Quả trứng được ấp mãi không nở thì cần gà con phải chủ động phá vỏ để chui ra. Đó là hình ảnh được ông Lê Hoàng Anh - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng rổ VN (VBF) - dùng để nói về thực trạng của bóng rổ VN trước khi tự chuyển mình.
Bóng rổ Việt Nam chuyển mình
Dấu ấn lớn nhất của bóng rổ Việt Nam gần đây là 2 HCĐ ở nội dung 5x5 và 3x3 của đội tuyển quốc gia tại SEA Games 2019. Đó là kết quả của sự chuyển mình mạnh mẽ như hình tượng những chú gà con tự phá vỏ chui ra khỏi trứng.
Theo ông Lê Hoàng Anh, bóng rổ Việt Nam đã mạnh dạn chủ động để thoát khỏi "vỏ trứng" từ cuối năm 2015 khi thay đổi tư duy trong quản trị liên đoàn, trong phát triển bóng rổ chuyên nghiệp, trong hệ thống thi đấu, đội tuyển quốc gia, trong cạnh tranh và hợp tác. Trong lối mòn và mở đường và cả trong quản lý nhà nước về thể thao để bóng rổ phát triển. Tư duy ấy phải bắt nguồn từ những người lãnh đạo cao nhất của VBF.
Lãnh đạo VBF xác định phải thực hiện sớm, kết hợp nội lực và ngoại lực, trên cả ba phương diện: bóng rổ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông; bóng rổ Việt Nam và các tổ chức thể thao quốc tế; trọng tài, HLV, VĐV Việt Nam và trọng tài, HLV, VĐV nước ngoài.
Ông Lê Hoàng Anh nhớ lại: "Khi chúng tôi nhận bàn giao từ nhiệm kỳ trước đã: không tiền, không tài sản, không con người, không tài liệu,… và chỉ có con dấu. Với thực trạng đó, chúng tôi xác định phải bắt đầu từ cái mới, một giải đấu mới, khác biệt và chuyên nghiệp".
May mắn là chủ tịch VBF Nguyễn Bảo Hoàng đã quy tụ được một số doanh nhân chia sẻ quan điểm phát triển, cùng VBF cho ra đời Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) theo mô hình thể thao, giải trí, chuyên nghiệp; lập nên các CLB chuyên nghiệp là doanh nghiệp.
Trong những năm qua, VBA đã và đang làm rất tốt sứ mệnh của mình, tạo ra sự thay đổi tích cực cho phong trào bóng rổ, thúc đẩy sự phát triển đa dạng các trung tâm đào tạo bóng rổ, các giải bóng rổ… VBA đóng vai trò "đầu kéo" của bóng rổ Việt Nam.
Tuyển bóng rổ Việt Nam giành HCĐ tại SEA Games 2019 - Ảnh: VBA
"Nốt trầm" bởi dịch bệnh COVID-19
Ông Lê Hoàng Anh đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 hai năm qua là nốt trầm của bóng rổ Việt Nam, khiến mọi hoạt động liên quan thi đấu, tập luyện… đều đóng băng. Cầu thủ, HLV, trọng tài mất thu nhập. Các trung tâm đào tạo bóng rổ, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến bóng rổ từ đào tạo, tập luyện, tổ chức thi đấu, cung cấp dịch vụ, trang thiết bị về bóng rổ đều tạm dừng hoạt động và thậm chí là phá sản.
Ông Lê Hoàng Anh cho biết đã có những chỉ đạo nghiên cứu tổ chức theo mô hình "cách ly, khép kín" nhưng khả năng các giải đấu trở lại trong 3 tháng cuối năm 2021 là rất thấp.
VBA 2021 liên tục phải thay đổi kế hoạch, xây dựng mô hình thích ứng sẵn sàng "sống chung với COVID-19". Quyết định hủy VBA 2021 vào giờ chót không hoàn toàn là thất bại khi xây dựng thành công mô hình "tập trung cách ly" với sự ra đời VBA Bubble.
Tất cả quy định, yêu cầu của cấp có thẩm quyền về đảm bảo an toàn phòng dịch đã được thực nghiệm, vận hành thành công và VBF sẵn sàng chia sẻ những bài học thực tế để giúp các giải thể thao khác cùng vận dụng.
Theo ông Lê Hoàng Anh, hơn lúc nào hết, VBA phải "giữ lửa" và các sản phẩm từ VBA cần sớm đến được với người dân như liều vắc xin tinh thần mùa dịch.
Trợ lực cho đội tuyển Việt Nam
Tuyển bóng rổ Việt Nam (áo trắng) được tập luyện tại VBA Bubble - Ảnh: VBA
VBA 2021 là giải đấu lần đầu tiên có sự góp mặt của tuyển Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games 31. Dù không diễn ra trọn vẹn nhưng giải vẫn giúp đội tuyển duy trì thể lực cũng như thử nghiệm chiến thuật trong thời gian tại VBA Bubble. 70 ngày tập trung rèn luyện và loạt trận thực nghiệm với 7 đội chuyên nghiệp sở hữu nhiều ngoại binh dày dạn kinh nghiệm rất có ích cho đội tuyển.
Tuyển bóng rổ Việt Nam đang hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn xã hội hóa nên gặp khó khi thời gian duy trì kéo dài vì SEA Games 31 phải lùi sang năm 2022. Ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh, đội đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ Tổng cục TDTT.
Theo Tấn Phúc/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bong-ro-viet-nam-chu-dong-pha-vo-de-phat-trien-2021092706351087.htm