Làm vua quả tình không ai không mong muốn và trọng tài bóng đá - được mệnh danh là "ông vua sân cỏ" – chính là người có trong tay thứ quyền uy tối thượng trong phạm vi một trận đấu.
Trọng tài Việt Nam chưa kiên quyết xử lý lỗi đá thô bạo của cầu thủ
Bóng đá được coi là môn thể thao "vua" và nên quyền hành của trọng tài bao trùm mọi ngóc ngách của trận đấu.
Trên sân, trọng tài được trao quyền tuyệt đối! Có thể đưa ra quyết định đúng hoặc sai nhưng trong khuôn khổ một trận đấu, trọng tài có thể tạm ngưng hoặc cho trận đấu tiếp diễn. Ông ta có thể đuổi bất kỳ ai khỏi sân nếu vi phạm luật chơi. Ông ta có thể thay đổi cả quyết định... của chính mình. Nói chung, quyền hành trọng tài "rộng hơn biển cả, vượt qua núi cao".
Trên thế giới, "vua sân cỏ" luôn thể hiện được sự uy nghiêm! Dù đúng hay sai thì tiếng còi của trọng tài luôn dứt khoát, hành động oai phong nên có tính "uy hiếp" đối với cầu thủ hay các thành phần khác tham gia vào trận đấu như quan chức, ban huấn luyện, nhân viên... Cũng có khi bị phản ứng, bị đuổi đánh nhưng chung quy lại là tác phong, thái độ của trọng tài luôn thể hiện đúng với vị thế của "ông vua"!
Trọng tài Vũ Nguyên Vũ ở trận TP HCM gặp Hà Nội FC
Mấy mùa bóng gần đây, trọng tài ở các giải quốc nội được khuyến cáo phải nghiêm khắc với phản ứng của cầu thủ và hành vi bạo lực. Tuy nhiên, dễ thấy trọng tài Việt Nam chỉ tạm thời làm tốt một vế là mạnh tay với những ai có thái độ, hành vi chống lại mình, còn vế sau họ chưa làm tròn nhiệm vụ.
Trọng tài có vai trò quan trọng khi góp phần giúp giải đấu thành công hay gián tiếp khiến giải thất bại. Bảo vệ đôi chân cầu thủ, ngoài ý thức và tư duy chơi bóng của cầu thủ với nhau thì trọng tài chính là người trực tiếp ngăn chặn những hành vi sai trái bằng khả năng đưa ra quyết định với tiếng còi đầy quyền năng của mình. Trong trường hợp trọng tài "bất lực" thì phạt nguội từ Ban kỷ luật giải chính là hình thức răn đe hiệu quả nhất để buộc các cầu thủ hay những thành phần khác tham gia trận đấu phải tuân thủ và điều chỉnh lại hành vi.
Trọng tài Anh Đức bị chê yếu chuyên môn khi điều hành trận Cần Thơ và CAND
Ở V-League có những trọng tài đầy bản lĩnh nhưng không ít trọng tài lại rất "yếu bóng vía". Nhiều trọng tài thay vì thể hiện dũng khí và sự kiên quyết thì lại để cầu thủ lấn lướt hoặc chùn tay khi rút thẻ. Trong nhiều tình huống, các "vua sân cỏ" còn nương nhẹ với những pha phạm lỗi thô bạo nên chưa răn đe được một bộ phận cầu thủ chơi bóng theo kiểu "chém đinh chặt sắt". Nhiều trọng tài chịu không nổi sức ép khán giả và dư luận nên dẫn đến những quyết định thiếu công bằng, gây phản ứng từ các đội bóng, cầu thủ hoặc người hâm mộ.
Lâu nay, các tổ chức bóng đá trong nước, quốc tế có nguyên tắc "bất thành văn" là bảo vệ trọng tài trước mọi áp lực dư luận. Trọng tài có thể đúng hoặc sai nhưng họ luôn "đóng cửa bảo nhau". Xử lý, phân công trọng tài ra sao là việc nội bộ mà không bị buộc phải công khai với bất kỳ ai. Trong trường hợp này, bảo vệ không phải là che chắn, bênh vực cho sai phạm của trọng tài mà nhằm giảm áp lực, bảo vệ uy tín, danh dự để họ có thể an tâm tham gia điều hành hoạt động bóng đá – cũng là cái nghề "làm dâu trăm họ".
Ngô Hoàng Thịnh nhận thẻ đỏ sau pha phạm lỗi với Đỗ Hùng Dũng
Rõ ràng, "bệ đỡ" đã có rồi, vậy trọng tài ngại gì mà không dám "ra oai"? Trọng tài cần thể hiện bản lĩnh, biết vượt qua mọi áp lực, kể cả những cám dỗ vật chất, nếu có. Chiến thắng điều đó, trọng tài sẽ phát huy được vị thế của ông "vua sân cỏ" một cách đúng nghĩa!
Theo NLĐ
https://nld.com.vn/the-thao/quyen-luc-va-ban-linh-trong-tai-20210402141436012.htm