng phải rút lui vì sức khỏe. Thay thế ông Dũng điều hành chính trong phiên họp BCH có khi là bầu Đức- Phó chủ tịch VFF và sau này là ông Trần Quốc Tuấn, bây giờ là Quyền chủ tịch VFF.
Có lần ông Dũng cho biết sức khỏe dù có tốt hơn sau hơn một năm dưỡng bệnh nhưng mọi chuyện ông vẫn chưa thể đứng ra điều hành nên cũng đã hé mở về quyết định rút khỏi bóng đá. Nhưng lá đơn xin nghỉ của ông lại chưa nộp trong khi bóng đá Việt Nam có quá nhiều việc phải làm nhanh và quyết liệt vào thời điểm đó lại thiếu người cầm trịch khiến cho những công việc lớn của bóng đá nước nhà một thời gian dài bị đình trệ. Mãi đến sau này ông Dũng mới chính thức rút lui và Liên đoàn mới có những người đảm đương mới.
Cho dù chỉ là một giai đoạn lịch sử của bóng đá nước nhà và cũng chưa để lại nhiều thành tích lớn ngoài việc U.20 Việt Nam lọt vào FIFA World Cup, nhưng ông Lê Hùng Dũng cũng đã thổi một làn gió mới vào hoạt động của tổ chức quả bóng tròn, cùng với bầu Đức chỉ đạo mời HLV Park Hang-seo về Việt Nam, từ đó giúp lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam không bị chao đảo. Công sức đó của ông thực sự giúp cho tổ chức VFF ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn. Ông ra đi, bóng đá nước nhà đã mất đi một nhà quản lý giỏi, nỗi đau này khó nói thành lời.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nguyen-chu-tich-lien-doan-bong-da-viet-nam-le-hung-dung-khong-con-nua-post1469401.html