EURO 2020 đến nay có quá nhiều bàn phản lưới nhà, và trong bối cảnh đó, tình trạng thủ môn mắc lỗi hoặc tự đưa bóng vào lưới nhà cũng là nhiều nhất xưa nay.
Thủ môn Unai Simon của tuyển Tây Ban Nha mắc sai lầm ngớ ngẩn trong trận đấu với Croatia
Mới đây nhất, thủ môn Unai Simon (Tây Ban Nha) mắc lỗi ngớ ngẩn khi không đón được đường chuyền về của tiền vệ Pedri, để bóng lăn vào lưới. Bàn thắng “biếu không” cho Croatia ấy được tính là pha phản lưới nhà của Pedri, vì thủ môn Simon không chạm vào bóng. Nhưng rõ ràng lỗi lớn nhất thuộc về Simon, bởi anh lơ đễnh đến mức chặn hụt một đường chuyền về vừa nhẹ, vừa chẳng có đối thủ nào tranh chấp. Ai không xem trận đấu mà chỉ nhìn vào biên bản ghi nhận kết quả, thì sẽ hiểu nhầm rằng Pedri là “kẻ tội đồ” lớn nhất.
Nói vậy để thấy khi một cầu thủ tự đưa bóng vào lưới nhà, thì rất có thể thủ môn cũng liên đới chịu trách nhiệm. Đây vừa là giải đấu có số bàn phản lưới nhà nhiều nhất trong lịch sử EURO (hiện là 9 bàn), vừa là giải đấu mà số bàn thua do chính các thủ môn đưa bóng vào lưới nhà nhiều nhất lịch sử (3 bàn). Nói đơn giản hơn: trước đây chưa từng có thủ môn nào tự phá lưới mình ở EURO, còn tại giải này đã có Wojciech Szczesny (Ba Lan), Martin Dubravka (Slovakia), Lukas Hradecky (Phần Lan). Tổng quát hơn thì kỷ lục về số bàn tự đốt lưới nhà ở EURO là 3 bàn (năm 2016).
Tâm lý chung: tuyệt đại đa số những điều kỳ lạ, trái khoáy, bất ngờ xảy ra tại kỳ EURO này đều được giới phân tích kết nối với hoàn cảnh khác thường của thứ bóng đá “sống chung với đại dịch”, xem đấy là nguyên nhân chính. Điều này hoàn toàn sai. Tình trạng thi nhau “đốt lưới nhà” hoặc thủ môn mắc lỗi chẳng liên quan gì đến đại dịch. Nên nhớ, cách đây 3 năm, giới quan sát cũng phải tròn mắt chứng kiến tình trạng “phá rất sâu” kỷ lục đốt lưới nhà của VCK World Cup 2018. Vậy, đây có thể là một nét mới của bóng đá đương đại.
EURO này không có nhiều thủ môn giỏi. Vì nhiều lý do, các thủ môn xuất sắc nhất thế giới hiện thời như Ederson (Man.City), Alisson (Liverpool), Marc Andre ter Stegen (Barcelona), Jan Oblak (Atletico Madrid), Samir Handanovic (Inter), Keylor Navas (PSG), Edouard Mendy (Chelsea)… đều không có mặt tại EURO 2020. Giải vô địch bóng đá châu Âu mà vắng bóng các thủ môn vô địch Champions League, Europa League, Serie A, Premier League, Ligue 1, La Liga, thì… quá dở rồi. Manuel Neuer (Đức, Bayern Munich) là thủ môn duy nhất của EURO này đến từ CLB vô địch một trong những giải đấu lớn ở châu Âu. Tuy nhiên ai cũng biết rằng lão tướng Neuer không còn phong độ tốt nhất (anh thành công rực rỡ vào năm 2014, cạnh tranh Quả bóng vàng với Cristiano Ronaldo và Lionel Messi). Đã có lúc Neuer mất chỗ về tay thủ môn Ter Stegen. Chẳng qua giải này Ter Stegen chấn thương nên mới không ai tranh cãi về vị trí thủ môn của Mannschaft. Mặt khác, cái hay của Neuer liên quan nhiều đến lối chơi (anh thường xuyên dâng cao, như một libero, từ đó đẩy cao hàng hậu vệ cũng như cả đội hình Đức nói chung). Neuer không phải là thủ môn “vô đối” trong lĩnh vực bắt bóng.
Bây giờ, tốc độ tấn công cũng như độ căng của những đường bóng uy hiếp khung thành đã tăng lên rất cao, đòi hỏi thủ môn phải giỏi và già dặn về kinh nghiệm để đối phó. Tuy nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng, bởi chất lượng thủ môn của EURO 2020 nhìn chung là thấp. Vả lại, kể cũng khó mà ngăn cản các pha đốt lưới nhà của Ruben Dias hoặc Raphael Guerreiro (Bồ Đào Nha). Thoạt xem, khán giả truyền hình còn không nhận ra rằng chính họ vừa sút tung lưới nhà (do diễn tiến quá nhanh, đường bóng quá căng). Đây là xu thế chiến thuật. Bài học: phải làm sao ngăn cản tình huống nguy hiểm từ ngoài xa, hơn là chống đỡ ngay trước khung thành.
Theo Dân trí
https://thanhnien.vn/the-thao/euro-2020/vi-sao-euro-2020-co-qua-nhieu-pha-phan-luoi-nha-136953t.html