Sau sinh viên ngành sư phạm, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y trong bối cảnh thiếu nhân lực y tế hiện nay.
Trong báo cáo hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 diễn ra ngày 24.12, Bộ Y tế có đề xuất với Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để sinh viên (SV) y, dược được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tập. Việc này nhằm thu hút nhân lực, khi ngành y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng.
Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong giờ học
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm 66 trường ĐH, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ (Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện). Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 trong toàn quốc gần 11.300, dược sĩ gần 8.500, điều dưỡng khoảng 18.200 người. Trong khi đó, quy mô nhân lực y tế của VN tăng 2,33% trong 10 năm qua. Tổng số nhân lực ngành y tế hiện khoảng 431.700 người, thấp hơn nhiều so với mức 632.500 người trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011 - 2020.
Nếu theo đề xuất này, cùng với việc cấp sinh hoạt phí, SV ngành y, dược được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo. Mức này năm học 2024 - 2025 hiện dao động từ hơn 27 triệu đến gần 200 triệu đồng tùy ngành, tùy trường.
CHỈ NÊN THỰC HIỆN VỚI MỘT SỐ NGÀNH VÀ CÓ RÀNG BUỘC
Trước đề xuất này, đại diện các trường ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau.
Lãnh đạo một trường ĐH tư thục có đào tạo ngành y khoa cho rằng Nhà nước hỗ trợ học phí cho SV là đáng mừng và trước mắt áp dụng với khối ngành sư phạm và sức khỏe là hợp lý. Tuy nhiên, lãnh đạo trường ĐH này kiến nghị: "Chính sách này nên áp dụng cho SV học ngành khan hiếm nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe. Có thể áp dụng cho SV trường công lập và tư thục như nhau, sau khi ra trường có ràng buộc người học phải thực hiện nhiệm vụ theo sự điều động của Nhà nước. Nếu triển khai được như vậy mới đạt hiệu quả từ đào tạo đến phân bổ nhân lực của ngành y tế, coi như đây là hình thức Nhà nước đặt hàng đào tạo nhân lực cho ngành".
Ủng hộ đề xuất này, GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược TP.HCM, nói: "Chính sách miễn học phí này cần được triển khai theo hướng Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức cơ sở đào tạo, mới đảm bảo được chất lượng đào tạo". GS-TS Tuấn cho rằng, khi Nhà nước đã đầu tư chi phí đào tạo cũng cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả lực lượng này sau khi ra trường để mang lại lợi ích cho ngành y tế nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. "Nếu làm được, cần có những quy định ràng buộc để SV sau tốt nghiệp phải có thời gian phục vụ cho hệ thống y tế, từ tuyến cơ sở đến trung ương. Đây cũng là dịp để xây dựng được tuyến hệ thống y tế cơ sở mạnh lấy chăm sóc ban đầu với nguyên lý y học gia đình làm nền tảng", GS Tuấn nhấn mạnh.
Về phạm vi áp dụng, GS Tuấn cho rằng trong điều kiện ngân sách còn hạn chế như hiện nay, nếu thực hiện cần ưu tiên với các ngành như y tế công cộng, điều dưỡng và hộ sinh.
Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM được hướng dẫn thực tập tại bệnh viện
CẢI THIỆN THU NHẬP THAY VÌ MIỄN HỌC PHÍ
Từ góc nhìn người trong ngành, bác sĩ T.B.K (Bệnh viện Q.4, TP.HCM) ủng hộ việc miễn học phí với SV ngành y nhưng không phải tất cả các đối tượng.
Bác sĩ T.B.K đặt vấn đề: "Chúng ta đang nói là thiếu bác sĩ về số lượng và chất lượng. Vậy câu hỏi đặt ra là ngành nào thiếu, vì sao thiếu? Khi xác định được lực lượng đang thiếu, ví dụ y học gia đình và y tế cơ sở, thì xem xét miễn giảm học phí cho đối tượng này. Tất nhiên, miễn học phí kèm các điều kiện ràng buộc phải làm việc theo chuyên ngành yêu cầu".
Lý giải cho quan điểm không ủng hộ miễn giảm học phí đại trà cho tất cả các đối tượng, bác sĩ T.B.K nói: "Cùng học ngành y khoa nhưng ra trường bác sĩ làm chuyên ngành có thu nhập cao, ví dụ thẩm mỹ chẳng hạn, thì miễn học phí làm tăng gánh nặng ngân sách mà không giải quyết vấn đề bức thiết đặt ra".
Do đó, bác sĩ này kiến nghị: "Một người đi làm vì các yếu tố: thu nhập, môi trường làm việc và khả năng phát triển chuyên môn. Chiến lược về lâu dài nên chăng thay vì miễn giảm học phí thì cải thiện thu nhập cho ngành y tế. Thực tế có nhiều bác sĩ ra trường chấp nhận làm trái nghề vì thu nhập thực tế cao hơn. Việc bác sĩ ra trường làm trái ngành nghề là sự lãng phí rất lớn".
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI KHÓ KHĂN VAY TIỀN ĐI HỌC
Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH công lập đào tạo khối ngành sức khỏe nhìn nhận: "Trên thế giới, không có nơi nào miễn học phí cho SV ngành y, đặc biệt là ngành học có chi phí đào tạo rất lớn. Chi phí đào tạo lớn nhưng người học sẵn sàng đầu tư để sau khoảng chục năm khi ra trường, bác sĩ có thể sống một cách khá giả. Cùng với vị thế ngành nghề, thu nhập cao là một trong những lý do quan trọng khiến ngành y luôn có sức hút với người học".
Tuy nhiên, vị nguyên hiệu trưởng này cho rằng cách các trường ĐH trên thế giới đang làm là tạo điều kiện để người khó khăn có thể vay tiền đi học. SV có thể vay tiền đóng học phí một cách dễ dàng với lãi suất ưu đãi, ra trường đi làm trả nợ. Đó là chính sách cần được triển khai rộng hơn, thay vì miễn học phí, cấp sinh hoạt phí.
Nhiều chuyên ngành khối sức khỏe được miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí Theo luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2024, một số chuyên ngành khối sức khỏe sẽ được miễn 100% học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học. Cụ thể, Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước. Đồng thời, cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nêu trên nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân. Nghị định 81/2021 của Chính phủ cũng quy định các ngành miễn học phí cho SV bao gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác - Lênin, ngành lao, phong, tâm thần, pháp y tâm thần, giám định pháp y, giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước. |
Chính sách miễn học phí, cấp sinh hoạt phí với sinh viên sư phạm Đề xuất miễn học phí và cấp sinh hoạt phí không phải lần đầu tiên được đề cập với ngành y, dược. Trước đó, từ năm 2021, việc miễn học phí và cấp sinh hoạt phí cho SV khối ngành đào tạo giáo viên (ngành sư phạm) đã được triển khai. Theo Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV sư phạm, SV học ngành sư phạm nếu cam kết làm trong ngành giáo dục sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ học phí, đồng thời được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng từ ngân sách. Thời gian hỗ trợ được tính theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học. |
Theo Hà Ánh/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/co-nen-mien-hoc-phi-cap-sinh-hoat-phi-cho-sinh-vien-nganh-y-185241226225518924.htm