Giết 2 mạng người trong vòng 5 năm nhưng đối tượng Nguyễn Xuân Lộc (trú thôn 3, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) nhờ vào bệnh án tâm thần mà thoát khỏi tù tội.
Bà Nguyễn Thị Lan - mẹ của anh Nguyễn Văn Kha từng bị Lộc bắn chết, viết đơn gửi tòa khẳng định, Lộc hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu tâm thần. Ảnh: H.L
Đáng lẽ ra, Lộc đã bị tâm thần, mất lý trí với nhiều hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì buộc phải đi chữa bệnh. Thế nhưng khó hiểu là đúng thời gian này, Lộc bỗng “khỏe mạnh” rồi nộp hồ sơ đi học, thi tuyển và cấp bằng lái xe hạng B2 (!?)
Bà Nguyễn Thị Lan (trú phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Kha - kể, tối 20.1.2016, Nguyễn Xuân Lộc điều khiển ôtô chở nhóm bạn, cùng Trần Kiêm Hoàng (đi xe môtô) đến ăn tối tại một quán phở tại TP.Buôn Ma Thuột. Tại đây Lộc gây sự với con bà Lan rồi cùng đồng phạm nổ súng bắn con bà tử vong.
Trước đó, ngày 6.10.2011, Lộc cũng là chủ mưu của một vụ án mạng khiến 1 người chết nhưng nhờ có bệnh án tâm thần được chứng nhận sau thời điểm gây án khoảng 4 tháng nên thoát tội.
Theo tài liệu PV có được, ngày 22.10.2013 - tức trong thời gian được cho Lộc đi chữa bệnh tâm thần, trong danh sách 60 học viên tham dự lớp học lái xe hạng B2 do Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi (trụ sở tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) có tên Nguyễn Xuân Lộc sinh năm 1992, thôn 3, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Lớp học này khai giảng vào ngày 15.10.2013 và đến ngày 15.1.2014 khóa học bế giảng.
Ông Nguyễn Thiên Phương - Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi - thông tin, theo quy trình, trước khi làm hồ sơ, học viên phải đảm bảo về sức khỏe mới đủ điều kiện học. Khi có sức khỏe tốt, học viên học lái và đến ngày thi sát hạch, nếu đạt sẽ được cấp bằng. Trước yêu cầu của PV về việc cung cấp hồ sơ đối với trường hợp của Nguyễn Xuân Lộc, ông Phương nói: “Theo quy định của Bộ GTVT thì tất cả hồ sơ gốc phải trả lại cho các học viên, trường chỉ lưu lại danh sách các học viên...”.
Còn theo một lãnh đạo Phòng Vận tải phương tiện và người lái - Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, việc kiểm tra hồ sơ học viên thi bằng B2 được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ quy định của Bộ GTVT đề ra. Trước câu hỏi về việc những trường hợp nào, nơi cấp bằng lái xe có quyền từ chối hồ sơ của học viên, vị lãnh đạo Phòng Vận tải phương tiện và người lái Đắk Nông nói: “Nếu cơ quan chức năng có kết luận và gửi thông báo trường hợp này bị tâm thần thì sở sẽ làm các thủ tục đúng quy trình, sau đó ra quyết định thu hồi bằng lái xe cấp cho Lộc và sẽ thông báo trên toàn quốc”.
Diễn biến khác, về địa phương nơi Lộc đăng ký hộ khẩu thường trú, đại diện lãnh đạo Công an xã Tâm Thắng (huyện Cư Jut) cho biết, mặc dù đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 3, xã Tâm Thắng nhưng Nguyễn Xuân Lộc nhiều năm nay không ở tại địa phương. “Việc Lộc giết người rồi có bệnh án tâm thần... thì toà án đã phán quyết. Riêng tại địa phương, gia đình Lộc luôn chấp hành các quy định của pháp luật” - lãnh đạo công an xã Tâm Thắng nói.
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng phân tích: Trong quá trình xô xát, nổ súng khiến anh Kha tử vong và nghiên cứu các bản tự khai, biên bản lấy lời khai của Nguyễn Xuân Lộc thể hiện Lộc rất tỉnh táo khi khai báo về diễn biến hành vi phạm tội của mình; sau khi phạm tội đến cơ quan công an đầu thú. “Thế nhưng Viện KSND tỉnh Đắk Lắk quyết định Tạm đình chỉ đồng thời áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Lộc là chưa có căn cứ thuyết phục, giải quyết vụ án không triệt để” - trích bản kháng nghị của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.H.L
Theo Lao động