Mỹ cho rằng Nga phóng vệ tinh COSMOS 2576 có khả năng tấn công các vệ tinh khác, trong khi giới quan sát cho rằng vệ tinh này đi vào cùng quỹ đạo với một vệ tinh do thám của Mỹ.
Một tên lửa Soyuz-2.1b của Nga đưa vệ tinh lên không gian hồi tháng 2 REUTERS
Hãng Reuters ngày 22.5 dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Tư lệnh không gian Mỹ cho rằng tuần trước Nga phóng một vệ tinh mà giới tình báo Mỹ cho là vũ khí có thể kiểm tra và tấn công các vệ tinh khác.
Tên lửa Soyuz của Nga hôm 16.5 đã phóng lên tại bãi phóng Plesetsk cách Moscow khoảng 805 km, đưa lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất ít nhất 9 vệ tinh, trong đó có COSMOS 2576, một loại vệ tinh quan sát quân sự của Nga mà các quan chức Mỹ từ lâu đã lên án là có hành vi liều lĩnh trong không gian.
"Chúng tôi đã quan sát hoạt động và đánh giá nó có khả năng là một loại vũ khí phản không gian có thể tấn công các vệ tinh khác trên quỹ đạo trái đất tầm thấp. Nga đã triển khai vũ khí phản không gian mới này vào cùng quỹ đạo với vệ tinh của chính phủ Mỹ", theo phát ngôn viên Bộ Tư lệnh không gian Mỹ.
COSMOS 2576 chưa tiếp cận một vệ tinh nào của Mỹ, nhưng những chuyên gia quan sát nó cho rằng vệ tinh Nga đi vào cùng quỹ đạo với vệ tinh USA 314 của Mỹ phóng lên hồi tháng 4.2021. USA 314 là vệ tinh của Văn phòng Do thám quốc gia Mỹ, có kích thước cỡ một chiếc xe buýt.
Phía Mỹ cho rằng COSMOS 2576 giống với các trường hợp trước đây vào năm 2019 và 2022, khi Mỹ cho rằng Nga triển khai các vệ tinh gần các vệ tinh do thám nhạy cảm của Mỹ.
Nga chưa lập tức đưa ra bình luận về thông tin trên.
Thông tin được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 20.5 vẫn chưa thông qua được một dự thảo nghị quyết nhằm chống lại hoạt động quân sự trong không gian.
Dự thảo nghị quyết mới nhất do Nga đề xuất kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện những biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn vĩnh viễn việc bố trí vũ khí trong không gian nằm giữa các thiên thể và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong không gian đó.
Dự thảo nghị quyết đã nhận được 7 phiếu ủng hộ, trong đó có phiếu từ Trung Quốc, và 7 phiếu chống, bao gồm phiếu từ Mỹ, Anh và Pháp, trong khi Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng.
Dự thảo nghị quyết của Nga được đưa ra theo sau dự thảo nghị quyết do Mỹ và Nhật Bản đề xuất vào cuối tháng 4, nhận được 13 phiếu ủng hộ nhưng bị Nga phủ quyết, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Văn bản của Mỹ kêu gọi "tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có khả năng lớn về vũ trụ, đóng góp tích cực vào mục tiêu sử dụng không gian nằm giữa các thiên thể một cách hòa bình và ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian nằm giữa các thiên thể".
Các đề xuất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cần 9 phiếu ủng hộ để được thông qua và không có sự phản đối nào từ 5 thành viên có quyền phủ quyết.
Theo Khánh An/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/my-to-nga-phong-ve-tinh-co-the-tan-cong-cac-ve-tinh-khac-tren-quy-dao-185240522064505286.htm