Liên quan đến vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, ngày 26/10 UBND TP Cần Thơ cho biết đã có quyết định xử lý tang vật bị tịch thu. Theo đó, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo trị giá hơn 548 triệu đồng tịch thu tại tiệm vàng sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước.
Tiệm vàng Thảo Lực ở Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long.
Chủ tiệm vàng cho biết số kim cương là tài sản riêng của gia đình nên không có hóa đơn, được cất trong tủ; không trưng bày bán vẫn bị giữ và tịch thu.
Về việc này, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM, việc khám xét nhà phải dựa trên nội dung lệnh khám xét hành chính, còn tài sản của người dân không liên quan thì không được tịch thu.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, trong quá trình điều tra, nếu xác định số kim cương là tư trang của người dân thì không được tịch thu. "Việc chứng minh là trách nhiệm của cơ quan chức năng chứ không phải của người dân. Anh phải chứng minh số kim cương đó liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, còn không phải trả lại cho người dân", luật sư Chánh nói.
Phạt doanh nghiệp theo lệnh khám nhà
Theo hồ sơ, ngày 24/1, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Dương Tấn Hiển ký quyết định khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với căn nhà số 40 Nguyễn Đức Cảnh (tiệm vàng Thảo Lực), do ông Lê Hồng Lực làm chủ.
Đến ngày 30/1, Cảnh sát kinh tế TP Cần Thơ tiến hành khám xét nhà, trùng với thời điểm bắt quả tang tiệm vàng mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê. Biên bản thể hiện việc khám xét được thực hiện theo quyết định được ký 6 ngày trước.
Tiệm vàng bị thu giữ 100 USD vừa đổi của ông Rê và 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo vì không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; sổ sách chứng từ liên quan hoạt động kinh doanh, đầu thu camera...
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc công an khám xét tiệm vàng dựa theo lệnh được ký 6 ngày trước khi bắt quả tang đổi 100 USD là "không đúng".
Theo luật sư Hậu, lệnh khám xét được ký ngày 24/1 ghi rõ "khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính là nhà ở" thì thời điểm này tiệm vàng vi phạm điều gì và tang vật là gì thì chưa xác định. Đến ngày 30/1 công an mới bắt quả tang việc vi phạm hành chính của tiệm vàng, cụ thể là mua 100 USD của ông thợ điện.
"Lệnh khám xét phải dựa trên biên bản bắt quả tang khi hai bên giao dịch mua bán ngoại tệ chứ không thể được ký trước đó", luật sư Hậu nêu quan điểm.
Theo luật sư Hậu, Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ thẩm quyền khám xét nơi cất giấu phương tiện, tang vật là chỗ ở thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều. "Trong quyết định ghi khám xét nơi ở chứa tang vật, tuy nhiên lại xử phạt doanh nghiệp là không đúng. Việc khám xét nhà ở hay doanh nghiệp cần ghi rõ ràng, dựa trên căn cứ vi phạm hành chính mà cơ quan nắm được", luật sư Hậu nói.
Các luật sư đều cho rằng, phía chủ tiệm vàng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình. Chủ tiệm vàng cho biết đang tham vấn luật sư để khởi kiện hành chính quyết định xử phạt của UBND TP Cần Thơ.
Vụ bắt quả tang và khám xét nhà là 'trùng nhau'
Trao đổi với VnExpress, ông Dương Tấn Hiển - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều - cho biết đã ký quyết định khám xét nhà ở dựa trên tờ trình của Trưởng phòng cảnh sát kinh tế; đồng thời căn cứ theo Điều 129 của Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Hồi tháng 5/2017, ông Hiển cũng ký quyết định "khám nơi giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở" đối với ông Lê Hồng Lực, cũng tại căn nhà là nơi kinh doanh của doanh nghiệp này.
Ông Hiển cho rằng thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận chỉ được ký quyết định khám xét nhà ở là nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính nên không thể ký khám xét doanh nghiệp được. "Các quyết định khám xét nhà ở cá nhân đều được Phòng cảnh sát kinh tế soạn sẵn, sau khi bộ phận thẩm định văn phòng kiểm tra xong thì trình lên tôi ký", ông cho biết.
Việc ký lệnh khám nhà ngày 24/1 nhưng đến ngày 30/1 cảnh sát mới thực hiện và ngay khi bắt quả tang vụ đổi 100 USD tại tiệm vàng, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều nói "hai vụ không liên quan với nhau". Theo người đứng đầu chính quyền quận Ninh Kiều, quyết định có hiệu lực ngay từ ngày ký và không có thời hạn cụ thể là 30 hay 40 ngày... Còn thời gian cụ thể của việc khám nhà là bí mật.
"Trước nay, việc khám nhà được thực hiện ngay khi có quyết định hoặc chậm nhất một hai ngày; còn nhiều ngày là có thể do quá trình nghiệp vụ của lực lượng công an, tuy nhiên rất ít xảy ra", ông Hiển nói.
Thượng tá Trần Văn Dương - Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Cần Thơ - khẳng định việc khám nhà là đúng quy trình, quy định pháp luật. Trong quá trình trinh sát cơ quan công an đã có cơ sở từ trước mới xin lệnh khám xét. Còn việc khám xét nhà trùng thời điểm với bắt quả tang tiệm vàng đổi 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê cũng không có gì bất thường.
"Vấn đề tạm giữ hàng hóa lâu là do án kinh tế rất phức tạp, phải chuyển đổi hình thức điều tra, xác minh", thượng tá Dương nói và cho biết trong sự việc này, quá trình khám xét, thu giữ tang vật, quyết định xử phạt đều đảm bảo tính pháp lý. Hiện chủ tiệm vàng đã thừa nhận vi phạm và nộp phạt, còn nếu không đồng ý có quyền khiếu nại.
Về quyết định xử phạt có 8 tháng sau khi sự việc xảy ra, Công an TP Cần Thơ cho biết, vụ vi phạm hành chính được chuyển sang cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự vì có dấu hiệu doanh nghiệp trốn thuế. Tuy nhiên, đến ngày 18/7, cơ quan điều tra có quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Tháng 4/2014, Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) phát hiện nhân viên tiệm vàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa đổi 100 USD cho khách. Hai tháng sau, UBND TP HCM xử phạt nhân viên này 400 triệu đồng, gỡ niêm phong 559 lượng vàng và trả lại 15.000 USD đã tạm giữ cho chủ tiệm.
Cùng năm 2014, Công an TP HCM phát hiện người đàn ông vận chuyển 10 kg vàng thỏi nên khám xét nhà, thu giữ gần 14.000 USD. Sau khi được trả lại số ngoại tệ, người này khởi kiện cho rằng số vàng là tài sản cá nhân chứ không phải buôn bán nên TAND tối cao chấp thuận, yêu cầu UBND TP HCM trả lại số vàng trên cho ông.
Theo VnExpress