Tính từ SEA Games 31 đến nay, U23 Việt Nam có 8 trận bất bại, bị thủng lưới 3 bàn trước U23 Thái Lan và U23 Hàn Quốc ở vòng chung kết U23 châu Á 2022. Một thành tích đầy ấn tượng bên cạnh những con số thống kê thú vị.
Lợi thế chiều cao giúp hàng thủ U23 Việt Nam không bị thủng lưới trước các tình huống đá phạt cố định - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Thật khó tin khi trong 8 trận gần đây nhất, dù U23 Việt Nam phải chịu tới 37 quả đá phạt góc của đối phương, nhưng không một lần bị thủng lưới.
Tuổi Trẻ Online thống kê được như sau, SEA Games 31: U23 Indonesia có 3 quả đá phạt góc, U23 Phipippines: 2, U23 Timor Leste: 1, U23 Myanmar: 3, U23 Malaysia: 8, U23 Thái Lan: 6; vòng chung kết U23 châu Á: U23 Thái Lan: 3, U23 Hàn Quốc: 11.
Việc không bị thủng lưới bàn nào khi đối đầu với các nền bóng đá vốn có sở trường trong việc dàn xếp tấn công bằng bóng bổng như Philippines, Thái Lan, Malaysia hay Hàn Quốc đáng được ghi nhận cho U23 Việt Nam.
Lần đầu cho bóng đá Việt Nam
Lâu nay, bóng đá Việt Nam nhiều lần bị thủng lưới khi bị phạt góc. Vậy thì điều gì giúp cho các thủ môn Văn Toản rồi Văn Chuẩn giữ được mành lưới trong các pha dàn xếp đá phạt góc của đối phương?
Bên cạnh việc bắt người, phân chia việc đánh trả hợp lý từ những pha đá phạt góc, tính hiệu quả trong việc giữ vững lưới đội nhà xuất phát từ việc dàn cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại đang sở hữu nhiều cầu thủ có chiều cao từ 1,80m trở lên ở hàng phòng ngự.
Cụ thể: thủ môn Văn Toản (1,86m), thủ môn Văn Chuẩn (1,80m), thủ môn Tuấn Hưng (1,82m), Việt Anh (1,86m), Duy Cương (1,81m), Thanh Bình (1,84m), Văn Tùng (1,80m), Mạnh Dũng (1,81m), Văn Trường (1,82m), Minh Hiếu (1,81m).
Bên cạnh chiều cao từ 1,80m trở lên, hàng phòng thủ U23 Việt Nam còn "cứng cáp" hơn mỗi khi đội nhà bị phạt góc hoặc đá phạt cố định của đối thủ với sự hỗ trợ của cặp tiền đạo Văn Tùng - Mạnh Dũng cùng có chiều cao tương đương.
Các tuyển thủ ở hàng phòng ngự U23 Việt Nam gần như không quá lép vế về thể hình trước các tiền đạo cao to của U23 Philippines (Enrique cao 1,87m), U23 Thái Lan (Patrik cao 1,87m) hay U23 Hàn Quốc (Oh Se Hun cao 1,93m). Nhờ vậy, họ đánh trả thành công tất cả những tình huống dàn xếp đá phạt góc của đối phương.
Và cũng nhờ vào chiều cao thể hình đẹp như vậy, nhiều trung vệ như Thanh Bình, tiền đạo Mạnh Dũng đã làm bùng nổ cầu trường với bàn thắng ở vòng loại cuối cùng World Cup, rồi SEA Games 31 với pha đánh đầu hiểm hóc.
Phản xạ nhạy bén, cộng với chiều cao 1,81m giúp thủ môn Văn Chuẩn cứu cho U23 Việt Nam nhiều bàn thua trông thấy khi thay thế Văn Toản - Ảnh: HỮU TẤN
Giảm sức ép cho đồng đội
Cựu tuyển thủ Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) - một trong những vua phá lưới giải vô địch quốc gia, từng ghi nhiều bàn thắng bằng đánh đầu - cho biết: "Từ thế hệ của chúng tôi cho tới tận bây giờ, bóng đá Việt Nam mới có được dàn cầu thủ không chỉ có tiềm năng, mà còn sở hữu thể hình đẹp.
Với thể hình lý tưởng như vậy, họ không chỉ giúp cho khung thành đội nhà bình yên trước những quả lật cánh, đá phạt góc hay đá phạt cố định của đối phương. Đó là chưa kể họ còn biết cách tận dụng lợi thế của mình để ghi bàn…".
Từng hứng chịu nhiều sức ép, bàn thua trong các pha bóng cố định của đối phương lúc còn khoác áo đội tuyển quốc gia, cựu tuyển thủ Trần Minh Quang hào hứng nói: "Ngày trước, mỗi lần đội nhà bị phạt cố định hay phạt góc, người hâm mộ luôn thót tim khi các tuyển thủ Việt Nam luôn lép vế trong các pha treo bóng bổng. Việc đánh trả gần như phó thác cho thủ môn.
Giờ đây, áp lực của thủ môn được giải tỏa đáng kể khi chúng ta có được nhiều cầu thủ hội đủ các yếu tố như: cao lớn, phán đoán tốt, kỹ thuật chơi bóng hoàn hảo… để hỗ trợ cho người giữ thành. Đây là một bước tiến dài của bóng đá nước nhà trong việc cải thiện tầm vóc".
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhung-cay-sao-bao-ve-bau-troi-cua-u23-viet-nam-20220606152242984.htm