Vietjet trở thành hãng hàng không đầu tiên khai thác dòng máy bay COMAC C909 của Trung Quốc tại Việt Nam với đường bay Côn Đảo.
Từ ngày 19-4, Vietjet chính thức khai thác đường bay từ Hà Nội và TP HCM đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), khai thác bằng dòng máy bay COMAC C909 với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.
Máy bay ARJ21 (C909) của COMAC hạ cánh tại sân bay Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày 29-2-2024
Trong bối cảnh nhu cầu bay đến Côn Đảo tăng cao, đường bay đến Côn Đảo luôn "nóng" những năm qua, đặc biệt khi sân bay Côn Đảo chỉ đáp ứng khai thác các loại máy bay như ATR72 và tương đương (Embraer E190/E195 giảm tải).
Sau khi Bamboo Airways trả máy bay Embraer, dừng bay Côn Đảo để tái cơ cấu, hiện chỉ còn VASCO (công ty con của Vietnam Airlines) và tổng công ty trực thăng khai thác các chuyến bay đến Côn Đảo.
VASCO khai thác đường bay từ TP HCM đến Côn Đảo bằng máy bay ATR72 và Vietnam Airlines khai thác tuyến Hà Nội - Côn Đảo bằng hình thức nối chuyến tại TP HCM, tổng thời gian bay từ 5-6 tiếng. Hành khách sẽ bay từ Hà Nội vào TP HCM bằng máy bay của Vietnam Airlines, sau đó bay từ TP HCM ra Côn Đảo với máy bay của VASCO,
Vào mùa cao điểm khai thác từ cuối năm trước đến những tháng đầu năm sau, giá vé bay khứ hồi trọn gói từ Hà Nội đi Côn Đảo mua sớm khoảng 8 triệu đồng/người và mua sát ngày bay lên tới 14 triệu đồng/người.
Chính phủ đã thống nhất chủ trương mở rộng sân bay Côn Đảo theo hình thức PPP, nhằm đón được các dòng máy bay thân rộng như Airbus A350, Boeing 787. Trong khi đó, một số hãng hàng không Việt Nam đã nghiên cứu thuê các dòng máy bay phù hợp để khai thác đường bay này.
Năm 2024, trên cơ sở đề xuất của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet và Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) về khai thác máy bay COMAC tại Việt Nam và kết quả cuộc gặp của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với phó chủ tịch COMAC, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát các quy định của pháp luật hiện hành. Hiện quy định chưa cho phép nhà chức trách hàng không Việt Nam công nhận chứng chỉ loại máy bay đối với những máy bay chưa được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) cấp giấy chứng nhận loại. Để các hãng hàng không Việt Nam có thể khai thác máy bay COMAC của Trung Quốc, cần sửa nghị định và thông tư nhằm cấp giấy chứng nhận loại cho máy bay này theo hướng công nhận các tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện bay của Trung Quốc làm cơ sở cho nhập khẩu máy bay COMAC vào Việt Nam.
Ngày 13-4-2025, Chính phủ ban hành Nghị định 89 sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh hàng không dân dụng, cho phép nhập khẩu vào Việt Nam các dòng máy bay được nhà chức trách hàng không Brazil, Canada, Nga, Anh, Trung Quốc cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại.
Trên thực tế, Vietjet đã trở thành hãng hàng không đầu tiên khai thác dòng máy bay COMAC C909 của Trung Quốc tại Việt Nam. Việc Vietjet gia nhập thị trường bay đến Côn Đảo được kỳ vọng sẽ tạo áp lực cạnh tranh, góp phần hạ giá vé và mở rộng cơ hội tiếp cận điểm đến hấp dẫn này cho du khách.
Với đường bay Hà Nội - Côn Đảo, Vietjet khai thác chuyến bay thẳng, thời gian bay khoảng 2 tiếng 10 phút. Các chuyến bay chiều đi cất cánh lúc 6 giờ 45 và 9 giờ 15; chiều về từ Côn Đảo cất cánh lúc 11 giờ 35 và 14 giờ 05.
Khảo sát vé bay Hà Nội - Côn Đảo tối 15-4 cho chuyến bay ngày 20-4. Ảnh chụp màn hình
Theo khảo sát giá vé tối 15-4 cho chuyến bay Côn Đảo vào cuối tuần này, giá vé chặng Hà Nội - Côn Đảo dao động từ hơn 4,3 đến hơn 5 triệu đồng/vé/chiều (đã bao gồm thuế phí).
Trong khi đó, Vietnam Airlines khai thác tuyến Hà Nội - Côn Đảo bằng hình thức nối chuyến, thời gian bay từ 5-6 tiếng, giá vé từ 5 - 7 triệu đồng/vé/chiều.
Với chặng TP HCM - Côn Đảo, thời gian bay khoảng 45 phút, các chuyến bay khởi hành từ TP HCM lúc 10 giờ 30 và 13 giờ; từ Côn Đảo lúc 9 giờ 20 và 11 giờ 50. Vietjet đưa ra mức giá từ 1,7 - 3,2 triệu đồng/vé/chiều.
Còn VASCO bán vé chặng TP HCM - Côn Đảo với giá dao động từ 1,7 - 2,5 triệu đồng/vé/chiều.
Theo Dương Ngọc/NLĐO
https://nld.com.vn/them-hang-hang-khong-bay-con-dao-gia-ve-co-ha-19625041607151238.htm