Đội tuyển Hungary đã chấm dứt cuộc phiêu lưu của mình tại EURO 2020 nhưng với nhiều nét tương đồng, những gì họ để lại là những bài học giá trị thiết thực cho tuyển Việt Nam.
Niềm vui của Hungary sau khi ghi bàn vào lưới tuyển Đức
Tấm gương Hungary
Thực sự xúc động khi nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má của Adam Szalai và đồng đội. Tuyển Hungary chỉ cách mục tiêu của mình vỏn vẹn gần 10 phút mà thôi. Cho dù thất bại nhưng Hungary đã chiến đấu như những chiến binh dũng cảm cho đến tận những giây cuối cùng của cuộc chơi tại EURO lần này. Các học trò của HLV Marco Rossi đã cho thấy một bài học lớn đối với tất cả mọi người. Nó không chỉ gói gọn trong bóng đá mà còn đúng ở rất nhiều mặt khác của cuộc sống. Chỉ cần có niềm tin vào chính bản thân mình, phát huy tất cả những năng lực nội tại bằng sự quả cảm, bằng sức mạnh của ý chí và khát khao chiến thắng, hoàn toàn có thể làm được những điều không tưởng.
Chúng ta hãy nhớ đến những lời mà đội trưởng Szalai đã chia sẻ với đồng đội trước trận đấu với tuyển Đức: “Nhiều người đã mất việc làm, nhiều người bị giảm thu nhập, giải đấu này phải dành cho họ. 90 phút sắp tới chúng ta có thể thay đổi được nhiều thứ cho những người dân Hungary đang ngồi trước màn hình. Hôm nay sẽ không có mệt mỏi. Hôm nay sẽ không có ai cúi đầu. Hôm nay tôi muốn các bạn là những chiến binh. Tiến lên Hungary!”. Và họ đã thi đấu đúng như vậy, như những chiến binh và chính Szalai, người đang chơi bóng ở Đức cho Mainz 05 đã đi đầu nêu gương với cú đánh đầu mở tỷ số và khiến cho người Đức run bần bật ở những phút cuối cùng.
Chính cách chơi với tinh thần chiến binh mạnh mẽ đó mà Hungary tự biến mình từ kẻ lót đường thành “Đội bóng thất bại vĩ đại” trong lịch sử EURO, từ một đội bóng bị đánh giá là ngân hàng điểm thành tập thể khiến các ông lớn phải run sợ. Tuy phải dừng chân, nhưng Hungary đã tạo nên một đoạn cuối hào hùng cho các trận đấu tại vòng bảng. Đó cũng là cái kết đẹp nhất cho bảng F, bảng đấu tử thần, bảng đấu của sự hồi hộp, sự kịch tính nhất của EURO lần này. Quan trọng hơn, cái cách mà Hungary dũng cảm đối mặt với những ông lớn của châu Âu, cách mà họ chiến đấu và tạo nên những trận đấu cân tài, cân sức với Pháp, Đức, Bồ Đào Nha sẽ mở ra cho tuyển Việt Nam những bài học thực sự giá trị, khi mà chỉ ít tháng nữa, chúng ta sẽ bước vào vòng loại thứ 3 World Cup và có thể gặp những đối thủ lớn như Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc.
Nhiều bài học cho tuyển Việt Nam
Cách chơi quả cảm không e dè, rụt rè hay yếm thế của Hungary cho thấy yếu tố tinh thần của một đội bóng bị xem là “nhỏ” trước một trận đánh lớn bao giờ cũng rất quan trọng. Chỉ cần tự tin, không hề run sợ khi đối đầu với các ông lớn thì hoàn toàn có thể đủ sức chiến một cách mạnh mẽ. Tuyển Việt Nam ở hiệp 1 trận đấu với UAE tại lượt trận cuối cùng vòng loại thứ 2 World Cup có nhiều thời điểm thiếu tự tin, mất tập trung dẫn đến những bàn thua quá dễ. Chỉ cần các học trò ông Park có được sự tự tin, lòng quả cảm và niềm tin sắt đá như thế, tuyển Việt Nam cũng sẽ trở nên khó chơi đối với bất cứ đội bóng nào.
Trong cả 3 trận vòng bảng, Hungary luôn phải chơi với thế của đội cửa dưới, chấp nhận chơi phòng ngự phản công. Trung bình mỗi trận, Hungary chỉ kiểm soát bóng khoảng 30%, 70% thời lượng còn lại phải chạy đuổi bóng và căng mình chống đỡ những đợt tấn công như vũ bão của đối phương. Ai từng chơi đá bóng thì đều biết rằng người chủ động kiểm soát bóng để chơi mệt 1 thì người bị động chạy theo bóng mệt gấp 4,5 lần. Thế nên, tuyển Việt Nam khi bước vào vòng loại thứ 3 World Cup cũng sẽ phải xác định chuẩn bị thể lực tốt hơn nhiều khi so với những trận đấu trước kia. Vì xác định khi đá với Nhật, Hàn Quốc hay Iran... chúng ta cũng sẽ chỉ có khoảng 30 - 35% thời gian kiểm soát bóng.
Ngoài thể lực, thầy Park cùng các học trò sẽ còn phải rèn thêm khả năng chịu đựng sức ép. Bởi vì đến như Hungary, cũng là một đội bóng tầm trung ở châu Âu, khi rơi vào bảng F đã phải đón nhận tới 44 tình huống dứt điểm sau 3 trận (trung bình 11,3 lần/trận). Trong đó có tới 18 lần đối thủ sút trúng đích, thủ thành Gulacsi rất xuất sắc nhưng cũng chỉ cứu thua được 12 lần, còn lại anh cũng đã phải vào lưới nhặt bóng tới 6 lần.
Cách vận hành chiến thuật của Hungary là chơi sơ đồ 3-5-2 thuần phòng ngự - phản công khá tương đồng với tuyển Việt Nam. Hungary chơi phòng ngự 1/2 sân nhưng rất chủ động. Hệ thống của họ tạo thành vành đai phòng ngự 3 lớp tương đối rõ ràng: Szalai - Salai ở tuyến đầu; Schafer - Nagy - Kleinheisler ở tuyến giữa. Nhưng khác với tuyển Việt Nam là 2 cầu thủ chạy cánh của họ: Fiola và Nego thường xuyên dâng cao để tạo nên vành đai 5 người ở khu vực giữa sân để phòng ngự từ xa. Ở khu vực này, các cầu thủ Hungary tranh chấp quyết liệt, sẵn sàng phạm lỗi để bảo vệ từng mét đất. Ở tuyến dưới thì 3 trung vệ hoạt động với sự tập trung cao độ, sẵn sàng tranh chấp, hỗ trợ và bọc lót tốt cho nhau. Cự ly đội hình luôn phải giữ ở độ hoàn hảo, qua người này sẽ có người kia tiếp ứng, hụt người trước sẽ có người sau. Hầu hết bàn thua của Hungary đến từ nửa cuối của hiệp 2, đó là khi các cầu thủ xuống sức và mắc sai lầm cá nhân trước sức ép khủng khiếp của các đội bóng mạnh.
Đó là mặt trận phòng ngự, còn về tấn công thì hầu hết cơ hội mà Hungary có được đều là nhờ khả năng chuyển đổi tốt từ phòng ngự sang tấn công. 3 bàn thắng họ có được đều nhờ những tình huống phòng ngự chủ động giành bóng và phản công, tấn công chớp nhoáng. Bàn thắng trong trận gặp Pháp là pha phản công mẫu mực với 4 lần chạm bóng xuất sắc của Fiola và đồng đội, bàn mở tỷ số 1-0 trong trận Đức là quả tạt mẫu mực của Salai và khả năng chọn vị trí, bay người đánh đầu xuất sắc của Szalai. Tóm lại, tất cả là dựa trên nền tảng phòng ngự tốt, chuyển đổi trạng thái nhanh và khả năng khai thác tối đa năng lực của các cầu thủ trên hàng công.
Tuyển Hungary đúng là tấm gương soi thiết thực nhất về chuyên môn, về tinh thần, ý chí chiến đấu, đặc biệt là lòng yêu nước, không cam phận buông xuôi để mang lại niềm vui, lòng tự hào cho dân tộc trong những thời điểm khó khăn vì đại dịch. Học được những bài học giá trị của Hungary, biết đâu chúng ta cũng sẽ làm được những điều kỳ diệu.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-thao/euro-2020/tuyen-viet-nam-hoc-gi-tu-hungary-136775t.html