Ngày 9/6, thông tin từ VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết, đã ban hành cáo trạng truy tố 25 bị cáo trong đường dây gỗ lậu của Phan Hữu Phượng, tức Phương “râu”. Hàng loạt cán bộ kiểm lâm của hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông có liên quan đến đường dây phi pháp này.
>>Trạm trưởng trạm kiểm lâm nhận tiền hối lộ của trùm gỗ lậu Phượng "râu"
>>Ông trùm Phượng "râu" đổi đời như thế nào?
>>Vụ trùm gỗ Phượng “râu”: Đình chỉ 4 cán bộ đồn Biên phòng Đắk Lắk
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Nông, Phan Hữu Phượng (SN 1968, trú tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Thành Kiệt (SN 1966, trú tại TP Cần Thơ), Nguyễn Hoàng Trang (SN 1982, trú tỉnh Khánh Hòa) bị truy tố tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" và tội "Đưa hối lộ".
Bị can Phan Hữu Quyền, Lê Văn Chinh, Phạm Trung Kiên, Phạm Văn Tuyển, Trần Văn Thảo, Nguyễn Văn Thuy, Trần Đức Huân, Đặng Tiến Trường, Hồ Trọng Dũng, Trần Lưu Lân, Dương Quốc Bảo, Ngô Hùng Vương, Nguyễn Dũng, Hùynh Nguyện, Nguyễn Văn Lợi bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".
Trùm gỗ lậu Phượng "râu" cầm đầu đường dây phạm pháp
Bị can Lê Quang Thái (SN 1969, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, Nguyễn Lợi (SN 1971, cán bộ Công ty lâm nghiệp Đắk Wil, Đắk Nông), Nguyễn Tấn Bình (SN 1983, cán bộ Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn), Bùi Đăng Hiệp (SN 1983, cán bộ Công ty lâm nghiệp Đắk Wil), Phạm Văn Hồng (SN 1987, cán bộ Công ty lâm nghiệp Đắk Wil) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".
Bùi Văn Khang (SN 1964, công tác tại HKL huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), Hà Thăng Long (SN 1981, công tác tại HKL huyện Buôn Đôn) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"
Theo nội dung bản cáo trạng, ngày 25/10/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định về việc phê duyệt phương án xử lý đối với gỗ trôi dạt, vùi lấp dưới lòng suối Đắk Đam do Vườn Quốc gia Yók Đôn trục vớt, với khối lượng 640,022 m3 gỗ các loại từ nhóm II đến nhóm VI . Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện bán đấu giá theo quy định.
Nắm được thông tin này, Phượng và Công ty Thảo Trúc do Nguyễn Thành Kiệt làm giám đốc, đã làm hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá tài sản và trúng đấu giá lô gỗ trục vớt nói trên.
Ngày 23/1/2017, Phượng ký hợp đồng mua 61,381 m3 gỗ xẻ các loại từ nhóm II đến nhóm VI với số tiền là 294 triệu đồng, Kiệt ký hợp đồng mua 579,241 m3 gỗ tròn các loại từ nhóm II đến nhóm VI với số tiền là hơn 2,4 tỉ đồng với Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk.
Sau đó, Phượng và Kiệt bàn bạc với nhau lợi dụng việc vận chuyển gỗ mua đấu giá để tổ chức khai thác và mua thêm gỗ bất hợp pháp tại khu vực Vườn quốc gia Yók Đôn vận chuyển cùng với gỗ trúng đấu giá về huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) để tiêu thụ.
Hàng trăm mét khối gỗ lậu được đưa ra khỏi rừng trái phép
Ngày 8/3/2017, Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có công văn chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn phối hợp với Vườn quốc gia Yók Đôn và Đồn biên phòng 747 đóng dấu búa kiểm lâm đối với lô gỗ mà Kiệt và Phượng mua trúng đấu giá. Biết được tin này, Kiệt và Phượng giao cho Trang liên hệ với Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) để được đóng dấu búa kiểm lâm lô gỗ mua đấu giá.
Theo đó, Trang đến gặp Bùi Văn Khang – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn thì được Khang đồng ý cho tổ chức đóng dấu búa kiểm lâm toàn bộ lô gỗ trúng đấu giá vào ngày 29/3/2017.
Cả triệu mét khối gỗ lậu được kiểm lâm “tiếp tay” đưa ra khỏi rừng
Sau khi hoàn thành việc đóng búa, ngày 31/3/2017, Kiệt và Phượng đưa cho Trang số tiền 120 triệu đồng để Trang đến bồi dưỡng cho Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn. Nghiệm thu đóng búa xong, Phượng và Kiệt tổ chức vận chuyển gỗ, đồng thời tổ chức việc thu mua, khai thác gỗ trái phép tại Vườn Quốc gia Yók Đôn.
Để việc khai thác, mua bán gỗ trái phép được thuận lợi, Phượng giao cho em trai là Phan Hữu Quyền (SN 1975) và Lê Văn Chinh (SN 1969, trú tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút) trực tiếp chỉ đạo việc khai thác và mua bán gỗ bất hợp pháp trong khu vực Vườn quốc gia Yók Đôn.
Theo đó, từ tháng 4/2017 đến 27/4/2018, các đối tượng đã khai thác trái phép 43 cây gỗ các loại trong lâm phần do Vườn quốc gia Yók Đôn quản lý. Đồng thời, các đối tượng còn tổ chức thu mua gỗ bất hợp pháp của những đối tượng khác ở khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia.
Gỗ tang vật liên quan đến trùm gỗ lậu Phượng "râu"
Gỗ sau khi khai thác, thu mua được các đối tượng tập kết trong khu vực biên giới. Khi có xe ô tô tải của Phượng vào, các đối tượng cùng nhau kéo về bãi gỗ gần lán trại để vận chuyển về huyện Cư Jút tiêu thụ.
Quá trình thực hiện, Kiệt và Phượng giao cho Trang mở sổ theo dõi, ghi chép khối lượng, chi phí khai thác, vận chuyển, tiền chung chi cho các cá nhân trong các cơ quan, đơn vị có liên quan, lập các bảng kê lâm sản để Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn xác nhận và áp tải xe vận chuyển gỗ từ Vườn quốc gia Yók Đôn về huyện Cư Jút.
Căn cứ sổ ghi chép và dữ liệu trong máy tính của Trang cho thấy, trong khoảng thời gian từ 10/4/2017 đến 27/4/2018, Phượng và Kiệt đã vận chuyển gần 1,5 triệu m3 gỗ các loại. Trong đó, gỗ bất hợp pháp là 918,128 m3.
Đến ngày 27/4/2018, khi đang chở gỗ bất hợp pháp của Phượng về kho xưởng ở huyện Cư Jút thì bị Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp bắt quả tang với tang vật là 44,905 m3 gỗ các loại từ nhóm IIA đến nhóm V không có giấy tờ hợp pháp.
Tiến hành kiểm tra, khám xét các kho bãi trên địa bàn huyện Cư Jút, các cơ quan chức năng còn thu giữ hơn 534 m3 gỗ bất hợp pháp. Như vậy, tổng khối lượng gỗ bất hợp pháp thu giữ được là hơn 632,005 m3, với giá trị hơn 3,1 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng, để vận chuyển gỗ bất hợp pháp từ Vườn quốc gia Yók Đôn về huyện Cư Jút, không bị kiểm soát, kiểm tra, phát hiện thu giữ, Phượng và Kiệt giao cho Trang gặp và đưa hối lộ cho nhiều cán bộ với tổng số tiền 282,5 triệu đồng.
Đối với hành vi của Khang nhận số tiền 120 triệu đồng và Long nhận 35 triệu đồng của Kiệt, Phượng và Trang cơ quan điều tra không xử lý hình sự, đề nghị tịch thu số tiền này.
Theo Dương Phong/Dân trí