Những vụ án giết người dã man để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình nạn nhân, là nỗi ám ảnh cho xã hội khi tội ác có thể nảy sinh bất cứ lúc nào trong cuộc sống...
Những vụ án mạng vì lý do... trên trời
Gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng khi vào rạng sáng ngày 25/9/2018 đối tượng Nguyễn Văn Tiến (56 tuổi, trú tại xã Phú Mỹ, huyện Lương Phú, tỉnh Thái Nguyên) đột nhập vào hai nhà hàng xóm giết hại 3 người, đâm bị thương 4 người.
Tại cơ quan CSĐT, đối tượng Tiến khai rằng, do mất ngủ thường xuyên và trước đó có mâu thuẫn với gia đình bị hại nên trả thù.
Khoảng 0h30' ngày 25/9 đang ngủ trong nhà, Tiến vùng dậy cầm dao sang nhà hàng xóm sát hại 3 người.
Người nhà nạn nhân cho biết, cách đây hơn 1 năm có một tranh chấp rất nhỏ với Tiến nhưng không nghĩ, mâu thuẫn đó khiến Tiến ra tay đoạt mạng cả gia đình.
Đối tượng Nguyễn Văn Tiến.
Ngày 3/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thảo (22 tuổi, thường trú xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) về hành vi giết người.
Trước đó, Thảo muốn bỏ nhà đi nhưng không nỡ để con ở lại mà đem con theo thì sợ không nuôi nổi.
Sau khi làm xong việc nhà và cho 2 con ăn cơm xong, Thảo cho 2 bé ngủ (bé Phạm Thanh L. (2 tuổi) ngủ trên võng, bé Phạm Thanh N. (1 tuổi) ngủ trên giường).
Sau đó, Thảo đi vào phòng ngủ lấy một cái gối đi ra võng đè 2 con ngạt thở tử vong. Sau khi 2 bé đã chết, Thảo để 2 bé nằm trên giường và bỏ mùng xuống, lấy quần áo, điện thoại đi về nhà cha ruột ở tỉnh Hậu Giang,…
Đối tượng Nguyễn Thị Thảo.
Đó chỉ là hai trong hàng loạt những vụ án vụ án rúng động xảy ra liên tiếp thời gian gần đây. Thường gây ra án mạng phải có những mâu thuẫn nặng nề, còn đối với hai vụ án này, lý do chẳng đâu vào đâu, khi đối tượng mất ngủ nên tìm người có mâu thuẫn rất nhỏ nhặt với mình để giết. Hay đối với người phụ nữ ở Kiên Giang, giết con vì lý do sợ theo mẹ thì con khổ, mà cho theo thì không nuôi nổi.
Còn nhiều vụ án mạng khác xảy ra vì những lý do... trên trời như: cãi nhau vì để xe máy trước cửa hiệu, nhìn đểu nhau trong quán, va chạm giao thông, đâm chết người tình vì đưa ít tiền khi chia tay... Những vụ án này không khỏi làm dư luận bàng hoàng và đặt câu hỏi, liệu có những cảnh báo hay giải pháp nào nào để tội ác không tiếp tục xảy ra?
Lý giải nguyên nhân này, PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát (Học viện CSND) cho rằng, các vụ án giết người vẫn xảy ra từ xưa đến nay nguyên nhân và điều kiện phạm tội chủ yếu là do mâu thuẫn trong tình ái, mâu thuẫn tình cảm, mâu thuẫn trong làm ăn, tranh chấp kinh tế, tranh chấp quyền lực và cũng có thể do bệnh lý.
Các vụ sát hại có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xã hội
Nhưng thời gian gần đây, nhiều vụ thảm án lại bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội. Dẫn chứng thực tế, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết, mặc dù sống trong thời đại công nghệ, nhưng vì mưu sinh cuộc sống, nhiều người gần như mù về kiến thức xã hội, pháp luật, thiếu hiểu biết để phòng ngừa, đề kháng với những áp lực cuộc sống. Chính vì vậy, trong cuộc sống nếu xảy ra tranh chấp, xung đột, khi có điều kiện sẽ bùng phát tạo thành những hành vi mang tính bản năng, mất kiểm soát.
PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm.
“Đó là những căn nguyên rất sâu xa, hằng ngày, hằng giờ gặm nhấm tâm hồn, gặm nhấm nhận thức, tác động tiêu cực đến lối sống, suy nghĩ, tình cảm. Ví dụ, sống trong gia đình thường xuyên có tranh chấp, xung đột, bạo lực, ly tán, đổ vỡ, ứng xử với nhau không văn hóa, hoặc có tranh chấp kinh tế, tài sản, tình cảm rất dễ dẫn đến bùng nổ, mất kiểm soát”- Đại tá Đỗ Cảnh Thìn nói.
Cùng với đó, theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, môi trường sống hiện nay, mỗi gia đình, khu phố, cộng đồng dân cư thiếu sự gắn kết, không chú trọng gắn kết tình cảm gia đình, nghĩa tình làng xóm, sống ai mặc người đó biết. Cho nên, những xung đột, những vấn đề trong tư tưởng không được kịp thời ngăn chặn hóa giải, để khi xảy ra hậu quả rồi mọi người mới ngỡ ngàng.
“Vai trò trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể quần chúng của địa phương, trong những trường hợp này gần như mất vai trò. Đáng lẽ đưa họ vào những tổ chức lành mạnh như các phong trào địa phương, những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phụ nữ, thanh niên thì lại bỏ lơi. Việc ai người đó làm”-Đại tá Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ thêm.
Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, nếu tổ chức này sát dân, gần dân, thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt lành mạnh thì các mâu thuẫn, xung đột tích tụ được hóa giải dần. Người ta tìm đến với nhau, tìm đến môi trường sống lành mạnh, qua đó, hạn chế được những vấn đề mang tính bạo lực.
Để phòng ngừa tội ác thì theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Thìn là phải kịp thời hóa giải được những mâu thuẫn nêu trên. Cùng với đó, cần tuyên truyền cho người dân hiểu biết được pháp luật, phải phân tích cho người dân hiểu để biết nếu để xảy ra tình trạng đó bản thân họ phải trả giá như nào cho gia đình, xã hội, danh dự dòng họ và tương lai con em,…
“Được tuyên truyền đầy đủ sẽ không bao giờ họ làm. Việc đó giao các tổ chức địa phương. Tạo ra môi trường sống lành mạnh, môi trường giao tiếp, quan hệ tốt, tạo cho người dân các sinh hoạt mang tính cộng đồng, lành mạnh. Qua đó, phát hiện và hóa giải những mâu thuẫn manh nha suốt hiện”- Đại tá Thìn nói.
Luật sư Nguyễn Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính Pháp Hà Nội
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính Pháp Hà Nội nhận định, dù là nguyên nhân nào thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về hậu quả pháp lý, nếu có căn cứ xác định người khi thực hiện hành vi giết người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Đối với trường hợp không mắc bệnh thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến chung thân hoặc tử hình.
Để phòng ngừa tội phạm, giảm thiểu tối đa những vụ án hiện nay, theo Luật sư Cường chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức người dân. Đặc biệt, cần sự vào cuộc chính quyền địa phương trong công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quân tâm sát sao đời sống người dân, hóa giải, giải quyết triệt để những mâu thuẫn, tranh chấp. Bên cạnh đó cần giữ gìn những nét đạo đức, văn hóa truyền thống; nâng cao ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật. Đối với những người phụ nữ sau sinh thì gia đình cần đặc biệt quan tâm, chia sẻ, động viên để giúp đỡ họ có cuộc sống tích cực hơn./.
Theo VOV