Trong khi nguồn lực nhà nước đầu tư cho thể thao có hạn, Ủy ban Olympic VN (VOC) và hầu hết các liên đoàn thể thao quốc gia lại hoạt động yếu kém.
Không có sự đầu tư của Nhà nước, điền kinh VN khó lòng đạt được ngôi số 1 ở Đông Nam Á - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Điều đó khiến thể thao VN không có thêm nguồn hỗ trợ để phát triển, chỉ còn cách "bám chặt" vào đầu tư của Nhà nước.
Xã hội hóa thể thao là câu chuyện được nhắc rất nhiều hơn một thập niên qua. Nhưng đến lúc này, ngoài Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) hoạt động tương đối hiệu quả, nhiều liên đoàn có cũng như không.
1 ban chấp hành có đến... 81 thành viên
Là tổ chức xã hội của thể thao VN ra đời để định hướng, tìm kiếm nguồn lực phát triển thể thao trong nước nhưng nhiều năm qua Ủy ban Olympic quốc gia VN (VOC) lại là một trong những tổ chức hoạt động thiếu hiệu quả nhất.
Theo báo cáo tài chính của VOC tại các đại hội thường niên, số tiền trong tài khoản của VOC lúc cao nhất cũng chỉ hơn 20 tỉ đồng. VOC dùng số tiền này gửi vào ngân hàng để lấy lãi để chi các hoạt động.
Nguồn thu mỗi năm của VOC dễ thấy nhất chính là tìm được nhà tài trợ để "thưởng nóng" cho đoàn thể thao VN trước khi dự các đại hội.
Trong một cuộc họp của VOC thời ông Hoàng Tuấn Anh (nguyên bộ trưởng Bộ VH-TT&DL) làm chủ tịch VOC, ông Tuấn Anh đã nói về việc VOC kiếm được quá ít tiền. Hoạt động kém hiệu quả nhưng bộ máy của VOC lại cồng kềnh nhất trong tất cả các tổ chức xã hội về thể thao tại VN.
Hiện VOC có đến 27 thành viên ban thường vụ, trong đó có đến 7 vị nắm giữ chức phó chủ tịch. VOC có đến 81 thành viên ban chấp hành, trong đó có những người cả nhiệm kỳ hiếm khi dự họp chứ chưa nói là làm việc.
VFF "sáng nhất" trong các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia
Theo báo cáo của Tổng cục TDTT, hiện cả nước có đến 36 tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao.
Trong đó có hai tổ chức xã hội là Ủy ban Olympic VN và Hiệp hội Paralympic VN, số còn lại là các liên đoàn và hiệp hội thể thao quốc gia. Trong số này, VFF là liên đoàn hoạt động hiệu quả nhất do bóng đá là môn được người hâm mộ yêu mến.
Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) cũng được đánh giá là một trong hai liên đoàn có nguồn thu khá.
Theo báo cáo tài chính nhiệm kỳ 2008 - 2015, mỗi năm VFV thu trung bình từ 11 - 17 tỉ đồng. Năm 2021, VFV cũng mang về được hợp đồng lớn với kinh phí lên gần 4 tỉ đồng chỉ để tổ chức Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021.
Ngoài bóng đá, bóng chuyền và quần vợt, hầu hết các liên đoàn tại VN hoạt động kém hiệu quả. Sự yếu kém của các liên đoàn khiến cho thể thao VN thiếu nguồn lực để phát triển, phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.
Vay tiền trả thưởng cho VĐV
Bóng bàn là bộ môn có lượng người chơi rất lớn, được thống kê cao chỉ sau bóng đá, thế nhưng Liên đoàn Bóng bàn VN (VTTF) lại là một trong những liên đoàn yếu kém nhất. Năm 2019, hai VĐV Đoàn Bá Tuấn Anh - Nguyễn Anh Tú giành HCV đôi nam ở SEA Games.
Trước kỳ tích đó, VTTF tuyên bố thưởng 30 triệu đồng cho hai nhà vô địch. Thế nhưng VTTF đã nợ tiền thưởng của hai VĐV này gần 2 năm, đến tháng 6-2021 mới trao thưởng được.
Ông Phan Anh Tuấn (trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT và là tổng thư ký VTTF) cho biết ông tự bỏ tiền túi cho liên đoàn vay để trả thưởng cho VĐV. Ông Tuấn nói năm 2020 VTTF cũng không thu được một đồng tài trợ nào.
Dù là môn thể thao "nữ hoàng" nhưng hoạt động của Liên đoàn Điền kinh VN lại rất mờ nhạt. Tiền đầu tư cho VĐV điền kinh bao năm qua để giành đến 16 HCV SEA Games, đứng số 1 Đông Nam Á gần như toàn bộ từ ngân sách. Nguồn thu trung bình mỗi năm của liên đoàn này cũng chỉ 1 - 2 tỉ đồng.
Nguồn thu của các liên đoàn thể thao khác cũng rất thấp. Cụ thể, năm 2019 Liên đoàn Cử tạ - thể hình thu được vỏn vẹn 996 triệu đồng; Liên đoàn Cầu lông VN thu 24,6 tỉ đồng từ năm 2011 - 2017; Liên đoàn Bắn súng VN thu được trung bình khoảng 1 tỉ/năm, riêng năm 2016 khi có HCV Olymnpic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thì thu được 6 tỉ đồng; Liên đoàn Cờ thu được trung bình từ 2 - 5 tỉ đồng/năm...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT - thừa nhận phần lớn các liên đoàn tại VN hoạt động chưa hiệu quả nên không kiếm được nguồn lực từ xã hội để tiếp sức Nhà nước đầu tư thêm cho thể thao.
Lãnh đạo các liên đoàn là ai?
Theo thống kê, đến hết năm 2020, thể thao VN có đến 451 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia và ở các địa phương. Sự hoạt động yếu kém của hầu hết các liên đoàn đến từ nguyên nhân đầu tiên là do bộ máy nhân sự.
Hầu hết lãnh đạo của các liên đoàn thể thao tại VN là quan chức ngành thể thao và các ngành khác đã nghỉ hưu. Nhân sự bên dưới của các liên đoàn, như chức danh tổng thư ký, đa số là người của ngành thể thao trung ương, địa phương.
Chẳng hạn, chủ tịch Ủy ban Olympic VN hiện nay là ông Nguyễn Ngọc Thiện (nguyên Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL), chủ tịch Hiệp hội Paralympic VN là ông Huỳnh Vĩnh Ái (nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL), chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước VN là ông Nguyễn Đức Hạnh (nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ), chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình VN là ông Hoàng Xuân Lương (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc), chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Hà Nội là ông Tô Văn Động (nguyên giám đốc Sở VH-TT Hà Nội)...
Theo Khương Xuân/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/the-thao-viet-nam-bam-chat-ngan-sach-nha-nuoc-nhieu-lien-doan-co-cung-nhu-khong-20210806085122868.htm