Luật sư Phạm Quang Hưng nghi có người bỏ hóa chất Florua vào hệ thống lọc nước RO số 2 để đầu độc ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.
Trong phiên làm việc ngày 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn - giám đốc công ty Thiên Sơn) đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên toà để cung cấp chứng cứ cho thấy đây là "vụ án đầu độc, giết người".
Ngày hôm sau, HĐXX cho rằng ông Hưng không cung cấp được chứng cứ mới ngoài các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án và chỉ có bản trình bày đưa ra các căn cứ liên quan đến tồn dư axit và hoá chất. Chủ toạ đánh giá việc cung cấp này đã ảnh hưởng đến quá trình xét xử, ảnh hưởng nhận thức và dẫn đến "suy diễn sai lệch của những người không hiểu biết".
Chiều 24/1, tại phần tranh tụng, luật sư Hưng tiếp tục khẳng định chứng cứ ông đưa ra là "mới" và "cũng có thể đây là cái cũ nhưng không ai phát hiện ra".
Theo luật sư, giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định nguyên nhân khiến 9 bệnh nhân chạy thận tử vong là do ngộ độc Florua. Tuy nhiên, kết luận điều tra và cáo trạng lại khẳng định nguyên nhân do tồn dư axit HF.
"Thực tế điều tra cho thấy, Quốc sử dụng 3 loại hóa chất HF (Axit Flohydric), HCL và Javen trong quá trình sục rửa. Như vậy, kết luận điều tra của cơ quan công tố là không hợp lý khi nêu chỉ có HF. Kết luận giám định 19 quả lọc thận cũng có hàm lượng Florua khác nhau. Tại sao lại có Florua ở vị trí cổng dịch", luật sư đặt câu hỏi và nghi có người bỏ hoá chất này vào hệ thống RO số 2 để đầu độc.
Luật sư Phạm Quang Hưng. Ảnh: Phạm Dự.
Bào chữa cho bị cáo Tuấn sau đó, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương cho rằng, sau khi ký hợp đồng 315 về sửa chữa hệ thống RO với Bệnh viện đa khoa Hoà Bình, Thiên Sơn có toàn quyền với hợp đồng này. Việc công ty sau đó triển khai hợp đồng 315 bằng hợp đồng 05 với Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) là đúng pháp luật.
Luật sư Hương khẳng định, Thiên Sơn đã ký hợp đồng 05 vào chiều muộn 25/5/2017 với Quốc. Việc ký ở đâu do quyền của công ty và không làm sai lệch bản chất vụ án.
Về trách nhiệm thực hiện hợp đồng 315, Công ty Thiên Sơn có nhiệm vụ thực hiện hợp đồng còn bệnh viện phải giám sát hợp đồng. Tuy nhiên, khi công ty thực hiện sửa chữa thì bệnh viện lại không thực hiện nghĩa vụ giám sát. Ông Tuấn không nhìn thấy và cũng không buộc phải biết việc đơn nguyên thận nhân tạo tự ý đưa hệ thống RO vào hoạt động.
Bà Hương khẳng định, bệnh viện đã vi phạm hợp đồng. Việc sửa chữa hệ thống RO số 2 chưa thực hiện xong, Sơn chưa bàn giao cho Thiên Sơn mà bệnh viện đã đưa vào hoạt động.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Phạm Dự.
Đối đáp ngay sau đó, đại diện VKSND thành phố Hoà Bình khẳng định, nguyên nhân bệnh nhân tử vong do tồn dư hoá chất HF là có cơ sở. VKS đánh giá chứng cứ mới luật sư Hưng đưa ra là không chính xác và khách quan. Bởi vậy, cơ quan công tố khẳng định không có dấu hiệu đầu độc trong vụ án như luật sư suy diễn.
VKSND thành phố khẳng định có đủ căn cứ truy tố bị cáo Tuấn về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Công ty Thiên Sơn đã đặt máy chạy thận liên doanh, liên kết với Bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Bởi vậy giữa hai bên có cùng "cộng đồng trách nhiệm trong việc lọc máu cho nhân dân".
Viện dẫn luật doanh nghiệp, đại diện VKS cho rằng, ông Tuấn là giám đốc điều hành công việc của công ty nên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm. Công ty Thiên Sơn có thể loại trừ trách nhiệm với ông Tuấn nhưng ông Tuấn phải có trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi gây ra.
Theo VKS, hợp đồng 05 không được ký thực tế mà chỉ thông qua thoả thuận báo giá. Báo giá này không thể truyền tải toàn bộ nội dung hợp đồng 315 đến với Quốc để anh ta thực hiện. Ngoài ra, kể từ khi giao Quốc đến bệnh viện sửa chữa, giám đốc Đỗ Anh Tuấn đã bỏ mặc.
Cơ quan công tố khẳng định Tuấn phải cảnh báo với Quốc về việc sửa chữa. Tuấn buộc phải biết độ an toàn cho người bệnh, buộc phải triển khai nội dung sửa chữa cho Quốc. Tuấn cũng phải thông báo cho Quốc để anh ta ngăn đơn nguyên lọc máu đưa máy chạy thận vào hoạt động khi chưa sửa chữa xong.
Từ hành vi thiếu trách nhiệm của Tuấn, Quốc tự ý dùng những hoá chất chưa được Bộ Y tế cấp phép để khử khuẩn thiết bị dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. VKS đề nghị tuyên phạt Tuấn 36-42 tháng tù.
Liên quan vụ án, Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hoà Bình) bị VKS đề nghị phạt 36-42 tháng tù; Quốc 4-5 năm tù về tội Vô ý làm chết người. Ở nhóm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ Bệnh viện đa khoa Hoà Bình) bị đề nghị phạt từ 42 đến 48 tháng tù, Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) 36-42 tháng, Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện) 30-36 tháng, Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện) 36-42 tháng tù.
Theo VnExpress