11
/
173335
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về số lượng du học sinh đi học nước ngoài
viet-nam-dung-thu-3-the-gioi-ve-so-luong-du-hoc-sinh-di-hoc-nuoc-ngoai
news

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về số lượng du học sinh đi học nước ngoài

Thứ 5, 05/12/2024 | 15:34:00
1,967 lượt xem

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về số lượng du học sinh ra nước ngoài học tập, trong khi đó chỉ thu hút gần 10.000 sinh viên quốc tế theo học.

Theo bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc chương trình giáo dục Hội đồng Anh, Việt Nam hiện là quốc gia có lượng du học sinh ra nước ngoài học tập lớn thứ 3 thế giới

Thông tin được chia sẻ trong hội thảo khoa học về thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và làm việc tại TP.HCM diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sáng nay (5.12).

Chỉ 5 trường ĐH Việt Nam có khả năng thu hút sinh viên quốc tế

Tại hội thảo, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc chương trình giáo dục Hội đồng Anh, có bài chia sẻ về chủ để làm sao biến TP.HCM thành trung tâm giáo dục mới. Đại diện Hội đồng Anh đã chia sẻ báo cáo phân tích thực nghiệm từ 123 trường ĐH toàn Việt Nam về vấn đề này và đánh giá từ 150 sinh viên quốc tế để hiểu suy nghĩ của họ khi tới Việt Nam học tập.

Bà Hoàng Vân Anh dẫn số liệu cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia có lượng du học sinh ra nước ngoài học tập lớn thứ 3 thế giới, tương đương 139.000 người. Trong khi đó, Việt Nam chỉ thu hút gần 10.000 sinh viên quốc tế theo học. Như vậy, theo bà Vân Anh, Việt Nam đang mất đi gần 129.000 tài năng ra các quốc gia khác.

"Việc các bạn đi tìm cơ hội học tập ở nước ngoài là rất tốt. Nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt Việt Nam trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư thế giới, thì việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực tại Việt Nam trở thành yếu tố quan trọng", đại diện Hội đồng Anh nhìn nhận.

Bà Vân Anh cũng chia sẻ thêm báo cáo kết quả khảo sát từ 150 sinh viên quốc tế đang học tập tại Việt Nam. Khảo sát này thực hiện với sinh viên đến từ nhiều quốc gia như: Lào, Campuchia, Anh, Mỹ, Pháp và các nước trong khu vực. Đáng chú ý, chỉ 43% sinh viên học tập dài hạn, số còn lại học chương trình ngắn hạn. Đáng chú ý, số sinh viên này chỉ tập trung trong 5 trường ĐH trên tổng số 123 trường được khảo sát. "Điều này cho thấy chỉ một số trường ĐH của Việt Nam có khả năng thu hút sinh viên quốc tế. Câu hỏi đặt ra rằng các trường ĐH muốn thu hút sinh viên nước ngoài thì cần xem lại chính sách, chiến lược quốc tế hóa của trường mình", bà Vân Anh ý kiến.

Cũng tại hội thảo, PGS-TS Lại Quốc Đạt, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết từ năm 2013 Việt Nam đã có nghị quyết thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập. Đến nay, thống kê cả nước có xấp xỉ 22.000 sinh viên quốc tế đến học tập và trung bình mỗi cơ sở giáo dục ĐH có từ 33-34 sinh viên quốc tế theo học. Trong đó, chủ yếu đến học về ngôn ngữ, văn hóa và theo học bậc ĐH.

"Nếu theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH đến năm 2020, Việt Nam kỳ vọng đạt 3%, tương đương 66.000 sinh viên nước ngoài đến học tập, thì con số thực tế mới chỉ đạt khoảng 30%", PGS-TS Lại Quốc Đạt nhấn mạnh.

Riêng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS Lại Quốc Đạt cho biết đến năm 2023 trường thu hút 160 sinh viên quốc tế theo học. Con số này chưa được 1% trên tổng quy mô sinh viên của trường nhưng so với trung bình khảo sát của Việt Nam thì đang cao hơn gấp đôi.

Theo đại diện trường ĐH này, việc thu hút được số lượng sinh viên quốc tế trên nhờ vào chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, đào tạo song bằng vừa dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh. "Quan trọng là chương trình đào tạo được công nhận trên toàn thế giới và xây dựng hệ sinh thái tiếng Anh trong toàn trường", PGS Đạt chia sẻ.

PGS-TS Lại Quốc Đạt, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ tại hội thảo về việc thu hút sinh viên quốc tế

Các giải pháp để Việt Nam trở thành điểm đến của sinh viên quốc tế

Khi tập hợp số liệu dịch chuyển của sinh viên quốc tế, bà Hoàng Vân Anh cho biết Singapore và Malaysia đang trở thành các quốc gia có sự dịch chuyển từ việc gửi du học sinh đi học ở nước ngoài, thành quốc gia thu hút sinh viên đến học tập. Đồng thời, ngay trong các nước khác của khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều sự dịch chuyển giữa sinh viên các nước. Từ đó, bà Vân Anh cho rằng, có thể thấy được khả năng phát triển thành trung tâm giáo dục quốc tế ngay tại Việt Nam, để không chỉ giữ được sinh viên học tập trong nước mà còn thu hút sinh viên quốc tế đến học tập.

Gợi ý về mặt vĩ mô, đại diện Hội đồng Anh cho rằng cần có các chính sách để Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục quốc tế. Cụ thể là tạo môi trường thúc đẩy sự giao lưu sinh viên quốc tế, trong đó có chính sách thu hút sinh viên quốc tế, cấp học bổng, nâng cao chất lượng giảng viên và chương trình đào tạo, sự công nhận bằng cấp… Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút sự đầu tư về giáo dục.

Về giải pháp cho việc quốc tế hóa giáo dục tại chỗ cho TP.HCM, PGS-TS Lại Quốc Đạt cho rằng điều này phụ thuộc vào vai trò của trường ĐH và vai trò của UBND TP.HCM. Trong nhiều giải pháp đưa ra, PGS Đạt cho rằng cách ngắn và trực tiếp nhất để thu hút sinh viên tới học là cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài. "Nguồn học bổng có thể từ ngân sách thành phố, từ cộng đồng nghề nghiệp của thành phố tài trợ học bổng cho sinh viên quốc tế", ông Đạt ý kiến thêm.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/viet-nam-dung-thu-3-the-gioi-ve-so-luong-du-hoc-sinh-di-hoc-nuoc-ngoai-185241205104354628.htm

  • Từ khóa

Đồng bộ đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự kế thừa nội dung của các quy chế đã triển khai thuận lợi, ổn định qua các năm nhưng vẫn có nhiều điểm mới.
15:35 - 26/12/2024
77 lượt xem

Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học

Bộ KH-CN đang xây dựng dự thảo luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng giúp cho thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học được đơn giản...
10:38 - 26/12/2024
214 lượt xem

Thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT: Có hẹp cửa vào đại học?

Những quy định mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có thể khiến cơ hội xét tuyển vào đại học hẹp hơn trước.
09:30 - 26/12/2024
227 lượt xem

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ về đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Điểm mới về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ.
07:15 - 26/12/2024
280 lượt xem

Thay đổi tiêu chuẩn CSVC trường học: Gỡ khó cho trường đông học sinh

Tại thông tư mới, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường mầm non, phổ thông được thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý, GD HS
16:16 - 25/12/2024
682 lượt xem