Lần đầu tiên, một mùa giải của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bị hủy bỏ và vấn đề được đặt ra ở đây là nếu dùng từ hủy thì mọi kết quả của các CLB có được công nhận hay không?
Một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ra đời và phát triển của các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam là Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và 27/27 CLB (14 đội V-League, 13 đội hạng nhất) ở hai cuộc họp khác nhau nhưng lại có tiếng nói chung: Không muốn mùa giải 2021 tiếp tục diễn ra.
Trên thực tế, V-League 2021 và giải hạng nhất, Cúp quốc gia đã tạm dừng từ mấy tháng nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Lấy lý do chính là không đủ kinh phí hoạt động nếu giải hoãn đến tháng 2 năm sau như đề xuất của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), các CLB đã đồng loạt biểu quyết là hủy hẳn giải 2021.
VPF sẽ tổng hợp ý kiến các cổ đông cùng kết quả tổng hợp biểu quyết ý kiến của 27 CLB để có văn bản trình VFF. Ban chấp hành VFF sẽ đưa ra nghị quyết cuối cùng về vấn đề này. Tuy nhiên, cần lưu ý một điều, nếu từ hủy giải được chấp nhận thì gần như đồng nghĩa với việc là những gì đã diễn ra trong năm 2021 đều sẽ không được tính tới.
V-League 2021 mới chỉ diễn ra 12 trận đấu ẢNH: MINH TÚ
Như đã nói ở trên, việc hủy giải là điều chưa từng xảy ra và cũng không có trong điều lệ của mùa giải 2021 cũng như Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đây là một trường hợp đặc biệt nên sẽ còn nhiều vấn đề về kỹ thuật cũng như ràng buộc với các nhà tài trợ phải đàm phán lại. Điều rất được quan tâm lúc này là có trao chức vô địch hay có đội xuống hạng hay không?
Cần phải nói thêm rằng ở mùa giải 2021, V-League chưa thi đấu hết giai đoạn 1 để chia nhóm đua vô địch và nhóm tránh xuống hạng, giải hạng nhất mới diễn ra được vài vòng trong khi Cúp quốc gia mới đá xong vòng loại. Thế nên nếu dùng từ hủy giải, thật khó để công nhận thứ hạng hay trao chức vô địch cho các đội thi đấu ở V-League hay hạng nhất và cũng không thể xác định các CLB sẽ xuống hạng.
Mùa giải 2021 bị hủy, việc xếp hạng có thể không được tính tới, nhưng bóng đá Việt Nam tất nhiên vẫn phải chọn ra các đại diện để thi đấu tại AFC Champions League và AFC Cup vào năm sau. Chọn như thế nào lại là vấn đề lớn khi kết quả thi đấu chưa đủ để phản ánh cục diện và đương nhiên Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng có những quy tắc riêng chứ không phải Việt Nam muốn chọn ai đi dự giải cũng được.
Viettel dự AFC Champions League 2021 ẢNH: AFC
AFC từ năm 2021 cũng đã đưa ra những quy định bổ sung về việc đăng ký các CLB dự giải châu Á nếu mùa giải không thể hoàn thành vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Về tiêu chuẩn chuyên môn, các CLB tham gia các giải châu Á phải thi đấu ít nhất 27 trận trong một mùa giải gồm cả giải vô địch quốc gia và các giải cúp. Nếu xét theo tiêu chí này thì các đội bóng của Việt Nam đều chưa thể hoàn thành vì chỉ mới chơi khoảng 12 trận đến 13 trận. Nếu dùng từ hủy thì tất cả các trận đấu sẽ không được tính và như vậy số lượng trận của các CLB ở mùa 2021 là 0 trận (không tính trận Siêu cúp quốc gia 2020).
Khi CLB không thể đảm bảo điều này, VFF sẽ phải đề xuất với AFC về các đội bóng có khả năng tham dự dựa trên các bộ tiêu chí cấp phép của AFC như điều kiện tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo trẻ và cùng với đó là thành tích đã thi đấu ở mùa giải trước đó. Nếu AFC không đồng ý, các CLB tại Việt Nam có nguy cơ trắng tên tại các giải châu Á mùa 2022.
Theo Trung Ninh/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/the-thao/bong-da-viet-nam/he-luy-khi-huy-giai-cac-clb-viet-nam-co-nguy-co-gi-tai-chau-a-139079t.html