Sau khi tuyển Anh nhận thất bại trước tuyển Italia ở loạt đá luân lưu trận chung kết Euro 2020, nhiều ý kiến tranh cãi FIFA nên sửa đổi luật đá luân lưu để mang lại sự công bằng cho các đội bóng.
Đội tuyển Italia chấm dứt 53 năm khát khao giành chức vô địch Euro sau khi đánh bại tuyển Anh ở loạt sút luân lưu trong trận chung kết Euro 2020 diễn ra vào ngày 12/7. Đội bóng "áo thiên thanh" cũng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên có đội bóng chiến thắng hai lần liên tiếp ở một kỳ Euro.
Không thể trách các cầu thủ trẻ tuyển Anh
Đáng chú ý trong 10 lượt sút luân lưu, có tới 5 cầu thủ đá hỏng, gồm hai cầu thủ của tuyển Italia và ba cầu thủ của tuyển Anh. Cả 5 cầu thủ đá hỏng này lại là những chuyên gia đá phạt đền ở các CLB mà họ khoác áo.
Messi không thắng được thủ thành Keylor Navas trong trận đấu lượt về vòng 1/8 Champions League giữa Barcelona với PSG mùa giải vừa qua, mặc dù sau đó CĐV tranh cãi cầu thủ PSG phạm quy trong tình huống đá phạt của Messi.
Thực tế, loạt đá luân lưu luôn chứa đựng yếu tố đầy may rủi. Không một cầu thủ nào dù tài năng đến mấy như Messi, Ronaldo, dám khẳng định mình có thể 100% chiến thẳng thủ môn đối phương trên chấm 11m. Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Messi hay Ronaldo cũng không ít lần bỏ lỡ cơ hội trên chấm phạt đền khiến đội nhà thất bại cay đắng.
Theo thống kê, Messi đã thực hiện 20 quả đá penalty trong 19 trận tại đấu trường Champions League. Trong số này, có 16 lần siêu sao người Argentina thành công và chỉ có 4 lần thất bại. Tỷ lệ thành công của La Pulga là 80%.
Nếu tính trên mọi đấu trường, tỷ lệ đá phạt đền thành công của Messi là 77%. Anh đã thực hiện 106 quả penalty trong 98 trận ở màu áo Barcelona, trong đó có 82 lần thành công và 23 lần thất bại.
Nếu so với Ronaldo, Messi quả thật đang khá lép vế. Siêu sao người Bồ Đào Nha có tỷ lệ thực hiện phạt đền thành công trong màu áo CLB lên tới 86%. Anh giành chiến thắng 123 lần sau 143 lần bước lên chấm đá phạt đền.
Cần nhắc lại ở loạt sút luân lưu của tuyển Anh, HLV dày dạn kinh nghiệm như Gareth Southgate đã đặt trọn niềm tin vào các cầu thủ trẻ như Marcus Rashford, Jadon Sancho, Bukayo Saka là có cái lý của ông. Bởi dù là những cầu thủ trẻ, nhưng Marcus Rashford là ngôi sao và cũng là chuyên gia đá phạt đền của Man Utd. Jadon Sancho hay Bukayo Saka cũng như vậy trong màu áo của Borussia Dortmund hay Arsenal.
Bukayo Saka dù có tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối trong khi tập luyện đá phạt đền, nhưng lại thất bại khi được tin tưởng lĩnh trọng trách ở trận chung kết Euro 2020.
Để được HLV Gareth Southgate đặt trọn niềm tin, cả 3 cầu thủ trên đều đã trải qua những buổi tập luyện đá phạt đền trước đó và họ luôn là những cầu thủ có tỷ lệ chiến thắng cao nhất so với các đàn anh của mình.
Vậy nhưng, khi bước vào thực tế, trước sức ép của hàng nghìn CĐV có mặt trên khán đài cũng như tình huống cụ thể trên sân, họ đều đá hỏng. Marcus Rashford sút bóng đập cột dọc, còn Jadon Sancho hay Bukayo Saka thì đá quá hiền và dễ dàng bị thủ thành Donnarumma cản phá.
Ở bên kia chiến tuyến, ngay cả tiền vệ Jorginho, người được mệnh danh là "vua đá phạt đền" trong màu áo Chelsea với kỹ thuật nhảy chân sáo điêu luyện, vẫn không thể đánh bại được Jordan Pickford ở lượt sút thứ 5. Rất may Bukayo Saka cũng đá hỏng ở lượt thứ 5 thì Jorginho mới không trở thành "tội đồ" của tuyển Italia.
Nói những điều như vậy, để thấy yếu tố may rủi chiếm phần lớn trong loạt sút luân lưu. Tuy nhiên, trung vệ Gerard Pique đã đưa ra một ý kiến rất đáng quan tâm rằng, những đội bóng nào thực hiện loạt đá luân lưu trước sẽ có cơ hội giành chiến thắng cao hơn.
Đá luân lưu trước có tỷ lệ chiến thắng cao hơn
Nhiều chuyên gia và cựu cầu thủ cho rằng để có thể giảm tối thiểu sự thiếu công bằng trong loạt luân lưu, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFAB) nên quay lại suy xét thể thức đá luân lưu.
Nhưng có một thống kê chỉ ra rằng, ngoài yếu tố may rủi thì những đội thực hiện loạt đá luân lưu trước vẫn có cơ hội chiến thắng cao hơn.
Italy trở thành đội đầu tiên trong lịch sử Euro thắng hai loạt luân lưu trong một giải đấu như thống kê của Opta. Trong cả hai chiến thắng đó, họ đều được đá trước đối thủ sau khi bốc thăm.
Italia đá hỏng lượt sút luân lưu trước, nhưng vẫn giành được chiến thắng trước tuyển Anh.
Trước Tây Ban Nha, Manuel Locatelli đá hỏng quả đầu tiên. Trước Anh, Andrea Belotti đá hỏng quả thứ hai khiến "Tam sư" vượt lên dẫn 2-1. Tuy nhiên, việc ba cầu thủ Anh đá hỏng liên tiếp giúp Italy vô địch dù trong lượt thứ 5, Jorginho đá trước và thất bại.
Trước đó một tuần, trung vệ Gerard Pique đã dẫn ra thống kê cho thấy có 4 trận tại Euro và Copa America kết thúc với chiến thắng thuộc về đội đá luân lưu trước. Sau chung kết Euro 2020, con số tăng lên 5.
Cả Euro và Copa America hè này có tổng cộng 7 trận phải giải quyết bằng loạt luân lưu. Ở Euro, cả 4 trận bất phân thắng bại sau 120 phút đều chứng kiến phần thắng thuộc về đội đá luân lưu trước (tỷ lệ 100%).
Thụy Sĩ thắng Pháp 5-4 ở vòng 16 đội, Tây Ban Nha thắng Thụy Sĩ 3-1 ở tứ kết, Italia thắng Tây Ban Nha 4-2 ở bán kết và Italy thắng Anh 3-2 ở chung kết.
Ở Copa America, mọi chuyện có khác biệt. Giải đấu Nam Mỹ có ba trận phải đá luân lưu, nhưng chỉ một kết thúc với chiến thắng cho đội đá trước. Đó là khi Colombia thắng Uruguay 4-2 ở tứ kết.
Trong hai trận còn lại, chiến thắng đều thuộc về đội đá sau. Peru hạ 4-3 Paraguay ở tứ kết và Argentina thắng Colombia 3-2 ở bán kết.
Các kết quả ở Copa America 2021 là một trong những nguyên nhân để nhiều người tin rằng đá trước hay đá sau trong loạt luân lưu không ảnh hưởng nhiều đến sự công bằng.
Tuy nhiên, tỷ lệ 100% các đội ở Euro 2020 thắng luân lưu nhờ đá trước vẫn khiến người ta băn khoăn. Bóng đá châu Âu có sự kỷ luật và khoa học nhiều hơn so với bóng đá Nam Mỹ. Điều đó có thể là một lý giải cho việc các đội bóng ở Euro tận dụng triệt để lợi thế đá trước.
Nên áp dụng thể thức đá luân lưu như loạt tie-break trong quần vợt ?
Năm 2010, nghiên cứu từ Ignacio Palacios-Huerta, giáo sư Đại học Kinh tế London, thống kê đội đá luân lưu trước có xác suất thắng 60%. Nếu thành công khi đá trước, áp lực cho cầu thủ đá sau của đối thủ sẽ lớn hơn. Nếu một đội thất bại khi đá trước, thủ môn của họ sẽ có cơ hội sửa sai ở lượt sau.
Điều đó lý giải việc nhiều chuyên gia và cầu thủ từng đòi thay đổi cách đá theo kiểu ABAB truyền thống (mỗi đội đá tuần tự đan xen, như loạt tie-break trong quần vợt).
Nỗ lực của thủ thành Jordan Pickford vẫn không giúp được tuyển Anh giành ngôi vương ở Euro 2020.
Xác suất một cầu thủ phải đá luân lưu để chiến thắng khi đội nhà đang nắm lợi thế là 92%. Xác suất để một cầu thủ phải đá luân lưu để san bằng tỷ số với đối thủ là 62%. Vì thế, áp lực cho những kẻ bám đuổi trong loạt luân lưu luôn rất lớn.
Điều này xảy ra trong trận chung kết Euro 2020. Thông thường, Jorginho có 92% tỷ lệ thành công ở loạt thứ 5. Trong khi đó, Saka chỉ có 62% tỷ lệ thành công.
Theo nghiên cứu từ Economic Inquiry, nếu áp dụng cách đá ABBA trong loạt luân lưu, sự chênh lệch xác suất của việc đá trước và đá sau không còn. Quần vợt giờ vẫn áp dụng cách thức này.
FIFA từng thử nghiệm ABBA vào năm 2017 ở các giải trẻ châu Âu và thế giới. Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đã áp dụng ABBA ở Siêu cúp Anh (Community Shield) và League Cup mùa 2017/18. Hà Lan áp dụng ở mùa giải 2018/19.
Trong quãng thời gian đó, tỷ lệ các đội đá trước thắng trong loạt luân lưu chỉ là 50%. Tính từ thời điểm FIFA thử nghiệm ABBA vào tháng 5/2017 đến khi kết thúc vào tháng 8/2018, có 36 trận áp dụng ABBA trong loạt luân lưu.
Kết quả, 18 lần các đội đá trước ở lượt đầu (A) thắng. 18 lần các đội đá sau (B) thắng. Xác suất 60-40 được giảm xuống còn 50-50 dựa theo mẫu kể trên.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, FIFA thông báo chấm dứt việc thử nghiệm ABBA trong loạt đá luân lưu. Quyết định của FIFA sau đó gây tranh cãi.
Nỗi buồn của Jadon Sancho sau khi thực hiện không thành công lượt sút luân lưu và khiến tuyển Anh thất bại cay đắng ở trận chung kết Euro 2020.
Tuy nhiên FIFA và IFAB lại có cái lý của họ khi ngừng áp dụng luật đá luân lưu theo thể thức ABBA. Bởi nếu sau 5 lượt đá kết quả thắng thua được phân định thì mọi chuyện không có gì đáng nói, nhưng nếu hòa và các đội phải tiếp tục thực hiện loạt sút thứ 6 trở đi sẽ rất phức tạp.
Cần lưu ý rằng tất cả cầu thủ còn trên sân sau 120 phút đều phải thực hiện luân lưu. Không ai được đá hai lần cho đến khi lượt thứ 11 kết thúc. Nhiều thành viên IFAB cho rằng mọi thứ trở nên phức tạp hơn nữa nếu loạt luân lưu kéo dài đến hai con số.
Sự phức tạp và rắc rối này rơi về phía trọng tài và ban tổ chức. Trọng tài chính là những người có trách nhiệm ghi chép lại số áo và thứ tự mỗi khi có cầu thủ lên sút.
Áp dụng luật đá luân lưu hiện tại hay theo thể thức ABBA hiện vẫn gây tranh cãi lớn từ giới chuyên gia cũng như người hâm mộ, đặc biệt là với những đội thua trận như Anh, Pháp ở Euro 2020 vừa qua. Dù sao, những đội thua trận vẫn chỉ có thể tự trách mình mà thôi.
Theo Sông Lam/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-thao/tranh-cai-sua-doi-luat-da-luan-luu-sau-tran-chung-ket-euro-2020-20210716123522123.htm