Ngày 8/6, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP HCM, trong đó Phòng Cảnh sát hình sự giữ vai trò chủ công tiếp tục truy xét các đối tượng tham gia gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, khiến dư luận xôn xao và quan tâm những ngày qua.
Qua vụ việc này cho thấy, công tác quản lý địa bàn, đối tượng của Công an, UBND các cấp cần có chiều sâu, hiệu quả hơn nữa để kịp thời ngăn chặn những hậu quả xảy ra…
Ngày 8/6, PV Báo CAND quay lại quán Ốc Hương nằm trên đường số 6, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM - nơi 200 đối tượng mặc áo cam, cầm hung khí, cây ba chỉa đến đập phá, đánh khách bị thương tối 5/6.
Sau vụ việc, quán đã được đóng kín bằng hàng rào lưới B40, bên trong có vài người canh chừng quán, đang nằm võng. Được hỏi, những người này cho biết, sau khi nhóm đối tượng đến quậy phá quán, quán vắng khách hẳn.
Khi nghe chúng tôi hỏi xin số điện thoại để liên lạc với chủ quán N.V.Q (SN 1993, quê quán Đồng Tháp, ngụ Bình Tân) nhưng người giữ quán cho biết, nhiều ngày nay, nhiều phóng viên, nhà báo tìm, muốn gặp để hỏi chuyện. Nhưng do mệt mỏi vì bị nhóm người áo cam quấy phá, làm ăn không được, nên anh Q cũng từ chối tiếp chuyện.
Quan sát xung quanh tuyến đường nơi quán Ốc Hương hoạt động, chúng tôi ghi nhận, một chốt dân phòng của Công an phường An Lạc A được đặt cách đó 200m nhưng không thấy có dân phòng nào trực bên trong.
Một số đối tượng quậy phá bị bắt giữ.
Chị H, nhà gần quán Ốc Hương, nhớ lại: “Nhóm người này kéo đến dựng xe đứng kín cả một đoạn đường trước quán Ốc Hương. Họ la hét rồi xông vào đánh một người đang đứng quay bê thui.
Tiếp sau đó, hàng chục thanh niên cũng mặc áo màu cam, cầm cây chỉa xông vào quán đập phá. Hồi nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng như trên, chỉ nghĩ có trên phim ảnh thôi”, chị H cho biết.
Lo sợ tài sản của mình cũng bị số người mặc áo cam vô cớ đập phá, sợ các con mình bị vạ lây nên chị H đóng cửa nhà lại, vào vị trí an toàn ngó ra đường.
Một số hàng quán quanh đây cũng đóng cửa vì sợ nhóm người này tràn vào. Nhóm người này ra tay đập phá rất nhanh nên khi lực lượng Công an có mặt thì nhóm người này đã nhanh chóng rời đi!
Ông K chủ một quán ăn trên đường này đến giờ vẫn thắc mắc không biết chủ quán có mâu thuẫn gì với băng nhóm áo cam này, hay có “quan hệ” gì với giang hồ hay không.
Chỉ biết sau khi vụ việc xảy ra, Q có than thở với ông và một số người xung quanh rằng “tự dưng gặp tai bay vạ gió”. Q kể lại với ông K rằng anh không mâu thuẫn với ai, cũng chẳng biết nhóm này là ai, họ tìm ai để trả thù mà lại chọn quán của mình gây chuyện.
Hôm xảy ra vụ việc, có gần 10 bàn khách đang ăn uống. Khi thấy bỗng dưng có quá đông giang hồ xông vào, khách sợ quá bỏ chạy, không ai tính tiền khiến quán của Q bị thiệt hại nặng.
Theo một số người dân ở đây, anh em Q từ Đồng Tháp lên TP HCM bán ốc ở vỉa hè từ 4h chiều hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Sau một thời gian làm ăn được nên thuê mặt bằng mở quán.
Mới bán được vài tháng thì xảy ra chuyện. Về việc Q có liên quan gì đến người tên T.“b” hay không mọi người không chắc vì không thấy Q giao du gì với giang hồ.
Sau vụ việc, dư luận tại TP HCM cũng nhận thấy rằng, việc huy động hàng trăm người tham gia vụ việc phải có kế hoạch từ trước. Các kế hoạch này khi manh nha, Cảnh sát khu vực, trinh sát hình sự địa bàn chắc chắn ít nhiều cũng nhận ra dấu hiệu có liên quan.
Nếu kịp có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, chắc chắn nhóm người như vậy sẽ không có điều kiện ngang nhiên thách thức pháp luật, gây mất ANTT địa bàn, gây hoang mang cho người dân giữa ban ngày ban mặt như thế.
“Đối tượng phải đủ mạnh, phải có “số má” mới kêu gọi, tụ tập được cùng lúc 200 người cùng tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng nghĩ nhiều về một băng nhóm có tổ chức. Ngay khi vụ này xảy ra, chúng tôi mong rằng, thành phố cần tập trung để xây dựng một thành phố bình yên trước khi có một… thành phố thông minh”, một người dân nói với PV Báo CAND.
Hung khí thu được từ các đối tượng.
Ngày 8-6, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM cho biết vẫn đang tung các mũi trinh sát phối hợp cùng Công an quận Bình Tân và các đơn vị khác truy xét các đối tượng trong nhóm 200 người gây rối trên.
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự cũng đã khởi tố vụ án về 3 nhóm hành vi “Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Bước đầu 15 đối tượng bị tạm giữ hình sự.
Một trinh sát cho biết, qua vụ việc “băng côn đồ áo cam”, nhiều người nghĩ rằng đó là một băng nhóm giang hồ hoạt động tội phạm có tổ chức nhưng từ thực tiễn cho thấy, đây có thể là một băng nhóm côn đồ với quy mô lớn. Thực tế, băng nhóm này được tập hợp ra sao, nguyên nhân dẫn đến gây án là vấn đề đang được Công an TP HCM tiến hành làm rõ.
Để đối phó với các băng nhóm côn đồ không khó, nhưng để lần ra các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đòi hỏi cơ quan Công an phải nắm chắc địa bàn, đối tượng…
Và cũng từ thực tiễn mà nói, các băng nhóm côn đồ gây án thường diễn ra bột phát nhất thời, chóng vánh nên đã gây không ít khó khăn cho cơ quan Công an trong việc ngăn chặn từ khi mới manh nha.
Điều này cũng đã được Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM nêu ra trong buổi họp báo chiều 7-6. Nếu như cơ quan Công an không kịp thời ngăn chặn, giải tán băng nhóm côn đồ còn lại thì có lẽ cuộc đụng độ sẽ gây nhiều đổ máu.
Một trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự còn cho biết, việc các băng nhóm côn đồ gây án xuất phát từ mâu thuẫn nhất thời, không có dự mưu trong thời gian dài nên cơ quan Công an đã trở tay không kịp. Còn đối với các băng nhóm tội phạm có tổ chức mâu thuẫn với nhau trong làm ăn, tranh giành “lãnh địa”… thường đã âm ỉ từ trước nên nếu sâu sát, các trinh sát bám sát địa bàn có thể phát hiện và ngăn chặn.
Như trong vụ hai băng nhóm tội phạm có tổ chức hẹn nhau “huyết chiến” tại ngã tư An Sương, giáp ranh giữa quận 12 và huyện Hóc Môn trước đây. Một băng tội phạm đến từ Hải Phòng khiêu chiến bằng “hàng nóng” với một băng giang hồ tại TP HCM.
Nhằm ngăn chặn vụ thanh toán, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp cùng Công an địa phương tổ chức tuần tra, chốt chặn nên cả 2 nhóm không dám lộ diện. Tiếp tục lặng lẽ đeo bám các đối tượng này, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ một số đối tượng trong băng nhóm Hải Phòng, thu giữ 1 khẩu súng rulo tự chế, 1 quả lựu đạn, 7 mã tấu, 15 ống tuýp sắt…
Từ vụ việc băng nhóm côn đồ áo cam cho thấy rằng, công tác quản lý đối tượng, địa bàn cần đi vào chiều sâu một cách thật sự. Đó là không chỉ “để ý” đến các đối tượng có nguy cơ phạm tội, mà cần phải chú ý đến các đối tượng côn đồ, bị ảnh hưởng bởi lối sống bạo lực tiêm nhiễm từ phim ảnh đầy rẫy trên mạng xã hội.
Nhất là việc kết bè, kết phái hình thành các nhóm kín trên mạng xã hội để kêu gọi giải quyết mâu thuẫn, đánh dằn mặt đối thủ xảy ra khá nhiều trong thời gian vừa qua.
Điều đáng nói hơn là độ tuổi trẻ người non dạ, các đối tượng tham gia gây án chủ yếu là bị lôi kéo, “ham vui” và muốn thể hiện “bản lĩnh” của mình với bạn bè cùng trang lứa, chứ không phải xuất phát từ tư thù hay vụ lợi vật chất.
Do vậy, ngoài biện pháp mạnh của ngành Công an, rất cần có sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể và gia đình trong việc cảm hóa, giáo dục trẻ hư để không tham gia vào các băng nhóm côn đồ vốn là con đường ngắn nhất trở thành những tên tội phạm trong tương lai.
Theo Công an nhân dân
http://cand.com.vn/Phap-luat/Can-siet-chat-cong-tac-quan-ly-dia-ban-doi-tuong-598274/