Việc ông Phan Thanh Hùng thôi nhiệm vụ chiều 14.4 là lần đổi tướng thứ… 26 của đội Bình Dương từ năm 2002 đến nay. Tại đội bóng đất Thủ, chiếc ghế huấn luyện viên chưa bao giờ yên bình.
Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng (giữa) chia tay Bình Dương khi V.League 2021 mới chỉ qua 9 vòng đấu. Ảnh: Thanh Vũ.
"Bệnh tim" chỉ là cái cớ?
Trong đơn xin dừng công tác được ông Phan Thanh Hùng gửi lên ban lãnh đạo đội Bình Dương chiều 14.4, chiến lược gia sinh năm 1960 cho biết "bản thân đang mắc bệnh thiếu máu cơ tim và cần thời gian dài để điều trị bệnh". Ông sẽ bàn giao lại công việc cho trợ lý huấn luyện viên Nguyễn Thanh Sơn từ ngày 15.4.
Bệnh tim có thể chỉ là cái cớ hợp lý để ông Hùng chia tay Bình Dương. Bởi với căn bệnh nghiêm trọng đó, ông có thể phát hiện sớm hơn ngay từ khi tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng.
Ở V.League, việc cầu thủ/huấn luyện viên chia tay đội bóng vì cái cớ này không lạ. Cuối măm 2018, tiền đạo Đỗ Merlo chia tay Đà Nẵng vì tái phát bệnh tim. Nhưng chỉ một thời gian sau, anh trở lại thi đấu một cách bình thường cho Nam Định và giờ là đội Sài Gòn.
Thế nên nguyên nhân sâu xa việc Phan Thanh Hùng chia tay Bình Dương là bởi ông cảm thấy mình không kiểm soát được phong thay đồ, không được toàn quyền về các quyết định chuyên môn?!
Bình Dương vốn là mảnh đất "dữ" cho các huấn luyện viên, khi đội đã có đến 25 lần thay tướng trước ông Hùng. Có những người được đôn lên làm tạm quyền đến vài lần, điển hình là ông Đặng Trần Chỉnh (3 lần).
Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng từng hứa sẽ mang về danh hiệu cho Bình Dương nhưng cuối cùng ông đã rời đội sớm. Ảnh: Thanh Vũ.
Hợp đồng của ông Hùng với Bình Dương kéo dài đến 3 năm, thậm chí chiến lược gia này đã nghĩ đến việc ở với đội trong 6 năm. Tuy nhiên, chỉ sau 9 trận, ông đã chia tay với lời cam kết mang danh hiệu về cho đội vẫn còn dang dở.
Chuyện chỉ có ở Bình Dương
Theo một nguồn tin thân cận với đội bóng, sau khi huấn luyện viên Phan Thanh Hùng chia tay đội, ông Nguyễn Thanh Sơn sẽ lên thay thế. Nhưng thực quyền chỉ đạo đội bóng thời gian tới sẽ thuộc Giám đốc kỹ thuật Đặng Trần Chỉnh. Điều này đúng với mô hình hoạt động "chỉ có ở Bình Dương" suốt những năm qua.
Mô hình huấn luyện chỉ đóng vai trò hình thức, còn quyền quyết định chuyên môn thuộc về Giám đốc kỹ thuật diễn ra ở giai đoạn đội có 2 năm vô địch V.League 2015, 2016. Khi đó, ông Sơn đứng chức danh huấn luyện viên trưởng. Nhưng năm quyền chỉ đạo khi đó là 2 chiến lược gia lão làng đứng danh Giám đốc kỹ thuật Lê Thuỵ Hải và Mai Đức Chung.
Ông Đặng Trần Chỉnh nhiều khả năng chịu trách nhiệm chỉ đạo Bình Dương trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Vũ.
Mùa 2018-2019, ông Trần Minh Chiến lên làm huấn luyện viên, phá vỡ mô hình này. Chiến lược gia sinh năm 1974 có cá tính, thẳng thắn, bộc trực và tài năng. Ông giúp đội đoạt Cúp Quốc gia 2018. Nhưng sang đầu mùa 2019, ông cũng phải chia tay đội với lý do "không thể kiểm soát được phòng thay đồ".
Trong phần lớn mùa giải 2019 và cả mùa 2020, đội bóng đất Thủ trở lại với mô hình cũ. Ông Nguyễn Thanh Sơn làm huấn luyện viên, tuy nhiên người đứng sau chỉ đạo là Giám đốc kỹ thuật Đặng Trần Chỉnh. Tiền đạo kỳ cựu Anh Đức đã thừa nhận điều này trong một phỏng vấn khi rời đội bóng.
Trước khi ông Hùng đến, ông Chỉnh cũng được quy hoạch ngồi vào ghế nóng. Đầu mùa này, tiền vệ Tô Văn Vũ đã mỉa mai việc ông Chỉnh tước băng đội trưởng của anh để trao lại cho tiền đạo trẻ Tiến Linh vì "hợp phong thủy". Tiến Linh là cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ, dưới sự dìu dắt của ông Chỉnh.
Khi ông Hùng đến, việc đầu tiên là ông trao băng đội trưởng cho Pape Omar để bình ổn phòng thay đồ. Nhưng sau khởi đầu ấn tượng với 2 trận thắng Thanh Hóa, Hà Nội, Bình Dương đã thi đấu chệch choạc. Trong những thất bại trước Viettel, thua Sông Lam Nghệ An, một số cầu thủ đã mắc sai lầm lớn, hoặc bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn.
Chia tay ông Hùng, Bình Dương sẽ trở lại vòng luẩn quẩn cũ. Và với những gì đã diễn ra trong vài năm qua, con đường để họ trở lại với vị thế số 1 Việt Nam xem ra còn xa.
Ngày 27.11.2019, Bình Dương bổ nhiệm ông Carlos Carvalho De Oliveira làm huấn luyện viên trưởng đội bóng, thay cho ông Nguyễn Thanh Sơn. Ông Carlos, sinh năm 1961, có 2 quốc tịch Brazil và Mỹ. Tuy nhiên, ngay trước khi V.League 2020 khởi tranh, ông bị sa thải khi chưa dẫn dắt bất cứ một trận đấu chính thức nào cho Bình Dương. |
Theo Nguyễn Đăng/Lao động
https://laodong.vn/bong-da/ong-phan-thanh-hung-tu-chuc-va-vong-luan-quan-cua-doi-binh-duong-898845.ldo