Hoạt động trên nhiều tỉnh, thành của cả nước, với hơn 150 nhân viên - Công ty Tài chính Nam Long đã trở thành nỗi kinh hoàng của không ít người dân với gói lãi suất “cắt cổ” từ 180% đến 365%/năm. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Công an Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị chức năng đã bóc gỡ đường dây tội phạm hoạt động tín dụng đen này.
Chân dung “ông trùm” tín dụng đen
Tuy ít tuổi nhưng Nguyễn Đức Thành (30 tuỏi, trú tại phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã trở thành “ông trùm” trong giới hoạt động cho vay kiểu tín dụng đen với chi nhánh là những vòi bạch tuộc vươn tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Với hơn 150 nhân viên, đầy đủ các bộ phận từ kế toán, tín dụng, thu nợ xấu..., Công ty Tài chính Nam Long do Nguyễn Đức Thành lập ra và trực tiếp làm giám đốc trở thành một “ngân hàng di động” cực lớn, có thể giải ngân ngay trong ngày cho khoản tiền vay lên đến nhiều tỷ đồng.
Cho vay dễ, thủ tục nhanh gọn khiến nhiều người lầm tưởng đây là một tổ chức tín dụng hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi vay, việc trả nợ cho Thành và đồng bọn lại không hề dễ dàng bởi những khoản cắt phế, lãi đứng, lãi góp cắt cổ mà chỉ vài tháng sau, số tiền lãi đã vượt quá số tiền vay ban đầu khiến việc trả nợ cực kỳ khó khăn. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, bán nhà, bán tài sản trả nợ, rồi trở nên trắng tay.
So với những “ông trùm” khác trong thế giới ngầm, Nguyễn Đức Thành có lý lịch khá sạch sẽ với bằng tốt nghiêp Đại học Luật, chưa tiền án, tiền sự. Thành vốn sinh ra và lớn lên ở Kinh Môn, Hải Dương, có thời gian sống ở Hải Phòng nên đã kết giao với Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, ở Kiến An, Hải Phòng) và nhiều đối tượng có máu mặt ở đất Cảng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Thành kinh doanh ở Hà Nội một thời gian nhưng không hiệu quả nên đưa vợ con vào TP Hồ Chí Minh làm ăn. Thời gian đầu, Thành mở một tiệm cầm đồ nhỏ. Sau đó, Thành gặp lại Nguyễn Cao Thắng nên bàn nhau góp vốn làm ăn, mở Công ty Tài chính Nam Long để hoạt động cho vay lãi, có trụ ở tại 393/5 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nguyễn Đức Thành làm giám đốc.
Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa đấu tranh với đối tượng Nguyễn Đức Thành.
Công ty này có 26 chi nhánh ở 23 tỉnh, thành nhưng các chi nhánh đều được mở dưới danh nghĩa Công ty CP đầu tư xây dựng Thành Nam. Theo thỏa thuận, ban đầu, Thắng và Thành mỗi đối tượng góp 1 tỷ đồng để cho vay nặng lãi lấy tiền chia nhau. Nguyễn Đức Thành chỉ đạo mọi hoạt động cho vay, thu nợ, lợi nhuận chia làm 2 phần, 50% để tái đầu tư, 50% còn lại chia đôi.
Công ty Tài chính Nam Long hoạt động từ tháng 9-2017 đến tháng 12-2017 thì tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh, Thành yêu cầu Thắng chuyển thêm 1 tỷ đồng nữa để góp vốn. Thắng đồng ý và giao cho anh vợ mình là Trần Hồng Phong làm kế toán, quản lý chi tiêu. Theo đó, với vai trò là kế toán, Trần Hồng Phong có trách nhiệm mở tài khoản để cung cấp cho khách hàng, giữ số điện thoại “hotline” để khách hàng liên hệ trả nợ; trực tiếp rút tiền giao cho Thành và Thắng, đồng thời theo dõi quản lý hợp đồng vay của khách hàng, quá trình nộp tiền của khách, gọi điện thoại nhắc đòi nợ.
Điều khá đặc biệt là trong tổ chức tín dụng đen này là không có bất cứ một đối tượng nào có tiền án, tiền sự hay côn đồ cộm cán, kể cả lãnh đạo “chóp bu” như Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Cao Thắng, Trần Hồng Phong. Tiêu chí tuyển nhân viên của chúng cũng tập trung vào các thanh niên trẻ, chưa tiền án, tiền sự, ưu tiên tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, sở dĩ tổ chức tín dụng đen của Nguyễn Đức Thành nhanh chóng vươn xa được đến các địa phương vì Thành có phương pháp làm khác với những nhóm cho vay lãi nặng thông thường.
Bản thân Thành từng mở tiệm cầm đồ nên có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực này. Hắn lại là người có học hành, am hiểu pháp luật nên đã soạn hẳn “giáo trình” để đào tạo nhân viên, cách thẩm định tín dụng, phương pháp đòi nợ, các tình huống xử lí khi khách hàng chây ỳ không trả nợ. Thậm chí, Thành còn dạy nhân viên biện pháp để biến mình thành bị hại hoặc người làm chứng khi đi đòi nợ gặp tình huống khách hàng tự hủy hoại tài sản.
Không chỉ có thủ đoạn tinh vi trong việc cho vay, đòi nợ, cách Thành tuyển, đào tạo và sử dụng nhân viên cũng là một trong những thủ đoạn mới mà từ trước đến nay chưa có băng nhóm tội phạm nào áp dụng. Đó là đề ra những quy định hết sức hà khắc đối với nhân viên như “Phạt hành chính (tiền); đánh đòn sa thải; phạt cải tạo trong công ty và cho đi tù; tiêu diệt bản thân và gia đình; tự chặt ngón tay và nhận tất cả các điều trên”.
Không chỉ thế, trước khi vào làm trong Công ty Nam Long, các nhân viên đều phải nộp một khoản tiền đặt cọc nên nếu có ý định không làm nữa, sẽ bị phạt mất số tiền trên. Chính vì vậy, đa số các nhân viên đều không dám bỏ việc hay không chấp hành nội quy, kỷ luật do Thành đặt ra.
Để thu hút khách hàng vay, Nguyễn Đức Thành chỉ đạo đồng bọn đăng thông tin trên mạng; trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của những người dân trên địa bàn rồi đến gặp gỡ, đề xuất việc cho vay với thủ tục nhanh gọn. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty này đã phát triển mạng lưới ra các tỉnh thành trong cả nước với hàng trăm khách hàng vay.
Theo quy định thì nếu khách hàng vay “lãi đứng” tức là từ 10 đến 15 hoặc 30 ngày trả lãi 1 lần thì sẽ phải trả lãi 1%/ngày (tức 365%/năm) hoặc lãi từ 7.000 đến 15.000 đồng/ngày/1 triệu (từ 180% đến hơn 200%/năm). Ví dụ, khách hàng vay 10 triệu thì 10 ngày phải trả thành 11 triệu; vay 100 triệu 10 ngày phải trả 110 triệu. Nếu quá hạn khách không trả được thì các đối tượng tự chuyển sang gói lãi kỳ hạn 41 ngày với số lãi khoảng hơn 200%/năm.
Theo cách tính của chúng thì khách vay 100 triệu, sau 41 ngày sẽ phải trả 123 triệu. Số tiền cả gốc và lãi trên, khi đến kỳ, khách hàng phải tự chuyển khoản vào tài khoản của công ty để trả nợ. Nếu đến kỳ nhưng khách hàng không trả được, lập tức, Thành và Thắng chỉ đạo cho đội xử lý nợ xấu đến để đòi.
Thanh trừng đồng bọn
Thông thường, các băng nhóm tội phạm bao bọc cho các nhân viên của mình. Nhưng, Nguyễn Đức Thành lại áp dụng biện pháp kỷ luật hà khắc khi nhân viên vi phạm như “tiêu diệt bản thân và gia đình, tự chặt ngón tay”... Trong quy chế làm việc do Thành định ra thì mọi nhân viên đều phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên; tuyệt đối trung thành với tổ chức; tuyệt đối làm công tác bảo mật (trong mọi tình huống); đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; tuyệt đối không được thu tiền của khách khi chưa có lệnh...”. Vì sợ bị trừng phạt nên hầu như nhân viên của Thành đều không dám làm trái quy định.
Người duy nhất dám vi phạm quy định do Nguyễn Đức Thành đặt ra là Nguyễn Văn Minh (19 tuổi, trú ở Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang). Minh là một thanh niên mới lớn, cũng là một trong những đối tượng “đầu quân” cho Công ty Nam Long từ ngày mới thành lập. Thời gian đầu, Minh làm ở chi nhánh, sau đó, nhờ sự lỳ lợm, bản lĩnh, Minh được Thành và Thắng cất nhắc vào “đội III” - tức đội xử lí nợ. Theo đó, Minh không cần phải làm ở một chi nhánh cụ thể, chỉ khi nào cần đòi nợ xấu thì Minh mới phải “ra tay”.
Vào tháng 7-2018, Nguyễn Văn Minh đi thu tiền nợ của khách hàng ở tỉnh Bắc Kạn nhưng không nộp lại, đồng thời cầm cố xe máy của công ty (tổng trị giá khoảng 20 triệu đồng) để tiêu xài cá nhân. Sợ bị phát hiện, trừng trị, Nguyễn Văn Minh đã bỏ trốn, sau đó tự xoay xở tiền chuộc lại xe máy để trả lại công ty, đồng thời mong muốn được trả nợ. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Thành không đồng ý cho Minh trả nợ mà muốn “dạy dỗ” Minh để làm gương nên đã bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, triệu tập các chi nhánh ở phía Bắc, yêu cầu đi tìm Nguyễn Văn Minh để xử theo “luật công ty”.
Ngày 9-7, các đối tượng bắt được Minh ở bãi đất trống thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Nguyễn Đức Thành đã cùng các nhân viên đánh hội đồng rồi đưa Minh về chi nhánh tại huyện Sóc Sơn ở xã Tiên Dược.
Các đối tượng trong vụ án.
Tại đây, các đối tượng họp kỷ luật, yêu cầu Minh xin lỗi từng người, sau đó đưa ra một bát cơm, 1 bát phân yêu cầu Minh chọn 10 lần. Nếu bò đến bát cơm sẽ bị “dạy dỗ cách làm người”, nếu bò đến bát phân thì phải ăn hết mới được tha. Cả 10 lần, Nguyễn Văn Minh đều bò đến bát cơm nên bị các đối tượng đá, đạp.
Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 10-7, do bị thương nặng, Minh ngất xỉu nên Nguyễn Đức Thành chỉ đạo Ngô Văn Chương (30 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội, giám đốc chi nhánh Công ty Nam Long tại Thanh Hóa) đưa Minh về chi nhánh Thanh Hóa tại lô số 7, Bà Triệu, phường Đông Thọ để tiếp tục “quản lý, cải tạo, dạy lại cách làm người”.
9 ngày sau, đến ngày 19-7, thấy sức khỏe Minh yếu đi. Chương gọi taxi đưa Minh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định Minh đã tử vong, lập tức Chương bỏ đi.
Về phía Nguyễn Đức Thành, sau khi xử lí Nguyễn Văn Minh, hắn đã cho đăng hình ảnh hành hạ, làm nhục Minh lên trang web nội bộ của công ty để răn đe các đối tượng khác. Có lẽ, Nguyễn Đức Thành cũng không ngờ được, chính việc “dạy dỗ” Minh đã khiến chân tướng hắn và đồng bọn bị lộ.
Phá án
Từ các tài liệu thu thập được, lực lượng chức năng đã xác định các bị hại là nạn nhân của băng nhóm tín dụng đen trên và làm rõ những thủ đoạn tinh vi của băng nhóm này. Như trường hợp ông Nguyễn Minh H. (ở Lâm Đồng, chuyên kinh doanh xây dựng) đã vay của Công ty Nam Long 3 gói vay gồm 2 gói 500 triệu/gói và 1 gói 300 triệu. Trong đó, ban đầu vay gói 500 triệu, lãi suất 12,5 triệu/ngày, bị “cắt phế” - tức là tiền giải ngân 20 triệu.
Gần đến hạn, ông H. chưa có tiền trả nên xin đáo nợ, vay tiếp 500 triệu nữa để trả nợ cũ. Thành đồng ý cho vay với yêu cầu vẫn phải trả lãi của món cũ cho đến khi hết kỳ hạn và trả lãi món mới cộng thêm phí cho vay. Đến hạn, chưa đủ 500 triệu gốc trả nợ, ông H. lại vay thêm 300 triệu nữa.
Mặc dù đã trả gần hết cả gốc lẫn lãi, không có khả năng trả nợ, ông H. xin khất nhưng các đối tượng không đồng ý, chỉ đạo đồng bọn đến đòi, đe dọa bắt cóc vợ con ông H. Theo đó, chúng chỉ đạo 2 người thường xuyên theo dõi vợ con ông H. Hành vi này, bị Công an sở tại phát hiện, xử phạt hành chính.
Sau khi bị phạt, các đối tượng điên cuồng hơn, kéo khoảng chục tên đem theo hung khí đến nhà ông H. Ông H. báo cáo cơ quan Công an đến giải tán, xử lí các đối tượng vi phạm đồng thời phải bán sạch tài sản để trả nợ cho chúng. Tuy nhiên, sau khi trả hết cả gốc lẫn lãi, các đối tượng trên vẫn không chịu trả lại giấy tờ cho ông này để “phạt”.
Từ tháng 6-2018 đến nay, mặc dù nhiều lần đi lại để đòi nhưng ông H. vẫn chưa lấy lại được các giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh và tài sản.
Trường hợp bà Nguyễn Thị X. ở Yên Bái cũng tương tự như vậy. Bà X. làm trang trại, có hàng chục con dê, lợn sắp đến kỳ xuất chuồng nhưng vì thiếu vốn, không đủ tiền mua cám nên đã vay của Công ty Nam Long 70 triệu đồng với gói “lãi góp” 41 ngày. Bà X. đã trả 20 triệu đồng, đến hạn, bà X. chưa có tiền trả, lập tức, các đối tượng đi 2 xe ô tô đến bắt tất cả gia súc, gia cầm nhà bà X. gồm 21 con dê, hơn 30 con lợn với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Sau khi “tịch thu” toàn bộ tài sản của bà X., các đối tượng tuyên bố bà vẫn còn nợ chúng 5 triệu đồng nữa.
Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định, công ty trên có 70 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Qua sao kê 30 tài khoản, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa xác định có trên 200 bị hại chuyển vào với tổng số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng.
Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định bước đầu có 368 khách hàng làm hồ sơ vay tiền của Công ty Tài chính Nam Long, trong số đó hiện còn 85 bị hại vay tiền. Cơ quan điều tra đã làm việc được với 61 bị hại ở 15 khu vực (trong đó có 3 trường hợp vay từ năm 2017), xác định được các bị hại đã vay của đối tượng hơn 16 tỷ đồng, trả lãi gần 3,5 tỷ đồng và bị “cắt phế” gần 1 tỷ đồng tức là phí cho vay.
Liên quan đến đường dây tín dụng đen này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can 9 đối tượng về các hành vi cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, bắt giữ người trái pháp luật... và tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Theo Công an nhân dân