18
/
113923
Làm thế nào để thể thao Việt Nam cải thiện thành tích?
lam-the-nao-de-the-thao-viet-nam-cai-thien-thanh-tich
news

Làm thế nào để thể thao Việt Nam cải thiện thành tích?

Thứ 5, 29/07/2021 | 10:22:10
1,753 lượt xem

Cơ sở vật chất nghèo nàn, mức độ đầu tư tiền bạc còn rất hạn chế, còn lỗ hổng trong quản lý quy trình đào tạo VĐV đỉnh cao - đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lạc hậu của thể thao Việt Nam so với thế giới mà thành tích yếu kém ở Olympic 2020 chính là một minh chứng.

Huy Hoàng (bơi lội) chưa cải thiện được thành tich AFP

Covid-19 có ảnh hưởng nhưng không phải lý do chính

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, kể lại: “Olympic 2004, đoàn thể thao Việt Nam do tôi dẫn đầu, đã không có kết quả tốt. Khi đó, trong bài báo rất sâu sắc trên Báo Thanh Niên, nhà báo Trần Bạch Đằng sau khi phân tích thất bại của thể thao Việt Nam còn đề nghị cần phải thay đổi cách làm và nếu cần thiết thì thay đổi cả về nhân sự các nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam. Đến Olympic 2012, lãnh đạo cao nhất của Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo đoàn thể thao Việt Nam phải tiến hành hội nghị để mổ xẻ phân tích nguyên nhân dẫn đến thất bại và đặt ra những thay đổi như thế nào để thể thao Việt Nam không bị tụt hậu quá nhiều so với thế giới.

Đến hôm nay, một lần nữa, chúng ta lại phải chấp nhận một thực tế rất buồn là Việt Nam vẫn thất bại ở Olympic 2020 với những lý do rất cũ. Có những vấn đề liên quan mật thiết đến sự phát triển của thể thao Việt Nam, những tồn tại kéo dài suốt mấy chục năm qua chưa được giải quyết thấu đáo. Tại sao Việt Nam không thành công ở đấu trường Olympic, câu hỏi lớn, đòi hỏi cần có câu trả lời từ những người có trách nhiệm. Chúng ta chia sẻ thất bại của VĐV, thấu cảm với họ và đừng trách cứ họ. Bởi nguyên nhân thất bại không phải lỗi do VĐV”.

Ông Hồng Minh nhận định: “Không thể phủ nhận, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị của thể thao Việt Nam cho Olympic nhưng là ảnh hưởng toàn cầu, hầu như đoàn nào cũng bị ảnh hưởng, chứ không của riêng đoàn Việt Nam. Vì thế đây rõ ràng không phải nguyên nhân chủ yếu. Dịch bệnh mới chỉ xảy ra hơn 1 năm rưỡi nay, trong khi quy trình chuẩn bị cho một đại hội tầm cỡ như Olympic phải kéo dài nhiều năm. Nhưng chúng ta đã không có được sự chuẩn bị tốt trong cả một lộ trình dài. Lộ trình đó đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ về phương pháp sư phạm, cơ sở vật chất hiện đại, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào một loạt khâu vô cùng thiết yếu như dinh dưỡng VĐV, huấn luyện, hồi phục, chữa trị chấn thương… Lộ trình này cần phải có sự đầu tư cao, đồng nghĩa với sự tốn kém tiền bạc”.

Ánh Nguyệt (bắn cung) chưa được đầu tư tương xứng nên chưa bật lên được ẢNH: AFP - REUTERS

Thiếu tiền - căn bệnh trầm kha

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, trong báo cáo cuối năm của Tổng cục TDTT, không năm nào từ 10 năm nay, ông không thấy phần kiến nghị lên Bộ VH-TT-DL và Chính phủ về việc cần cấp thêm tiền cho thể thao thành tích cao.

Ông Minh khẳng định: “Rõ ràng Việt Nam đã thiếu sự đầu tư bảo đảm cho việc nâng cao thành tích của VĐV ở đấu trường lớn hoặc nói chính xác hơn là đầu tư không đủ tầm. Tiền ít, kinh phí là căn bệnh “trầm kha”, kéo dài triền miên của thể thao Việt Nam. Các VĐV ưu tú của Việt Nam dù đã rất nỗ lực, rất cố gắng nhưng sự cố gắng không thay đổi trình độ cao để giành được huy chương Olympic. Trong khi đối thủ tại Olympic cực mạnh còn trình độ VĐV Việt Nam thấp, chuẩn bị không tốt thì không thể giành huy chương. Đặt ra việc có huy chương với họ là hoang đường. Không thể và không nên kỳ vọng khi mức đầu tư cho thể thao Việt Nam còn ở mức độ nghèo nàn.

Nếu kinh phí nhà nước quá thiếu thì phải tìm cách khác, không thể dựa mãi vào sự bao cấp được. Mấy trăm tỉ đồng một năm không thể đủ để đầu tư cho thể thao thì cần phải sử dụng nguồn xã hội hóa. Các nước trên thế giới, trong đó có cả các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia... đã huy động nguồn lực dồi dào từ xã hội hóa. Đây đã trở thành quy luật phát triển tất yếu của thể thao thế giới. Nhưng Việt Nam thì chưa. Đã đến lúc các liên đoàn thể thao của Việt Nam phải thay đổi nhận thức và cách làm, để huy động được các nguồn lực lớn trong xã hội. Thể thao thành tích cao sẽ cho ra đời kết quả xứng đáng nếu được đầu tư lớn. Thành tích của VĐV là sản phẩm của cả một nền thể thao và nếu không có sự đầu tư tốn kém thì thể thao Việt Nam khó lòng cất cánh. Chúng ta còn phải đợi đến bao giờ nếu không nhanh chóng thay đổi phương thức và tư duy về đầu tư cho thể thao thành tích cao tại Việt Nam?”.

Nguyễn Văn Đương (boxing) chưa được đầu tư tương xứng nên chưa bật lên được ẢNH: AFP - REUTERS

Phải thay đổi cả cách làm

Một nhà quản lý thể thao ở khu vực miền Nam nói: “Theo tôi, giải pháp để thay đổi thể thao Việt Nam, hướng đến thành tích ngày càng cao ở đấu trường quốc tế thì tập trung giải quyết các vấn đề từ cách làm, kinh phí và cơ sở vật chất. Hiện chúng ta gặp vấn đề là thiếu con người và đầu tư chưa tới, trong đó kinh phí đóng vai trò quan trọng. Thể thao Việt Nam được nhà nước đầu tư tốt nhưng chưa đủ và lại cũng chưa tận dụng được các nguồn lực khác. Cần có cơ chế hoạt động như ở môn bóng đá đang làm được, tức các CLB được xã hội hóa mạnh mẽ, liên đoàn được tự chủ trong các hoạt động, được làm kinh tế thể thao để tái đầu tư cho đào tạo”.

Về cách làm, chúng ta không thể nóng vội với mục tiêu có ngay HCV Olympic. Tấm HCV môn bắn súng của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 là đặc biệt, chưa phản ánh được cách làm trúng đích của thể thao Việt Nam. Chúng ta đang tốp đầu khu vực Đông Nam Á nhưng ở đấu trường châu Á, cụ thể là ASIAD, Việt Nam vẫn “lẹt đẹt”, vì thế phải phấn đấu chinh phục từng nấc thang một, làm bài bản, bền vững để giành thành tích ổn định ở ASIAD rồi mới tính đến Olympic. Phải đầu tư trúng đích, ví dụ chúng ta tập trung vào các môn phù hợp thể trạng người Việt Nam, có khả năng cạnh tranh thành tích cao như cử tạ (các hạng cân thấp), võ (các hạng cân nhẹ), bắn súng, bắn cung, cầu lông, bóng bàn…

Ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh: “Thể thao Việt Nam đã xác định được đúng môn thế mạnh là cử tạ, bắn súng, taekwondo, thể dục dụng cụ và một số nội dung của môn bơi. Nhưng việc quản lý quá trình chuẩn bị và phát triển các môn đó lại là một lỗ hổng lớn. Nhiều bài toán nan giải của thể thao Việt Nam chưa được giải quyết một cách nghiêm túc. Thể thao Việt Nam đã không thể đủ điều kiện để đạt thành tích cao và gây ra sự thất vọng qua nhiều kỳ Olympic”.

Lịch thi đấu của đoàn Thể thao Việt Nam ngày 29.7

Hôm nay (29.7), VĐV Nguyễn Hoàng Phi Vũ đấu vòng 1/32 gặp cung thủ Tang Chih-chun (Đài Loan). Ở vòng phân hạng trước đó, Phi Vũ xếp hạng 53/64 trong khi Tang Chih-chun hạng 12. Còn ở môn đua thuyền rowing hạng nhẹ mái chèo đôi nữ, Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo sẽ vào thi chung kết C để phân hạng nhóm dưới. Lúc 17 giờ, Ánh Viên tranh tài vòng loại 800 m tự do.

Hôm qua, tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh thắng trận thứ 2 vòng bảng trước tay vợt Thụy Sĩ, xếp nhì bảng và chính thức dừng cuộc chơi. Võ sĩ Nguyễn Văn Đương cũng thua VĐV Mông Cổ 0-5 dừng bước ở vòng 1/16. Còn cung thủ 20 tuổi Đỗ Thị Ánh Nguyệt có trận đấu rất hay trước VĐV chủ nhà Nhật Bản Hayakawa Ren khi thua 5-6 ở loạt đấu mũi tên vàng.

Quỳnh Anh - Trung Ninh


Mòn mỏi chờ cá độ hợp pháp đi vào cuộc sống

Một cựu lãnh đạo ngành thể thao cho hay: “Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam cũng đề cập đến khoản tái đầu tư cho thể thao trích từ cá cược hợp pháp bóng đá quốc tế. Chính điều này đóng góp một phần cực kỳ quan trọng trong sự phát triển vượt bậc của thể thao nhiều nước trong khu vực.

Ở Việt Nam dù cá cược hợp pháp bóng đá quốc tế đã có hành lang pháp lý nhưng 4 năm qua vẫn chưa thể đi vào cuộc sống vì một số vướng mắc chưa dễ giải quyết. Cách đây 2 năm, ngành thể thao đã lên phương án đầu tư trọng điểm cho 20 VĐV xuất sắc của 7 môn thể thao trọng điểm có khả năng giành HCV ASIAD và giành huy chương Olympic, gồm 5 VĐV điền kinh và 3 VĐV bơi tập huấn tại Mỹ, 2 VĐV cử tạ và 1 VĐV đấu kiếm tập huấn tại Hungary, 2 VĐV thể dục dụng cụ tập huấn tại Nhật Bản, 6 VĐV bắn súng và 1 VĐV xe đạp tập huấn tại Hàn Quốc. Kinh phí nhà nước chi 200 tỉ đồng và huy động nguồn khác là 10 tỉ đồng. Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở mức dự kiến. Vì khoản tiền của nhà nước, chờ mãi vẫn không được cấp”.

Trung Ninh


Theo Nhật Duy/ Thanh Niên

https://thanhnien.vn/the-thao/toan-canh-the-thao/lam-the-nao-de-the-thao-viet-nam-cai-thien-thanh-tich-137921t.html

  • Từ khóa

Đội tuyển Việt Nam sẽ nhanh và khỏe hơn ở AFF Cup

Chuyến đi 10 ngày tới Hàn Quốc là cơ hội để HLV Kim Sang-sik cải thiện nền tảng thể lực cho đội tuyển VN.
15:37 - 25/11/2024
260 lượt xem

ASEAN Cup 2024: Tuyển Việt Nam âu lo với người gác đền

Chưa tạo sự an tâm trong các trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam, hai thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm và Nguyễn Filip còn đang không có phong độ tốt ở...
14:40 - 25/11/2024
273 lượt xem

HLV Ruben Amorim: Man United phải chịu đựng thêm một thời gian dài

Sau trận hòa Ipswich Town 1-1 vào đêm 24-11, HLV Ruben Amorim cho biết Man United sẽ phải "chịu đựng thêm một thời gian dài" mới có thể thoát khỏi tình...
11:05 - 25/11/2024
334 lượt xem

VPF làm ăn có lãi, các CLB hưởng lợi

Theo báo cáo kết quả hoạt động của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông Thường niên năm 2024 tổ chức sáng...
09:18 - 25/11/2024
413 lượt xem

Đội tuyển Việt Nam đón tin kém vui từ đối thủ Hàn Quốc

Đội tuyển Việt Nam đứng trước nỗi lo về chất lượng "quân xanh" trong chuyến tập huấn tại Hàn Quốc.
07:35 - 25/11/2024
431 lượt xem