Thử nghiệm quan trọng nhất tại giải FIFA Arab Cup 2021, vừa khai mạc ở Qatar như một “bản nháp” cho World Cup 2022, là một công nghệ mới mà FIFA hy vọng sẽ áp dụng để giải quyết rốt ráo các vấn đề của hệ thống VAR đã quen thuộc lâu nay. Đó là “VAR bán tự động”.
Trọng tài vẫn xem lại VAR nhưng máy móc sẽ góp phần xử lý một cách nhanh nhất có thể, tránh sai sót không đáng có AFP
Iraq hòa Oman 1-1; Qatar thắng Bahrain 1-0 (bảng A); Tunisia thắng Mauritania 5-1; UAE thắng Syria 2-1 (bảng B). Đó là 4 trận đầu tiên vừa diễn ra trong ngày khai mạc của giải FIFA Arab Cup 2021. Giải này có 4 bảng, mỗi bảng lấy 2 đội vào vòng knock-out, chung kết diễn ra vào ngày 18.12. Đây là cuộc “tổng diễn tập” quan trọng cho World Cup 2022, cũng diễn ra vào đúng mùa này trong năm sau, tại Qatar. Các đội còn lại ở giải đấu này là Morocco, Ả Rập Xê Út, Jordan, Palestine (bảng C) và Algeria, Ai Cập, Li Băng, Sudan (bảng D).
4 trận đầu tiên diễn ra trong cùng một ngày, ở 4 khung giờ khác nhau đây đã là nét mới thú vị rồi. Qatar sẽ là nước chủ nhà World Cup nhỏ nhất, về diện tích (nước Nga vừa tổ chức World Cup 2018 rộng gấp 1.500 lần so với Qatar). Do sân bãi gần nhau và hệ thống giao thông tuyệt vời, Qatar 2022 sẽ là kỳ World Cup đầu tiên mà người ta có thể xem tại sân đến 2 trận trong cùng 1 ngày. Còn khán giả truyền hình trên khắp thế giới cũng nên sẵn sàng với lịch thi đấu 4 trận/ngày (không phải chỉ ở lượt cuối vòng bảng).
Thử nghiệm quan trọng nhất tại Arab Cup mà cả thế giới, chứ không riêng gì FIFA, đang hào hứng chờ xem bản báo cáo đúc kết sau giải. Đó là khái niệm “VAR bán tự động”. Như mọi người đã biết, VAR (phương pháp hoặc hệ thống dùng video trợ giúp trọng tài) còn rất nhiều chỗ chưa ổn. Một trong những rắc rối lớn nhất là dù xem đi xem lại tình huống nghi việt vị, người ta vẫn không thể thống nhất ý kiến. Các đường kẻ trên màn ảnh chỉ giúp người xem hiểu rõ vấn đề (tranh cãi chỗ nào, nghi phạm lỗi gì), chứ không trả lời rõ câu hỏi đã việt vị hay chưa. Mối liên quan giữa thời điểm người chuyền chạm bóng với thời điểm kẻ vạch cũng không được thể hiện một cách thuyết phục.
Thậm chí còn có “bí mật động trời” vừa được chính những người trong cuộc tiết lộ: những đường kẻ ấy không thật sự đáng tin. Từng có chuyện hệ thống VAR khi được khởi động lại và xử lý lại cùng một tình huống thì đưa ra hai kết quả khác nhau, giữa việt vị và không việt vị! Cho nên, FIFA đã âm thầm thử nghiệm suốt 2 năm qua về hệ thống “VAR bán tự động”, hoàn toàn mới mẻ so với những gì đã được biết đến. Thử nghiệm này chỉ được tiến hành trong hậu trường, và nay lại được thử nghiệm ở một giải đấu thật - Arab Cup 2021. Nếu có kết quả tốt đẹp, sẽ áp dụng tại World Cup 2022.
Một hệ thống camera được gắn ở mái che của sân vận động để thu lại dữ liệu về các điểm cần phân tích trong một tình huống nghi ngờ việt vị: điểm xa nhất (không tính tay) của các cầu thủ tấn công, các cầu thủ phòng ngự, ở thời điểm người chuyền chạm bóng. Thời điểm chạm bóng cũng được xác định chính xác, bằng kỹ thuật thuần túy. Tất cả được đưa vào máy đã lập trình và máy tự động phản hồi “việt vị hay chưa”, truyền đến phòng VAR.
Có hai khác biệt so với trước đây: độ chuẩn tăng vọt, đáng tin cậy hơn, do hệ thống kỹ thuật mới sử dụng trí thông minh nhân tạo; và thời gian xử lý nhanh đến mức gần như đồng thời với diễn tiến thật. Gọi là “tự động” vì chi tiết này, nhưng chỉ là “bán tự động”, vì tất nhiên, các trọng tài vẫn phải làm việc. Vấn đề là phòng VAR được thông báo kết quả “nhanh như thật” (máy chỉ mất tối đa 2 phần ngàn giây để phân tích tình huống). Còn lại vẫn là những việc cũ: phòng VAR thông báo đến trọng tài chính, và ông này là người cuối cùng quyết định mọi chuyện. Về mặt dữ liệu, đã có máy móc bảo đảm rồi. Trong tài chỉ lo phần việc “của con người”, ví dụ phán quyết mức độ ảnh hưởng đến pha bóng của cầu thủ đứng ở vị trí việt vị...
Theo Ngũ Viên/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/thu-nghiem-moi-voi-var-ban-tu-dong-post1407159.html