Thủ thuật quá nhẹ hoặc quá mạnh, vận động khớp sai kỹ thuật, xoa bóp trong các trường hợp chống chỉ định...là những sai lầm có thể dẫn đến thương tật hoặc tử vong cho người được xoa bóp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3) cho biết, xoa bóp là một nghệ thuật dùng tay tạo cảm giác dễ chịu và thoải mái cho cơ thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Phương pháp này có thể dùng trong bất kể hoàn cảnh nào và không bị lệ thuộc vào các dụng cụ, phương tiện khác.
"Chính vì yếu tố giản tiện này mà nhiều người hiểu lầm làm xoa bóp rất dễ, không cần học, ai cũng có thể làm xoa bóp được. Lạm dụng xoa bóp chẳng những sức khỏe không cải thiện, gây nên thương tật nhất thời hay vĩnh viễn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đôi khi tử vong", bác sĩ Vũ bày tỏ.
Cùng quan điểm, thạc sĩ - bác sĩ Calvin Q. Trịnh (Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng và hình thể HMR - Bệnh viện Phương Châu) cho biết, người thực hiện xoa bóp nếu không có chuyên môn kỹ thuật, dùng lực tác động mạnh sẽ gây ra tổn thương tại các đốt sống như di lệch, vỡ, chèn ép, chảy máu, phù nề dẫn đến tổn thương tủy sống. Đặc biệt, điều này càng nguy hiểm ở người có bệnh nền thoái hóa thân đốt sống, loãng xương..., một chấn thương cột sống nhẹ cũng có thể là nguyên nhân gây tổn thương tủy nặng.
Việc thực hiện xoa bóp không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể ẢNH: LÊ CẦM
Những sai lầm thường gặp trong xoa bóp gây hại cho sức khỏe
Theo bác sĩ Vũ, sai lầm khi xoa bóp trong phục hồi sức khỏe không đánh giá tình trạng sức khỏe cần phục hồi mà dàn trải hoặc cục bộ đều không có tác dụng, nhẹ quá hoặc mạnh quá đều không đạt yêu cầu.
Việc thực hiện thủ thuật xoa bóp không phù hợp, không đúng kỹ thuật, là những sai lầm gây hậu quả nặng nề nhất đối với sức khỏe. Vì thủ thuật xoa bóp rất đa dạng có các nhóm thủ thuật trên da (xát, xoa, miết, phân, hợp, véo...), nhóm thủ thuật trên cơ (day, đấm, chặt, lăn, bóp, vờn) và nhóm thủ thuật trên khớp (vận động khớp cổ, vận động khớp vai, vận động khớp khuỷu, vận động khớp cổ tay, vận động khớp háng, vận động khớp thắt lưng, xương cùng…).
"Cần chú ý những huyệt trên cơ thể cần thận trọng không làm nhanh mạnh đột ngột như huyệt bách hội, thái dương, đại chùy, mệnh môn... vì có thể gây chấn thương vùng đầu, cột sống, từ đó dẫn đến liệt và các vấn đề sức khỏe khác", bác sĩ Vũ lưu ý.
Nếu thực hiện thủ thuật quá nhẹ thì không đủ tác động lên vùng bị đau, nếu làm quá mạnh có thể gây dập cơ, đau và ê ẩm ẢNH: LÊ CẦM
Thời gian xoa bóp không đạt: Quá ngắn hoặc quá dài. Thời gian ngắn thì không đạt yêu cầu, thời gian xoa bóp quá lâu trong một liệu trình sẽ gây ức chế, làm cơ thể mệt mỏi
Xoa bóp trong các trường hợp chống chỉ định: Xoa bóp khi có huyết khối tĩnh mạch chi dưới, đau bụng do đau ruột thừa, vừa bị bong gân xong, xoa bóp vùng đầu trong cơn tăng huyết áp; xoa bóp cho phụ nữ có thai, người cao tuổi, lao xương, ung thư xương mà xoa bóp mạnh có thể gây gãy xương, người uống nhiều rượu bia...
Môi trường thực hiện xoa bóp chưa phù hợp: Thiếu kiến thức chuyên môn, vệ sinh kém. Nơi thực hiện xoa bóp không sạch sẽ, quá lạnh hoặc quá nóng, người làm xoa bóp không vệ sinh tay kỹ, có bệnh ngoài da, chưa đánh giá đúng các bệnh lý đi kèm tiềm ẩn nhiêu rủi ro, gây hậu quả khó lường cho sức khỏe…
Theo bác sĩ Vũ, xoa bóp rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên người xoa bóp nên được đào tạo bài bản lý thuyết và thực hành, có chứng chỉ đào tạo xoa bóp ở những cơ sở được nhà nước cho phép.
"Người được xoa bóp phải quý trọng sức khỏe của mình nên đến những nơi có uy tín, có giấy phép hành nghề chứ không nên tự ý xoa bóp cho mình hoặc nhờ người khác không có chuyên môn xoa bóp hoặc tin vào những lời đồn thổi vô căn cứ làm theo mà ảnh hưởng đến sức khỏe, có khi gây thương tật suốt đời hoặc thậm chí tử vong", bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Theo Lê Cầm/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/vi-sao-xoa-bop-co-the-gay-tu-vong-can-luu-y-nhung-gi-185241209150121265.htm