Ngư trường Tây Nam cạn kiệt nên sản lượng đánh bắt hải sản giảm mạnh. Nhiều tàu cá đánh bắt không hiệu quả, khó tìm ngư dân và chi phí tăng mạnh nên chủ tàu muốn đổi nghề.
Việc ra khơi đánh bắt cá biển hiện nay tăng chi phí, khó tìm ngư dân nhưng sản lượng cá ít là một trong nhiều nguyên nhân khiến tàu biển Tây Nam nằm bờ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngư trường cạn kiệt, chi phí tăng
Ngày 3-1, ngư dân Trương Văn Vững - ngụ huyện U Minh, tỉnh Cà Mau - cho biết ông hành nghề câu mực nhưng mấy năm nay đánh bắt khó khăn, chi phí cao nhưng nguồn lợi thủy sản thu về không nhiều.
"Ngoài khơi hết lưới, cào, còn trong bờ thì lưới giăng đầy, tôm cá nào sinh cho kịp. Nếu bảo vệ ngư trường cho tốt, để thời gian cho tôm, cá sinh sản thì ngư dân mới khá lên được", ông Vững phân tích.
Nhiều ngư dân ở cửa biển Sông Đốc than vãn chi phí tăng, từ giá xăng dầu đến giá hàng hóa thiết yếu phục vụ cho chuyến biển. Mức chi phí tăng lên hơn 50 triệu đồng cho chuyến đi biển 30 ngày.
Gia đình ông Lê Văn Tiện - ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho hay ông có 3 tàu khai thác thủy sản xa bờ đang đứng trước nguy cơ nằm bờ.
Vì tìm kiếm bạn tàu gặp khó khăn, chi phí tăng nên bắt buộc phải hạ giá thành thu mua sản phẩm khai thác xuống, ngư dân lại chịu thiệt. Nếu như trước đây giá cá trung bình bán được khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg thì bây giờ chỉ bán được khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg.
"Trước đây chi phí đi biển khoảng 200 triệu đồng/chuyến thì bây giờ giá xăng dầu ở mức cao, thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng nên chi phí đi biển đội lên khoảng 250 triệu đồng/chuyến. Trong khi giờ đánh bắt cá không được nhiều như trước, một số người làm nghề đi biển cũng bỏ nghề", ông Tiện than thở.
Ông Trần Minh Trí, chủ tàu biển tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ ông có 4 cặp tàu biển đi đánh bắt nhưng năm 2024 thủy hải sản giảm mạnh, chỉ khoảng 20-30% so với năm trước. Gia đình ông đi biển 2-3 tháng về một lần. Năm 2024, hầu hết chủ tàu đi biển đánh bắt cá không có lãi.
"Năm mới 2025, tôi chỉ mong giá dầu giảm thêm nữa thì ngư dân mới mong có lãi. Bây giờ mỗi lần đi biển là tốn hơn 4 tỉ đồng/cặp tàu (gồm tiền dầu, tiền ứng cho ngư dân và chi phí ăn uống). Tuy nhiên, sản lượng hải sản giảm mạnh nên ai cũng khó khăn. Đặc biệt tìm người đi biển khó lắm", ông Trí nói.
Khó tìm ngư dân đi biển
Tại Cà Mau, gần đây số lượng lao động làm việc trên tàu cá giảm mạnh, nhiều tàu không đủ thuyền viên để ra khơi hoặc buộc phải giảm quy mô khai thác. Các huyện ven biển như: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi đều ghi nhận tỉ lệ thiếu hụt lao động từ 20-30% so với nhu cầu thực tế.
Nguyên nhân chính khiến lao động bỏ nghề biển là do điều kiện làm việc khắc nghiệt, nhiều nguy hiểm từ mưa bão, tai nạn lao động, thu nhập bấp bênh... Thu nhập của họ từ 5-10 triệu đồng/người thì hiện nay còn khoảng 1-3 triệu đồng/người/tháng, không đủ để trang trải cuộc sống.
Anh Tô Văn Chiến, một ngư dân ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cho biết việc tìm bạn thuyền ngày càng khó khăn. Trước đây chỉ cần một vài cuộc gọi là có đủ người tham gia, nhưng hiện nay phải tìm kiếm trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mà vẫn không đủ.
Cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang mua bán cá trong ngày đầu năm mới 2025 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Văn Lâm - trưởng Ban quản lý cảng cá Tắc Cậu thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết ngư trường khai thác trọng điểm của bà con đã giảm, khai thác không hiệu quả. Vì sợ đưa tàu vào bờ thì ngư dân sẽ bỏ đi, không đi tàu nữa mà chuyển ngành khác, hai năm trở lại đây, trên 90% chủ tàu bán cá trên biển.
"Ngày xưa chủ được làm chủ, còn bây giờ tài công được làm chủ. Tài công muốn bán cá trên biển, được kiểm soát sản lượng bán ra, được chia tiền.
Tài công họ trực tiếp được bán cá rồi báo với chủ để chia tiền tươi. Sản lượng cá vào cảng hiện nay giảm gần 1.800 tấn so với năm 2023 do nhiều tàu nằm bờ", ông Lâm nói.
Do ngư trường cạn kiệt nên một số ghe biển ở Cà Mau phải ở trong bờ nhiều hơn ngoài biển - Ảnh: THANH HUYỀN
Theo Bửu Đấu - Thanh Huyền/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/ngu-dan-vung-bien-tay-nam-gap-kho-du-duong-20250103104630692.htm