Một nghịch lý của đội tuyển Việt Nam là khi phải thi đấu dồn dập, cầu thủ bị chấn thương đã đành vì quá tải nhưng kể cả thời điểm mật độ thi đấu không quá dày, tình trạng chấn thương vẫn xảy ra. Tại sao và cách giải quyết vấn đề này như thế nào?
Thành Chung (16) căng sức thi đấu nên chấn thương
Những con số đáng lo ngại
Trong 2 năm qua, có tổng cộng 12 cầu thủ bị chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu cùng tuyển Việt Nam hoặc khi thi đấu tại V-League. Trong đó chấn thương dây chằng đầu gối có tới 6 trường hợp, gồm: Tuấn Anh, Xuân Trường, Đình Trọng, Văn Hậu, Duy Mạnh, Minh Vương. Các ca bị căng cơ, rách cơ gồm Quang Hải, Thành Chung, Tiến Dũng, Trọng Hoàng… Chưa kể chấn thương gãy ống đồng của Hùng Dũng tại V-League 2021.
Các trường hợp chấn thương xảy ra với những lý do cũng không hoàn toàn giống nhau, điều đáng nói là có những tình huống cầu thủ tự bị tổn thương chứ không phải do tranh chấp hay đấu đối kháng. Dĩ nhiên cũng có một số ca chấn thương do hoạt động với cường độ cao, va chạm quyết liệt với đối thủ, mà mới nhất là Thành Chung sau hai trận đầu tiên tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Trong các ca chấn thương vừa liệt kê có nhiều trường hợp xảy ra vào thời điểm giải quốc nội và quốc tế đan xen nhau nhưng cũng không hiếm trường hợp xảy ra kể cả khi mùa giải năm nay đã dừng từ tháng 5.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học thể thao - Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, giải thích: “Khi cầu thủ phải thi đấu liên tục, cơ thể không thích ứng kịp, dẫn đến tình trạng quá tải nên cầu thủ dễ bị chấn thương. Chưa kịp khỏi hay hồi phục hoàn toàn đã tiếp tục phải chịu đựng cường độ cao ở những trận đấu nối tiếp nhau. Hoặc sau nhiều trận đấu không có dấu hiệu chấn thương nhưng vì thi đấu liên tục, đến một giai đoạn nào đó, dây chằng hay một số bộ phận không chịu được tải nữa, chỉ cần thực hiện động tác sút nhẹ hay va chạm nhẹ cũng chấn thương ngay.
Tuy nhiên, trong thể thao mà nhất là bóng đá, nếu nghỉ dài, phải tập chay nhiều, không được thực chiến thì cũng là một trong những lý do dẫn đến chấn thương. Vì khi đó, cơ thể được xem như ở trạng thái tĩnh (không tranh chấp, không va đập) mà tập nặng đột ngột trở lại thì bị ngợp với khối lượng thực tế”.
Một cầu thủ chia sẻ: “Thông thường khi V-League đá dồn thì chúng tôi có nguy cơ quá tải khi nâng khối lượng những ngày đầu tập trung tuyển Việt Nam. Ngược lại, lần này khi giải đã ngưng từ tháng 5, một thời gian dài không thi đấu nên khi tập chay nhiều, bản thân anh em cũng bị căng cơ. Việt Nam từng có lợi thế ở vòng loại thứ 2 khi V-League vẫn đá trong khi các nước khác bị hoãn dài hạn. Nhưng đến vòng loại thứ 3, chúng ta bị nặng chân trong cảnh các đối thủ đang có nhịp thi đấu tốt. Đặc biệt những đối thủ ở vòng loại thứ 3 đều thuộc tốp mạnh nhất châu lục, trận nào cũng như “leo núi” khiến anh em đều phải dốc hết sức, đá kiểu vượt ngưỡng nên nguy cơ chấn thương và quá tải sẽ rủi ro hơn trước rất nhiều”.
Nên tìm quân xanh cọ xát
Từ nay đến tháng 3 năm sau, tuyển Việt Nam còn tổng cộng 8 trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, chưa kể AFF Cup dự kiến khởi tranh từ ngày 5 - 31.12.2021 nên theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền các học trò của ông Park vẫn đứng trước nguy cơ cao bị chấn thương. Hiện Thành Chung phải điều trị khoảng từ 3 tuần đến một tháng nên có thể sẽ không kịp cho trận gặp đội Trung Quốc ngày 7.10. Đình Trọng cũng phải thêm 2 tuần nữa mới có thể khỏi chấn thương.
Cựu HLV tuyển Việt Nam Phan Thanh Hùng chia sẻ: “Nhìn khách quan, tuyển Việt Nam toàn đá với cầu thủ như châu Âu. Họ cao to, giàu thể lực tì đè, gây ra cho mình rất nhiều khó khăn. Thi đấu với những va chạm quá tầm như thế sẽ dẫn đến mệt mỏi, nên dễ chấn thương. Việc tập trung nhiều đợt, mỗi lần lấy cả tháng để lấy lại thể lực cũng có thể dẫn đến quá tải. Cầu thủ một thời gian dài không thi đấu có thể dẫn đến bị căng cơ, dễ chấn thương. Việc V-League bị ngưng như thế này sẽ khiến tuyển Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, chúng ta có U.22 Việt Nam để làm quân xanh. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên chăng tính toán việc liên hệ với một số đội đã dừng bước ở vòng loại thứ 2 để đá giao hữu. Như tháng 10 tới, tuyển Việt Nam sẽ đá 2 trận tại UAE (gặp Trung Quốc và Oman), chúng ta có thể tìm đội bóng ở khu vực này làm đối tượng giao hữu, giúp cầu thủ lấy cảm giác trước khi bước vào thực chiến. Ngoài ra, một vấn đề khác cần lưu tâm là hạn chế tránh để cầu thủ đá khi chưa hoàn toàn bình phục, có thể dẫn đến rủi ro chấn thương nặng cho các cầu thủ. Việc hồi phục sau chấn thương là cực kỳ quan trọng để tránh tái phát”.
Vì sao Trọng Hoàng ít chấn thương ?
Trọng Hoàng là người nổi bật nhất của tuyển Việt Nam ở hai trận đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Có rất nhiều bình luận nói về nền tảng thể lực của tiền vệ đang khoác áo Viettel: “Xem Hoàng bò đá thích thật, cứ như là cầu thủ châu Âu”, “Tuyển Việt Nam mà có 5 cầu thủ khỏe như Hoàng bò, thì các đội Tây Á không có cửa”. Đúng là nền tảng thể lực của Hoàng rất tốt dù đã 32 tuổi, anh lên công về thủ liên tục nhưng không bao giờ thấy hụt hơi.
Nói về bí quyết của mình, Trọng Hoàng bày tỏ: “Tôi thường có thói quen đi ngủ sớm, không hút thuốc lá và hạn chế các thức uống có cồn. Ngoài ra, những ngày không tập cùng CLB hay đội tuyển tôi cũng cố gắng tập duy trì thể lực mỗi ngày để tích lũy”. Chính nhờ sinh hoạt điều độ mà Trọng Hoàng vẫn khỏe, tập luyện nghiêm túc, ý thức giữ gìn thể lực tốt nên ít bị chấn thương. Cũng nhờ vậy mỗi khi bị đau, anh luôn phục hồi nhanh hơn dự kiến, luôn làm ông Park rất hài lòng.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-thao/bong-da-viet-nam/nghich-ly-chan-thuong-o-tuyen-viet-nam-140066t.html