Đội bóng chuyền nam suýt lỡ cơ hội bảo vệ ngôi số 1 tại giải vô địch quốc gia, tuyển bóng đá nữ bị tước quyền chủ nhà ở các trận đấu quan trọng trong chiến dịch bảo vệ ngôi hậu, còn đội cờ tướng đang lo lắng việc bị tước tư cách tham dự mùa giải 2021 vì phải ngồi nhà tránh dịch Covid-19
Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã đề cập việc Vụ Thể thao thành tích cao II thuộc Tổng cục TDTT có văn bản gửi trực tiếp đến Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM với nội dung khuyến cáo ngành thể thao TP tạm dừng tổ chức các giải trong hệ thống quốc gia, đồng thời không cử đội tuyển TP HCM tham dự các giải quốc gia tổ chức trong tháng 12-2020.
Lý do là ở thời điểm Vụ Thể thao thành tích cao II phát hành văn bản kể trên ngày 3-12, tại TP HCM đã xuất hiện một số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 (gây ra Covid-19) và đã lan ra cộng đồng. Vì thế, việc thể thao TP "nội bất xuất, ngoại bất nhập" là để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.
Nhiều đội thể thao và đông đảo người hâm mộ tại TP HCM đã tỏ ra rất bức xúc với văn bản "kỳ lạ" nói trên. Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, các hoạt động thi đấu TDTT trong nước bị đình trệ dài hạn, buộc phải chạy đua với thời gian để tổ chức nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2020. Nói Vụ Thể thao thành tích cao II vì quá nhạy cảm với tình hình nên "cầm đèn chạy trước ôtô" có lẽ không sai khi mà Chính phủ và lãnh đạo TP HCM chưa có chỉ đạo tạm dừng các hoạt động cộng đồng trên địa bàn ở thời điểm kể trên nhưng thể thao lại bị "ngăn sông cấm chợ".
Cựu vô địch quốc gia Nguyễn Hoàng Yến (TP HCM, phải) lo lắng không được thi đấu trong năm 2021 Ảnh: THƯƠNG DUNG
Đó là lý do khiến đội bóng chuyền nam TP HCM - đương kim vô địch quốc gia (VĐQG) 2019 - suýt không được tranh tài ở vòng 2 và vòng chung kết Giải Vô địch toàn quốc 2020 nếu không có mặt tại tỉnh Khánh Hòa một ngày trước khi văn bản trên phát hành. Bóng đá cũng bị liên lụy khi tuyển nữ TP HCM bỗng dưng mất lợi thế chủ nhà ở những trận đấu quan trọng nhất trong chiến dịch bảo vệ ngôi hậu giành được mùa trước. Giải đấu đang diễn ra tại TP HCM khi ấy phải di dời cấp tốc đến Bình Dương.
Thật ra, câu chuyện của 2 đội bóng chuyền và bóng đá cũng xuất phát từ việc ngành thể thao TP HCM chấp hành… quá nhanh, quá nghiêm túc ý kiến chỉ đạo từ Tổng cục TDTT! Văn bản của Vụ Thể thao thành tích cao II vào đến TP HCM ngày 3-12 thì ngay trong ngày, Sở Văn hóa - Thể thao TP lập tức ra thông báo gửi các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở cùng các hiệp hội, liên đoàn thể thao, yêu cầu phải chấp hành chỉ đạo.
TP HCM thời điểm ấy còn đang chuẩn bị cử đội cờ tướng lên đường ra Quảng Ninh dự Giải Vô địch đồng đội toàn quốc 2020, phút chót tất cả phải ở nhà! Không được thi đấu đã đành, hệ lụy của việc vắng mặt này khá lớn và dự báo sẽ vô cùng rắc rối.
Theo quy định, thành tích tại giải đấu này là cơ sở để xem xét việc tham dự Giải Vô địch toàn quốc năm 2021. Với việc vắng mặt toàn bộ tại giải đấu ở Quảng Ninh, các kỳ thủ TP - gồm rất nhiều hảo thủ trong tốp đầu quốc gia - sẽ rất đau đầu để tìm tư cách tham dự giải VĐQG năm sau, cũng là giải đấu tuyển chọn lực lượng cho đội tuyển cờ tướng quốc gia tranh tài tại SEA Games diễn ra ở Việt Nam. Nếu các kỳ thủ TP được cho phép dự giải VĐQG 2021 và giành được quyền tham dự đội tuyển, chính các kỳ thủ đạt thứ hạng cao tại Quảng Ninh sẽ có quyền khiếu nại Bộ môn Cờ (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam đã ban hành điều lệ nhưng lại bất chấp tất cả.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/the-thao/the-thao-tp-hcm-lao-dao-vi-mot-van-ban-20201220213009217.htm