Melbourne (Úc) là đất lành của Novak Djokovic với 9 danh hiệu Grand Slam danh giá trong quá khứ, nhưng giờ đây lại là nơi lưu giữ ký ức không mấy tốt đẹp của tay vợt số 1 thế giới này.
8 giờ bị nhốt tại sân bay
Một ngày trước khi lên đường đến nước Úc tham dự Grand Slam đầu năm, Djokovic còn rất hồ hởi khoe trên mạng xã hội Instagram: “Hôm nay tôi sẽ đến Úc, khởi đầu hành trình quần vợt năm 2022 sau khi được miễn trừ y tế”.
Xuyên suốt vài tháng qua, thế giới quần vợt bàn tán sôi nổi về chuyện Novak Djokovic đã tiêm phòng dịch Covid-19 hay chưa. Và câu trả lời là chưa. Bằng chứng là hôm 1.1, tay vợt người Serbia bị từ chối đơn xin miễn trừ y tế để nhập cảnh vào Úc tham dự ATP Cup, giải đánh đồng đội. Về phương diện cá nhân, Nole (tên thân mật của Djokovic) vốn là tay vợt nổi tiếng duy nhất trên thế giới không tin vào vắc xin phòng dịch Covid-19.
Djokovic tại giải Úc mở rộng 2021
Theo Reuters, ngay sau khi Djokovic đến sân bay Tullamarine ngày 5.1, anh được đưa ngay đến phòng biệt lập có giám sát vì không đáp ứng tiêu chuẩn nhập cảnh. Lực lượng Biên phòng Úc giữ Djokovic trong một căn phòng suốt 8 tiếng, với 2 lính canh bên ngoài. Điện thoại của Nole cũng bị thu giữ trong vài giờ.
Sau đó, Nole nhận được thông báo visa nhập cảnh Úc của anh bị hủy và anh sẽ bị trục xuất khỏi nước này gần như ngay lập tức.
Theo AFP, việc miễn trừ chứng nhận vắc xin của Djokovic được cho là đã có sự đồng ý từ ban tổ chức giải Úc mở rộng, sau khi hồ sơ của anh được 2 ủy ban y tế chấp thuận. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người Úc, vốn đã chịu cảnh phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian qua, nổi giận. Ông Stephen Parnis, cựu Phó chủ tịch Hiệp hội y khoa Úc, phản ứng mạnh mẽ: “Tôi không quan tâm anh ta là tay vợt giỏi cỡ nào. Nếu từ chối tiêm phòng, anh ấy sẽ không được phép nhập cảnh. Nếu sự miễn trừ này là đúng, nó sẽ gửi một thông điệp kinh hoàng đến hàng triệu người đang tìm cách giảm thiểu rủi ro vì Covid-19 tại đây”.
Theo AFP và Reuters, sau khi được phóng thích khỏi sân bay, Djokovic được đưa về khách sạn Park ở Melbourne để cách ly trong lúc chờ chuyến bay về châu Âu.
Không có ngoại lệ cho Nole
Trong một thông báo mới nhất, Bộ trưởng y tế Úc Greg Hunt cũng cho biết Djokovic đã không cung cấp đủ các “tiêu chuẩn chứng minh thích hợp” để nhập cảnh và theo luật sẽ bị trục xuất. Trong khi đó, đội ngũ huấn luyện của tay vợt số 1 thế giới đã tiêm phòng đầy đủ và được phép nhập cảnh.
Xung quanh sự việc, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng đã viết trên Twitter: “Thị thực của Djokovic đã bị hủy. Luật là luật, đặc biệt với các vấn đề liên quan tới biên giới của chúng tôi. Không ai được ở trên những quy tắc này. Chính sách biên giới rất quan trọng để Úc có tỷ lệ tử vong thấp nhất thế giới vì Covid-19. Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác”.
Được biết, TP.Melbourne ở bang Victoria, nơi diễn ra giải Grand Slam Úc mở rộng 2022 (từ ngày 17 - 30.1.2022), chính là nơi bị phong tỏa vì dịch Covid-19 lâu nhất thế giới với 246 ngày.
Có thể gây ra sự cố ngoại giao
Nếu không góp mặt tại giải Úc mở rộng 2022, Djokovic sẽ lỡ cơ hội trở thành người đầu tiên chạm mốc 21 Grand Slam. Tuy nhiên, vụ việc của anh đến lúc này đã vượt xa biên giới nước Úc.
Trong một tuyên bố được AFP dẫn lời, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nhấn mạnh: “Tôi nói với Novak rằng toàn thể người dân Serbia đang ở bên anh ấy. Chúng tôi đang làm mọi thứ để chấm dứt hành vi ngược đãi này càng sớm càng tốt. Dựa theo tất cả tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, Serbia sẽ chiến đấu cho Novak Djokovic, với công lý và sự thật”.
Tiếp đó, ông Vucic đã triệu tập Đại sứ Úc tại Belgrade và yêu cầu ngay lập tức thả tự do cho Djokovic để anh thi đấu. Trong khi đó, hãng tin Reuters cũng đưa ra nhận định, động thái của chính phủ Úc nhằm ngăn chặn Djokovic nhập cảnh có thể gây ra sự cố ngoại giao giữa Úc và Serbia.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/novak-djokovic-voi-ky-uc-buon-o-melbourne-post1418827.html