Cầm theo chồng hồ sơ dày, điều tra viên đối chất với bị cáo Thanh về căn cứ buộc tội công ty trung gian mua bán hóa đơn trái phép.
Sáng 16/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục thẩm vấn nhóm bị cáo có hành vi mua bán hóa đơn trái phép và giúp sức tổ chức đánh bạc xảy ra ở các công ty thanh toán trung gian.
HĐXX dành phần lớn thời gian để xét hỏi bà Lê Thị Lan Thanh, chủ năm doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực viễn thông: Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam - GTS, Công ty TNHH phát triển dịch vụ và giải trí Đất Việt, Công ty TNHH truyền thông BIBO, Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ NETVIET, Công ty TNHH công nghệ thương mại và truyền thông Tam Giác.
Bà Thanh bị truy tố về hai tội Tổ chức đánh bạc và Mua bán trái phép hóa đơn.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2016 đến tháng 8/2017 Công ty GTS ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với ba nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone. Tổng tiền nhà mạng thu từ khách hàng sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán GTS là hơn 7.000 tỷ đồng. Ba nhà mạng nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, số còn lại trả cho GTS.
Sau khi GTS và các nhà mạng đối soát, thanh toán, từ ngày 1/9/2016 đến tháng 9/2017 GTS chuyển 4.600 tỷ đồng cho Công ty CNC của bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Bị cáo Thanh trả lời tại tòa vào sáng 16/11. Ảnh: Phạm Dự
Chủ tọa nói hồ sơ xác định GTS ký hợp đồng dịch vụ gạch thẻ, nối trực tiếp vào cổng thanh toán của CNC. Tuy nhiên, bị cáo Thanh phủ nhận.
Chủ tọa cho hay, theo quy định hàng tháng GTS có trách nhiệm thông báo cho các nhà mạng về nội dung dịch vụ gạch thẻ. Nhưng GTS lại báo cáo với các nhà mạng là "hợp tác với CNC dịch vụ game Ngọa hổ tàng long".
Khi được VKS hỏi "nhận thức thế nào khi bị truy tố tội Tổ chức đánh bạc với vai trò giúp sức", bà Thanh đáp theo chủ quan thấy không phạm tội này bởi công ty công khai về dịch vụ đang thanh toán. "Bị cáo là người làm kinh doanh, vì chạy theo lợi nhuận nên không nhận thức được, không biết các quy định nên vô tình phạm tội", bị cáo trình bày.
VKS sau đó dẫn chứng phần nội dung chat giữa bà Thanh và Phạm Tuấn Anh (nhân viên CNC) về việc CNC đã bị Bộ Thông tin Truyền thông thanh tra về các dịch vụ game, gửi kết luận sang Bộ Công an. Theo VKS, nội dung đoạn chat còn thể hiện câu chuyện biết việc CNC bị điều tra và bảo nhau xóa nội dung chat với mục đích xóa dấu vết về dịch vụ thanh toán.
Tin nhắn với nội dung cáo buộc bà Thanh xóa dấu vết được VKS công bố trên màn hình lớn tại tòa. Ảnh: Phạm Dự
VKS tiếp tục công bố những câu trao đổi thể hiện bà Thanh biết game tài xỉu trên Rikvip không hợp pháp mà vẫn giúp thanh toán. "Rõ ràng là tiếp tay giúp sức cho tổ chức đánh bạc, nếu không vì sao phải bàn nhau xóa dữ liệu đối soát", VKS nói và bà Thanh phủ nhận.
5.000 tỷ đồng được hợp thức bằng hóa đơn khống thế nào?
Cũng theo cáo trạng, để hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Công ty CNC, bà Thanh cùng nhân viên GTS đã mua 160 tờ hóa đơn giá trị gia tăng khống với tổng doanh số hơn 5.000 tỷ đồng (tiền hàng 4.600 tỷ đồng, tiền thuế GTGT hơn 500 tỷ đồng).
Mặt hàng thể hiện trên hóa đơn là thẻ cào có mệnh giá từ 10.000 đến 500.000 đồng do các nhà mạng phát hành để kê khai thuế đầu vào tại năm công ty của bị cáo này.
Bị cáo Thanh ở bục khai báo và điều tra viên đứng trả lời đối chất ở phía sau. Ảnh: Phạm Dự
Theo cáo buộc, để hợp thức chứng từ, tài liệu liên quan việc mua, bán hóa đơn khống, bị cáo Thanh thống nhất với bên bán lập khống các hợp đồng kinh tế, đơn đặt hàng, biên bản giao nhận hàng hóa; đồng thời hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của các công ty này. 160 tờ hóa đơn khống với doanh số 5.000 tỷ đồng đã được bị cáo và Nguyễn Thị Dung sử dụng làm chứng từ kê khai, khấu trừ thuế đầu vào tại năm công ty.
Tuy nhiên, trước chứng cứ này, bị cáo Thanh chỉ thừa nhận từ tháng 1/2016 đến tháng 8/2017 đã mua 128 hóa đơn giá trị gia tăng khống với tổng doanh số 4.500 tỷ đồng.
VKS sau đó cho rằng với tài liệu chứng cứ đã thu thập được, cơ quan điều tra đủ căn cứ khẳng định bị cáo Thanh cùng nhân viên đã mua 160 tờ hóa nói trên. Số tiền bà Thanh được hưởng lợi là hơn 180 tỷ đồng.
Cuộc đối chất đầu tiên của điều tra viên với bị cáo
Điều tra viên Nguyễn Đình Trung của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ sáng nay đã có cuộc đối chất trước tòa về phần trả lời thẩm vấn của bị cáo Thanh.
Điều tra viên cho rằng: Nếu bị cáo Thanh khai không biết Rikvip/Tipclub là game bài đánh bạc thì vì sao ký hợp đồng với nhà mạng lại không đề đúng tên mà phải dùng tên game Ngọa hổ tàng long. Điều này chỉ có thể là biết game đánh bạc nhưng che giấu.
Tại cơ quan điều tra, bà Thanh khai báo đã đối soát với Phạm Tuấn Anh qua tài khoản ở Skype. Tuấn Anh khẳng định tài khoản này là của Thanh. Anh trai chồng bị cáo là Ngô Thế Thắng cũng xác nhận.
Trước thông tin trên, bị cáo Thanh đối chất: Điều tra viên nói che giấu qua việc kê khai với nhà mạng là game Ngọa hổ tàng long nhưng thực tế bị cáo kê khai rõ ràng, không hề che giấu. Công ty bị cáo còn kê khai, cung cấp tên game cho công an nhiều tỉnh vì nghĩ các game này không bất hợp pháp.
"Việc dùng tên game là Ngọa hổ tàng long là bởi các nhà mạng yêu cầu cung cấp một dịch vụ được cấp phép thì bên bị cáo phải gửi một dịch vụ được cấp phép. Bên bị cáo còn nhiều dịch vụ khác song cũng kê khai chung là Ngọa hổ tàng long", Thanh nói và cho thay khi mở tài khoản ngân hàng thì không cần cung cấp nick skype nên không có việc bị cáo cho anh chồng nick này.
Tuy nhiên, điều tra viên cho rằng các dữ liệu thu thập được phù hợp với nội dung chat với Tuấn Anh. Mang theo chồng hồ sơ dầy trước mặt, điều tra viên cho hay GTS đã chuyển cho Phạm Tuấn Anh số tiền 4.600 tỷ đồng; nêu cụ thể từng tài khoản ngân hàng đã thực hiện giao dịch chuyển tiền, rồi rút ra đưa tiền mặt.
Cơ quan điều tra còn thu giữ được hình ảnh trích xuất camera tại ngân hàng về việc nhân viên GTS là Lê Đình Soái rút tiền rồi đưa cho nhân viên của CNC là Đoàn Thị Thu Hà.
Cơ quan điều tra cho hay cũng xác minh được việc GTS thuê đặt 11 máy chủ, trong đó GTS có hai máy chủ được kết nối với máy chủ, kết nối với cả CNC để thực hiện hoạt động game đánh bạc.
Theo VnExpress