11
/
175115
Tranh luận việc đưa tự luận vào kiểm tra định kỳ
tranh-luan-viec-dua-tu-luan-vao-kiem-tra-dinh-ky
news

Tranh luận việc đưa tự luận vào kiểm tra định kỳ

Thứ 4, 15/01/2025 | 07:24:00
151 lượt xem

Trước quy định về ma trận đề kiểm tra định kỳ của Bộ GD-ĐT, nhiều giáo viên đã bày tỏ ý kiến khác nhau.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KỲ

Bộ GD-ĐT ban hành Văn bản số 7991 về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS, THPT, trong đó quy định về ma trận đề kiểm tra định kỳ bắt đầu áp dụng trên cả nước từ học kỳ 2 năm học này.

Học sinh sẽ làm bài kiểm tra định kỳ theo cấu trúc mới từ học kỳ 2

Theo đó, đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng điểm số cấp THPT sẽ có ma trận mới, gồm 2 phần: Trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm). Trong phần trắc nghiệm khách quan, học sinh (HS) sẽ phải giải quyết các dạng câu hỏi: Nhiều lựa chọn (chiếm 3 điểm); Đúng - Sai (chiếm 2 điểm); Trả lời ngắn (chiếm 2 điểm).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra hướng dẫn, với các câu hỏi dạng "Đúng - Sai", mỗi câu hỏi sẽ bao gồm 4 ý nhỏ, mỗi ý HS phải chọn đúng hoặc sai. Một số tài liệu xếp loại câu hỏi này vào loại nhiều lựa chọn phức hợp hoặc nhiều lựa chọn có nhiều phương án đúng. Với các câu hỏi dạng "Trả lời ngắn", môn học không sử dụng dạng này thì chuyển toàn bộ số điểm cho dạng "Đúng - Sai".

THÊM PHẦN TỰ LUẬN ĐỂ GIẢM TÍNH MAY RỦI TRONG ĐỀ KIỂM TRA

Trước quy định về ma trận đề kiểm tra học kỳ của Bộ GD-ĐT, nhiều giáo viên (GV) đã bày tỏ những ý kiến khác nhau.

Một GV tại Q.3 cho hay trước đây đối với các đề kiểm tra 100% câu hỏi trắc nghiệm thì tỷ lệ HS đạt được điểm 10 rất cao. Điều này cũng đặt ra câu hỏi là liệu học lực của HS xuất sắc hay do may mắn. Đã có những HS học lực và thái độ học tập không quá tốt nhưng thi đạt điểm số cao do may mắn khi chọn đáp án. Hình thức trắc nghiệm được sử dụng trong thời gian qua thường mang tính may rủi nên nếu vẫn duy trì đề kiểm tra có 100% câu hỏi trắc nghiệm sẽ thiếu tính công bằng và không thể đánh giá đúng thực chất năng lực người học.

Vì vậy, GV này cho rằng việc đưa thêm nội dung câu hỏi tự luận vào đề kiểm tra định kỳ sẽ rất phù hợp và tạo ra những tác động, ảnh hưởng tích cực. Đối với nội dung phần tự luận, HS sẽ không thể dựa vào yếu tố "ăn may" hay tư tưởng "khoanh bừa" như đối với phần trắc nghiệm. Khi đó, HS phải học tập nghiêm túc và có đầy đủ kiến thức thì mới có cơ hội chinh phục 3 điểm tại phần này.

MÂU THUẪN VỚI CẤU TRÚC ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT ?

Còn theo GV Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), ở phần trắc nghiệm khách quan, câu hỏi dạng trả lời ngắn gần với câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.

Từ đó, GV Trường THPT Nguyễn Du cho rằng việc bổ sung phần câu hỏi tự luận để bổ khuyết cho hình thức trắc nghiệm, yêu cầu HS phải lập luận đưa ra lời giải thay vì chỉ điền kết quả. Tuy nhiên, do câu hỏi dạng trả lời ngắn gần với dạng câu hỏi tự luận nên nếu thêm phần tự luận sẽ trùng lắp. Vì vậy có thể chọn một trong 2 dạng để tinh gọn đề kiểm tra và giảm áp lực cho HS.

Đồng thời, theo GV này, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 lại không có phần tự luận. "Như vậy có nhất thiết phải bổ sung phần tự luận vào bài kiểm tra đánh giá hay không?", GV đặt vấn đề.

Nhiều ý kiến khác nhau về việc thêm phần tự luận trong đề kiểm tra định kỳ, đặc biệt ở các môn khoa học tự nhiên 

Tổ trưởng tổ toán một trường THPT tại Q.3 (TP.HCM) cũng đặt câu hỏi tại sao cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT không có phần tự luận lại bắt buộc HS kiểm tra định kỳ có 30% tự luận? Người này nêu thực tế dù đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM 100% tự luận nhưng Sở GD-ĐT không có văn bản nào hướng dẫn hình thức kiểm tra định kỳ.

Còn một GV dạy hóa học cho hay việc xây dựng ma trận, đặc tả và đề kiểm tra định kỳ cấp THPT như Bộ hướng dẫn sẽ gây không ít bối rối cho cả GV và HS.

Theo GV này, về bản chất, việc kiểm tra, đánh giá năng lực HS không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra nội dung kiến thức, mà cần tập trung thông qua các biểu hiện cụ thể của từng năng lực thành phần, phù hợp với đặc thù của từng môn học. Do đó, việc hướng dẫn kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo không làm mâu thuẫn giữa hai mục tiêu này.

Cũng theo GV này, đối với môn ngữ văn, việc sử dụng hình thức trắc nghiệm để xây dựng ma trận là không phù hợp với tính chất đặc thù của môn học. Trong khi đó, các môn khoa học tự nhiên đang áp dụng dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT bao gồm cả hình thức trả lời ngắn (tương tự tự luận). Vì vậy, việc bổ sung hình thức tự luận vào đề kiểm tra đánh giá các môn này không chỉ gây phức tạp mà còn tạo thêm áp lực cho GV.

Quan trọng hơn, theo nhiều GV, hướng dẫn của Bộ dường như đang quay trở lại cách kiểm tra, đánh giá dựa trên nội dung môn học. Điều này không phù hợp với tinh thần của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vốn nhấn mạnh đến việc đánh giá năng lực. Sự "vênh nhau" này giữa cách tiếp cận năng lực và nội dung có thể gây cản trở cho mục tiêu đổi mới giáo dục đang hướng tới. Vì vậy cần có sự thống nhất rõ ràng hơn trong các hướng dẫn để tránh gây ra những khó khăn không đáng có trong quá trình triển khai thực tế.

Theo Bích Thanh/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/tranh-luan-viec-dua-tu-luan-vao-kiem-tra-dinh-ky-185250114185242035.htm

  • Từ khóa

Phương thức xét tuyển ĐH: Càng gọn càng hiệu quả

Kỳ tuyển sinh ĐH 2025, nhiều trường ĐH chỉ sử dụng những phương thức xét tuyển phổ biến, đơn giản nhưng đã từng đem lại hiệu quả trong thực tế.
10:53 - 15/01/2025
68 lượt xem

Châu Á trở thành trung tâm giáo dục toàn cầu

Vào năm 2025, châu Á sẽ có sự chuyển mình lớn trong bản đồ du học toàn cầu.
08:45 - 15/01/2025
105 lượt xem

Giải pháp căn cơ

Quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GD&ĐT vừa ban hành đã thống nhất trong toàn quốc nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thi vào lớp 10.
15:43 - 14/01/2025
501 lượt xem

Rải hơn 600 đơn xin việc, nam sinh được Microsoft tuyển dụng trước khi tốt nghiệp 5 tháng

Từng thực tập tại các "ông lớn" công nghệ như Facebook, Nvidia, thế nhưng "cơn bão" sa thải nhân sự tại Mỹ vào cuối năm 2023 khiến Nhật Quang vô cùng căng...
14:52 - 14/01/2025
561 lượt xem

Nhật Bản sáp nhập trường đại học tư

Chính phủ Nhật Bản dự đoán đến năm 2040, số lượng sinh viên mới có thể giảm khoảng 130 nghìn so với năm 2022.
12:07 - 14/01/2025
508 lượt xem