Vừa qua, tại hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung bộ luật Tố tụng dân sự 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử, một lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết, năm 2023, chỉ riêng án dân sự đã có tới hơn 8.000 án bị hủy, sửa dẫn đến vụ án kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý.
Điển hình là TAND tối cao hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu xét xử trở lại lần 2 vụ ông Liên Khui Thìn (71 tuổi) kiện đòi lại 50% vốn góp tại Công ty Tây Sơn suốt 6 năm qua.
Ông Liên Khui Thìn ẢNH: NGÂN NGA
Từ thắng kiện thành thua kiện
Đầu năm 2024, TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án tòa này, hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM và phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM về vụ "tranh chấp quyền sở hữu phần vốn góp trong công ty TNHH" giữa ông Liên Khui Thìn với bị đơn là ông Phạm Minh Đạo và ông Phạm Nguyễn Minh Đức. Theo đó, tòa tối cao giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Đây là vụ án mà ông Liên Khui Thìn từ thắng kiện đến thua kiện trong vụ đòi 50% tài sản góp vốn gần 30 năm trước. Hiện TAND TP.HCM đang trong quá trình giải quyết lại vụ án.
Chia sẻ với PV Thanh Niên về vụ án đã kéo dài suốt 6 năm qua, ông Thìn nói: "Tôi xác định là phải kiên trì đeo đuổi chứ không có cách nào khác, mong muốn vụ án sớm khép lại".
Theo hồ sơ vụ án, năm 1996, ông Liên Khui Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai mỗi bên cùng góp vốn 50%, tương đương với vốn điều lệ 3 tỉ đồng, để thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại Tây Sơn (Công ty Tây Sơn) kinh doanh đa ngành nghề. Trong đó, ông Thìn làm chủ tịch HĐTV, bà Mai làm giám đốc.
Một năm sau, ông Thìn bị bắt trong đại án Epco - Minh Phụng với cáo buộc chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của các ngân hàng. Ông bị tuyên án tử hình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN. Sau đó, ông Thìn được Chủ tịch nước ân giảm từ tử hình xuống tù chung thân. Hơn 10 năm sau, tức năm 2009, ông tiếp tục được giảm án rồi được đặc xá do cải tạo tốt và đã nộp tiền phải thi hành án hơn 500 tỉ đồng.
Sau khi ra tù, ông Liên Khui Thìn cho rằng trong thời gian ông đang thụ án tù, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn và tài sản của công ty cho chồng (Phạm Minh Đạo), con (Phạm Nguyễn Minh Đức) và em trai mà không hỏi ý kiến của ông. Vì thế, ông Thìn khởi kiện chồng con bà Mai ra TAND TP.HCM để yêu cầu tuyên phục hồi quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình trong Công ty Tây Sơn. Đồng thời, ông đề nghị tòa tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng vốn góp, hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) từ lần 1 đến lần 8 của công ty này.
Phía bị đơn không đồng ý với yêu cầu trên vì cho rằng đã làm đúng quy định của pháp luật, việc nhận chuyển nhượng phần vốn của bà Mai đã xin ý kiến các cơ quan chức năng và được đồng ý.
Năm 2020, xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của ông Thìn. Lý do, bà Mai chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho ông Minh mà không hỏi ý kiến của ông Thìn và giảm vốn điều lệ, thay đổi thành viên công ty mà không có quyết định của hội đồng thành viên là vi phạm luật DN...
Bản án này sau đó bị phía bị đơn kháng cáo.
Giữa năm 2022, xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo của ông Đạo và ông Đức, tuyên bác đơn khởi kiện của ông Thìn.
Hủy vì chưa đủ căn cứ để tuyên thắng hoặc thua kiện
Không đồng tình với bản án phúc thẩm nên ông Thìn đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Đến năm 2023, Chánh án TAND tối cao ra quyết định kháng nghị vụ án trên.
Sau đó, TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị và đã chỉ ra nhiều vấn đề cần phải được làm rõ.
Thứ nhất, ông Thìn khởi kiện yêu cầu hủy các giấy chứng nhận đăng ký DN thay đổi từ lần thứ 1 đến lần thứ 8 của Công ty Tây Sơn. Thế nhưng 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm không đưa công ty này vào vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là xác định thiếu người tham gia tố tụng.
Thứ hai, ông Thìn cho rằng việc đăng ký thay đổi này không có sự đồng ý của ông mà chỉ có một mình bà Mai thực hiện. Hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ về việc ông Thìn chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho bà Mai, hay việc Công ty Tây Sơn mua lại toàn bộ phần vốn góp của ông Thìn, cũng như về việc giảm vốn điều lệ của công ty theo khoản 3 điều 43 luật DN năm 1999.
Thứ ba, trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng ông Thìn không còn là thành viên công ty kể từ tháng 9.2000, xuất phát từ Công văn 123 năm 2000 của TAND TP.HCM.
Công văn 123 có nội dung: "Theo bản án hình sự sơ thẩm năm 1999 của TAND TP.HCM thì mọi tài sản của Liên Khui Thìn (và của nhóm Công ty Epco) đã được thu hồi và giao cho cơ quan chức năng bảo đảm thi hành án".
Tuy nhiên, bộ luật Tố tụng hình sự 1988 không có quy định về giải thích, đính chính, sửa chữa bản án. Đồng thời, công văn này không phải là văn bản giải thích, sửa chữa bản án của tòa án theo quy định tại điều 365 bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Do đó, đây không phải là căn cứ để xác định ông Thìn không còn phần vốn góp ở Công ty Tây Sơn như tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và kết luận là có căn cứ…
Thứ tư, hai cấp tòa không xem xét, đánh giá quy định của pháp luật về tư cách thành viên công ty TNHH trong trường hợp thành viên công ty là người quản lý DN đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù, thì có mất quyền sở hữu phần vốn góp hay không, có mất tư cách thành viên…
"Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn, còn tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thìn, đều chưa đủ căn cứ pháp luật", quyết định giám đốc thẩm nhận định.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, cho biết việc vụ án bị hủy để quay lại một vòng tố tụng là điều mà không ai mong muốn. Trong vụ án của ông Liên Khui Thìn, quyết định giám đốc thẩm đã nêu ra những bất cập của bản án sơ thẩm và phúc thẩm là có căn cứ. Bản chất vụ kiện là ông Thìn góp 50% vốn điều lệ mà ông đã bị "mất" khi ra tù. Vậy việc "mất" 50% vốn góp, ai là người chiếm giữ, ai là người đã lấy? "Giám đốc thẩm đã chỉ ra phần vốn góp mà cả 2 cấp tòa chưa giải quyết thỏa đáng. Việc góp 50% vốn của ông Thìn tại Công ty Tây Sơn chỉ không còn khi ông Thìn chuyển nhượng cho người khác, hoặc phần này bị cơ quan có thẩm quyền tịch thu", LS Hoan phân tích. Mặc dù Công văn 123 của TAND TP.HCM cho rằng ông Thìn có góp vốn 1,5 tỉ đồng nhưng sau đó lại dùng số tiền này để mua một lô đất và đã bị tịch thu trong vụ án hình sự. Nếu bản án hình sự tịch thu phần tài sản của ông Thìn 1,5 tỉ đồng góp vốn trong Công ty Tây Sơn thì cũng chưa chắc là phần vốn góp 50% của ông Thìn đã hết. Bởi theo LS Hoan, giá trị vốn góp 50% và 50% giá trị DN thời điểm bị tịch thu lô đất chưa chắc đã bằng nhau, hoặc dư hoặc thiếu. "Để hạn chế tình trạng án bị hủy, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, theo tôi cần nâng cao trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, để vụ án phải được xem xét một cách toàn diện, khách quan và triệt để", LS Hoan nói. |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/kho-vi-an-dan-su-bi-huy-sua-18524091723382357.htm