TAND tỉnh Hòa Bình hoãn phiên xử phúc thẩm bị cáo Hoàng Công Lương liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người chết do luật sư bào chữa cho bị cáo này vắng mặt.
Sáng 13/5, TAND tỉnh Hòa Bình đưa ra xét xử phúc thẩm bị cáo Hoàng Công Lương và 4 bị cáo khác liên quan đến sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận thiệt mạng.
Tuy nhiên, do luật sư Hoàng Văn Hướng - người bào chữa duy nhất cho bị cáo Hoàng Công Lương vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa nên VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị HĐXX hoãn phiên xét xử. Bị cáo Hoàng Công Lương cũng đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa.
Sau khi hội ý, chủ tọa phiên toà quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm. Phiên tòa sẽ được mở lại sáng 12/6.
Trong phiên toà sơ thẩm, bị cáo Hoàng Công Lương có 9 luật sư bào chữa. Tuy nhiên, trước phiên phúc thẩm, bị cáo Lương chỉ đề nghị ông Hoàng Văn Hướng bào chữa.
Bị cáo Hoàng Công Lương.
Trước đó, gia đình 9 bị hại đã làm đơn gửi tới TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình, đề nghị xem xét nhiều nội dung liên quan đến vấn đề bồi thường dân sự cũng như tội danh của các bị cáo.
Theo đó, các gia đình đề nghị TAND tỉnh Hòa Bình xem xét chấp nhận bồi thường toàn bộ chi phí thực tế, bao gồm các khoản chi phí mai táng, kể cả do phong tục tập quán hay giá cả vùng miền.
Đối với Hoàng Công Lương, các gia đình cho rằng nếu HĐXX phúc thẩm xét thấy bị cáo có tội thì xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Như vậy, khác với phiên tòa sơ thẩm trước đây, khi các gia đình đều khẳng định Hoàng Công Lương vô tội, đến nay, họ đã chuyển sang xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong trường hợp tòa xác định có tội.
Điều này cũng trùng hợp với nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin miễn trách nhiệm hình sự của bị cáo Hoàng Công Lương.
Ngoài ra, các gia đình nạn nhân còn đề nghị tòa phúc thẩm không xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bất kỳ bị cáo nào trong nhóm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nữa. Bởi tại phiên sơ thẩm, các gia đình đã từng làm đơn xin giảm nhẹ cho một số bị cáo và được tòa chấp nhận rồi.
Riêng với hai bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình), các gia đình đề nghị phải xử lý thật nghiêm, vì hai người này đã buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát quy trình dẫn tới hậu quả 9 người chết.
Liên quan vụ án, ngày 10/5, Bộ Y tế đã gửi công văn đến TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình, đề nghị xét xử vụ án khách quan, công tâm, khoa học.
Theo Bộ này, Công an tỉnh Hòa Bình đã 3 lần thay đổi tội danh đối với Hoàng Công Lương. Điều đó cho thấy cơ quan điều tra lúng túng do không đủ cơ sở buộc tội.
Cơ quan này nhận định lỗi của Hoàng Công Lương là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp đến cái chết của bệnh nhân. Hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm
Ngày 30/1, HĐXX TAND TP Hòa Bình tuyên án (Bản án số 08/2019/HSST) đối với Vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận thiệt mạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, HĐXX đã tuyên xử phạt: Bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình 42 tháng tù; Bị cáo Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó Giám đốc bệnh viện 36 tháng tù; Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc bệnh viện 30 tháng tù; Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn 30 tháng tù.
Ngay sau khi tuyên án, dư luận xã hội trong và ngoài ngành y tế đã thực sự bất ngờ, bàng hoàng, bất bình dẫn đến hoang mang, lo lắng cho một số bị cáo trước bản án này.
Đa số các ý kiến phản đối đều cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với một số bị cáo trong vụ án này có phần khiên cưỡng, quy chụp, chưa đúng tội danh, oan sai... dù đã được các Hội Hồi sức và lọc máu quốc gia, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam... cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế và cả đại biểu Quốc hội lên tiếng, khuyến nghị nhưng cũng chưa được lắng nghe một cách nghiêm túc trên cơ sở khoa học pháp lý.
Theo VTC New