Đội tuyển bóng chuyền nam được tập trung từ đầu năm 2021 với chuyên gia Trung Quốc Li Huan-ning, trong khi việc thành lập đội tuyển nữ quốc gia vẫn biệt vô âm tín sau nhiều lần nghe những người có trách nhiệm hứa hẹn
Cho đến thời điểm này, hầu như chẳng ai còn nhắc đến cam kết trước đây của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) về việc đội tuyển nữ cũng sẽ có chuyên gia nước ngoài. Bởi lẽ, ngay cả giải pháp tìm kiếm HLV nội dẫn dắt ê-kíp này cũng đang lâm vào cảnh bế tắc. Trong bối cảnh "hoàng hôn nhiệm kỳ" của bộ máy điều hành VFV, rất nhiều sự kiện kém vui xảy ra khiến dư luận ngày càng đặt nhiều dấu hỏi về năng lực của tổ chức này.
Bóng chuyền nữ không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc tranh tài tại SEA Games 31 trên sân nhà vào cuối năm nay, giải đấu mà Trần Thị Thanh Thúy và đồng đội sẽ phải bảo vệ ngôi á quân khu vực đã giành được cuối năm 2019. Thế nhưng, khi mốc thời gian đầu tháng 5 qua đi, Tổng Thư ký VFV Lê Trí Trường trong lần trả lời báo chí mới đây phải tái khẳng định: Muộn nhất thì việc tập trung đội tuyển nữ và bắt đầu tập luyện có thể diễn ra vào đầu tháng 6…
Đội tuyển nữ cần phải có lực lượng tốt nhất và HLV đủ tài năng để thành công. Ảnh: ĐĂNG PHÚC
Như lý giải của ông Trường, VFV cùng với Bộ môn Bóng chuyền - Tổng cục TDTT đã lên kế hoạch tập trung hai đội bóng chuyền nam, nữ Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31 ngay sau khi kết thúc vòng 1 Giải Vô địch quốc gia 2021. Giải này đã kết thúc từ lâu và cầu thủ các đội đều đã trở về địa phương, việc tập trung đội tuyển vào đầu tháng 6 e cũng gặp không ít khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát.
Việc tập trung đội tuyển nữ đang gặp nhiều trục trặc không rõ từ khâu nào đã đành, ngay cả việc tìm kiếm vị thuyền trưởng cho đội cũng chẳng phải dễ dàng gì. Theo quy trình, HLV trưởng sau khi được bổ nhiệm sẽ trực tiếp đề xuất đội ngũ trợ lý và lên danh sách các VĐV đáp ứng được yêu cầu chuyên môn để VFV và Bộ môn Bóng chuyền trình Tổng cục TDTT ra quyết định triệu tập.
VFV thời gian qua được cho là đã liên hệ mời 4 ứng viên là HLV trưởng các đội bóng giành thứ hạng cao tại Giải Vô địch quốc gia năm 2020 - gồm các ông: Bùi Huy Sơn (Bộ Tư lệnh Thông tin), Nguyễn Hữu Hà (Hóa chất Đức Giang Hà Nội), Phạm Văn Long (Kinh Bắc Bắc Ninh) và Nguyễn Tuấn Kiệt (Ngân hàng Công Thương) - nhưng tất cả đều từ chối.
Dù 4 nhà cầm quân này không nói rõ lý do nhưng hoàn toàn có thể khẳng định việc xuất hiện Quyết định triệu tập số 296/QĐ-TCTDTT ngày 18-3 kèm danh sách đội tuyển nữ quốc gia - với đầy đủ các vị trí từ HLV, trợ lý cho đến 18 cầu thủ - đã khiến những người nhiệt huyết với nghề cảm thấy thất vọng, không muốn nhận nhiệm vụ.
Theo danh sách này, ngoài các HLV và trợ lý hoàn toàn không được hỏi ý kiến, thậm chí không có văn bản đề nghị địa phương hoặc đơn vị chủ quản cho phép lên tuyển, một số cầu thủ, người bị chấn thương không dự nổi vòng 1 Giải Vô địch quốc gia 2021, người qua thời đỉnh cao đã lâu mà vẫn có tên. Các ứng viên được liên hệ thẳng thắn từ chối đã đành, ngay cả nhà cầm quân Lương Nguyễn Ngọc Hiền cũng đánh tiếng sẽ chỉ tập trung làm việc cho VTV Bình Điền Long An. Bà ngại chuyện được mời lên tuyển mà bỏ bê đội bóng trẻ tuổi, non kinh nghiệm của mình đang vất vả định hình lại lối chơi.
Bóng chuyền nữ Việt Nam suốt một thời gian dài sống với quan điểm cũ kỹ, rằng bất kể ai cầm quân cũng sẽ dễ dàng có ngôi á quân khu vực. Chính việc để mất tấm HCB tại SEA Games 2017 vào tay Indonesia và vất vả lắm mới đòi lại vị thế cũ sau đó 2 năm mới thực sự làm thay đổi cách suy nghĩ ấy. Lực lượng HLV trẻ mà trong đó nhiều người trải qua sự nghiệp thi đấu lẫy lừng chắc chắn sẽ không quay lưng với nhiệm vụ quốc gia, miễn là cách mời chào phải thể hiện sự trọng thị, tin tưởng, không áp đặt hoặc làm cho có.
Theo Đông Linh/ NLĐ
https://nld.com.vn/the-thao/tuyen-bong-chuyen-nu-ken-thay-20210509205649691.htm