Bộ GD-ĐT tính toán cần thêm 8.200 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách miễn học phí từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông.
Ngày 8.4, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông. Dự thảo do Bộ GD-ĐT chủ trì soạn thảo.
Học sinh cả nước từ mầm non tới hết trung học phổ thông sẽ được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (ảnh minh họa)
Bộ GD-ĐT dẫn quy định tại luật Giáo dục năm 2019. Theo đó, đối tượng không phải đóng học phí gồm: học sinh tiểu học; đối tượng miễn học phí gồm: trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở.
Tại phiên họp tháng 2 vừa qua, Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập.
Để triển khai kết luận của Bộ Chính trị, tại dự thảo, Bộ GD-ĐT đề xuất bổ sung các đối tượng được miễn học phí gồm: trẻ em, học sinh mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh trung học phổ thông, học sinh học văn hóa trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Nghị quyết sẽ được áp dụng từ năm học 2025 - 2026 trở đi.
Theo số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT, trong năm học 2023 - 2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh (gồm 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%).
Số học sinh chia theo cấp học gồm: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập, 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở, 2,99 triệu học sinh trung học phổ thông.
Với con số trên, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30.000 tỉ đồng.
Trong đó, tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025 - 2026 là 22.500 tỉ đồng.
"Như vậy, số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8.200 tỉ đồng", Bộ GD-ĐT tính toán.
Về tác động chính sách, Bộ GD-ĐT nhận định, người dân là đối tượng trực tiếp thụ hưởng, qua đó góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình khó khăn; thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đối với phần học phí tiết kiệm được. Đồng thời, tạo tâm lý tích cực, củng cố niềm tin với Đảng và Chính phủ.
Đối tượng học sinh nào được hỗ trợ học phí? Cũng tại dự thảo nghị quyết, Bộ GD-ĐT đề xuất quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục như sau: - Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; cơ sở giáo dục thường xuyên công lập; cơ sở giáo dục công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. - Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục tư thục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do HĐND tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học. |
Theo Tuyến Phan/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-can-them-8200-ti-de-mien-hoc-phi-cho-hoc-sinh-ca-nuoc-185250408133833663.htm