Dịch COVID-19 khiến kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề và các doanh nghiệp thể thao không thể nằm ngoài vòng xoáy đó, khi hầu hết hoạt động thi đấu đình trệ thời gian qua.
Kinh tế thể thao khốn đốn vì COVID-19
VBA 2021 bị hủy gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng - Ảnh: VBA
Hầu hết các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia từ nay đến cuối năm 2021 bị hủy, đánh dấu giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay của thể thao Việt Nam.
Nếu như giai đoạn cuối năm 2020, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hàng loạt giải đấu đã diễn ra dồn dập ở những tháng cuối thì hiện tại không có sự kiện nào của thể thao Việt Nam được tổ chức (trừ các trận đấu trên sân nhà ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á của tuyển bóng đá nam quốc gia).
V-League 2021 tạm dừng từ tháng 5 và cuối cùng phải hủy bỏ do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Việc đình trệ hoạt động thi đấu dẫn đến những thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp thể thao.
Các CLB bóng đá phải đối mặt với bài toán kinh tế nan giải từ kinh phí hoạt động, tiền lương, chế độ của các cầu thủ, nhân viên... Ban tổ chức giải cũng gặp khó bởi không thể "trả" quyền lợi cho nhà tài trợ, cho CLB.
Theo thông tin từ ban tổ chức Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA), thiệt hại khi buộc phải hủy mùa giải 2021 cũng lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Ông Trần Chu Sa - giám đốc điều hành VBA - cho biết kinh phí này bao gồm: chi phí di chuyển tất cả các đội bóng từ TP.HCM đi Khánh Hòa, hơn 70 ngày tập trung tại TP Nha Trang tập luyện thi đấu thử nghiệm, cho việc hoàn thiện nhà thi đấu tại Trường đại học Nha Trang rồi cách ly, xét nghiệm COVID-19 cho hàng trăm nhân sự.
Và kể cả khi giải đấu bị hủy, việc đưa hàng trăm người (trong đó có nhiều HLV, VĐV nước ngoài) rời Nha Trang cũng là bài toán không đơn giản và cần nhiều tiền.
Phương án "bong bóng khép kín"
Bên trong nhà thi đấu Đại học Nha Trang - Ảnh: VBA
Chỉ tính riêng 2 giải chuyên nghiệp quốc gia ở hai môn bóng đá và bóng rổ, thiệt hại đã là hàng trăm tỉ đồng. Và khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể còn kéo dài thì phương án nào có thể giúp các hoạt động thể thao quay trở lại? Nhìn vào các giải đấu quốc tế hiện tại, đó chính là "bong bóng khép kín" và vắc xin.
Tại châu Âu, khi tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin ở mức cao nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, các hoạt động thể thao đã trở lại bình thường. Từ Vòng chung kết Euro 2020 đến các giải VĐQG và hiện tại là vòng loại World Cup 2022, sân cỏ một số nước đã mở cửa đón nhận hàng vạn cổ động viên tới sân.
Trong khi đó, "bong bóng khép kín" là mô hình được áp dụng tại Olympic và Paralympic 2020 vừa diễn ra ở Tokyo (Nhật Bản) hay vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hoặc các trận đấu thuộc AFC Champions League. VĐV Việt Nam tham dự các sự kiện trên đã được trải nghiệm mô hình này một cách an toàn.
Tại Việt Nam, mô hình "bong bóng khép kín" chính là điều kiện để các hoạt động thể thao có thể trở lại. Đây chính là mô hình "tập trung cách ly" đã được ban tổ chức VBA lần đầu tiên áp dụng trong mùa giải này.
Hạn chế tiếp xúc bên ngoài, khép kín việc di chuyển từ khách sạn tới nhà thi đấu, phân chia các nhóm nhân sự đối với đội bóng,… là những yếu tố đảm bảo an toàn, bên cạnh việc cách ly 14 ngày sau khi di chuyển tới Khánh Hòa hay nhiều lần lấy mẫu test COVID-19.
Theo Tấn Phúc/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/bi-huy-vi-dich-vba-2021-thiet-hai-hang-tram-ti-dong-20210910111846903.htm