Đinh Thị Cận (SN 1969) quê ở huyện Sơn Động có hộ khẩu thường trú tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Trước nhu cầu tìm việc làm, Cận đã thông tin cho nhiều người biết về gia thế nhà chồng nên có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo, có khả năng xin việc vào biên chế. Bằng thủ đoạn này, đối tượng đã lừa đảo của 20 người với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Bị lừa vì tin vào gia thế
Trong số những nạn nhân bị Cận lừa, thiệt hại nhiều nhất là ông Nguyễn Huy Ch (SN 1970)-giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với tổng số tiền 1,12 tỷ đồng. Hôm tôi đến nhà riêng ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, ông khéo léo bố trí để cuộc nói chuyện của chúng tôi không cho cha mẹ biết, sợ người già suy nghĩ lại đột quỵ thì khổ.
Ông bảo: “Đây là lần đầu tiên tôi bị lừa nên vô cùng sốc, mất ăn mất ngủ hàng tháng trời. Sau 2 năm theo đuổi vụ án, tuần trước, TAND tỉnh xét xử bà Cận, tôi cũng tạm nguôi ngoai phần nào. Bởi lẽ bản thân trực tiếp nhận tiền của 10 trường hợp toàn con cháu. Sợ mọi người dị nghị cho rằng tôi đứng ra môi giới để kiếm chác, nên khi tòa xét xử công khai, tôi cảm thấy thanh thản. Mặc dù trong vụ án này, tôi đã bỏ tiền túi ứng trước gần nửa tỷ đồng cho mọi người vay đưa cho bà Cận nhờ xin việc”.
Bị cáo Đinh Thị Cận tại phiên tòa.
Nén tiếng thở dài, ông Ch kể tiếp: Thông qua một người bạn thân, tôi biết bà Cận từng có thời gian dài đi lao động xuất khẩu tại CHLB Đức, nhà cao tầng mặt phố, có 2 xe hơi tiền tỷ. Đặc biệt là gia thế nhà chồng rất hoành tráng: Bố chồng nguyên là Giám đốc Ty Thương binh Hà Bắc (nay là Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang), anh ruột chồng làm chức to ở Bộ Công an, chồng là cán bộ nhà nước…
Tôi nghĩ ở vị trí đó thì sự quen biết của bà ta sẽ rộng rãi, việc xin biên chế nằm trong tầm tay nên tìm đến. Trước khi đưa tiền, tôi cũng cẩn thận đến nhà riêng vài lần, đồng thời hỏi qua nhiều người thì đều được trả lời đại loại rằng: “Ai chứ gia đình nhà ấy bề thế, nền nếp và có uy tín lắm, chắc chắn là họ có cửa xin việc, chứ họ lừa đảo làm gì vài trăm triệu của chú để mang tiếng cả đời nhà người ta à”.
Gom hồ sơ kiểu... đa cấp
Ông Ch có nhiều cháu tốt nghiệp một số trường cao đẳng và đại học chính quy nhưng mấy năm rồi mà chưa có việc làm. Nhận thấy việc học hành của chúng cũng không phải tốt nên nếu có thi công chức, viên chức thì tỷ lệ đỗ cũng không cao. Được bà Cận gợi ý xin được vào biên chế ngành y, giáo viên hoặc kế toán trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh, mỗi trường hợp 180 triệu đồng nên ông đồng ý.
Bên cạnh đó, bà còn thông tin nếu gom được càng nhiều hồ sơ xin việc thì chi phí càng giảm (theo kiểu kinh doanh đa cấp), chỉ còn 120 triệu đồng; trong trường hợp bất khả kháng không xin được sẽ hoàn trả lại tiền. Vì vậy, ông Ch đã thông tin với gia đình các cháu để lo tiền.
Đặc biệt, đối tượng liên tục căn dặn những trường hợp nào đã nộp hồ sơ thi tuyển thì cứ thi bình thường, Cận sẽ lo để được thi đỗ. Những trường hợp đã thi nhưng không đỗ sẽ lo chu đáo để xét tuyển bổ sung, còn lại chỉ cần nộp hồ sơ.
Tin lời Cận và áp lực lo công ăn việc làm cho các cháu, ông Ch đã nhiều lần chuyển cho bà Cận tổng số 1,12 tỷ đồng để chi phí cho 10 hồ sơ xin việc, trong đó có 640 triệu đồng của những người thân, còn lại ông ứng ra 480 triệu đồng cho các gia đình vay. Cẩn thận, ông còn lưu lại các tin nhắn, viết giấy vay tiền, ghi âm các cuộc nói chuyện giữa ông và bà Cận để làm bằng chứng nếu xảy ra rủi ro.
Tuy nhiên, quá thời hạn mà chưa thấy cháu nào có việc làm, biết là ông Ch sẽ hỏi, Cận nghĩ ra kế là “vui mừng” thông tin với ông Ch rằng “Trường hợp A, trường hợp B… đang làm quyết định rồi, mấy hôm nữa sẽ đi làm. Chú thông tin cho gia đình và các cháu ngay đi để chúng háo hức, đỡ nóng ruột”.
Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác, liên tục là những lời hứa hão. Khi ông Ch gay gắt đòi lại tiền, nếu không sẽ làm đơn tố cáo thì đối tượng Cận đã đem 100 triệu đồng nhờ cơ quan công an chuyển cho ông Ch trước khi bị khởi tố.
Người dân cần hết sức cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo thông qua hứa xin việc.
Cũng với mánh khóe và thủ đoạn hứa xin việc tương tự, Cận còn nhận tiền của 10 người dân khác ở các xã: Đồng Cốc, Giáp Sơn, Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (trung bình mỗi suất 150 triệu đồng).
Ngoài ra, Cận còn vay gần 1 tỷ đồng của nhiều anh em, bạn bè. Theo nguồn tin của phóng viên thu thập được, số tiền chiếm đoạt Cận và con trai dùng để chi tiêu cá nhân và đánh bạc, không có khả năng trả nợ.
Đừng mơ hồ “chạy” được vào biên chế
Đại tá Triệu Công Tám, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết: Để được vào biên chế phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước, có thi tuyển công khai, minh bạch. Người dân đừng bao giờ mơ hồ là chỉ cần chi ra một khoản tiền là con em mình có thể vào được biên chế. Trước kia, một số cơ quan không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển, có thể ở đâu đó, bằng mối quan hệ cũng xin được nhưng cũng chỉ một đến hai trường hợp, chứ không bao giờ có thể xin cho hàng chục người như lời hứa của Đinh Thị Cận ở trên.
Ngày 29-8, Đinh Thị Cận bị TAND tỉnh tuyên phạt 15 năm tù vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố con trai của Cận là Nguyễn Đức Việt (SN 1991) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. |
Qua vụ án này, ông Tám cảnh báo, mặc dù Đảng và Nhà nước đã thắt chặt việc tuyển dụng nhưng số vụ lừa đảo xin việc làm vào biên chế vẫn liên tục xảy ra. Mỗi người dân hãy nâng cao cảnh giác, đừng nhẹ dạ, cả tin để rồi rơi vào “bẫy” kẻ xấu. Trong nhiều trường hợp, đối tượng lừa đảo hứa sẽ xin được vào biên chế qua đường “chạy tiền”. Thực tế có những cá nhân vào được là do họ nộp hồ sơ thi công chức và đỗ bằng khả năng thực sự. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo lại tung tin rằng những trường hợp thi đỗ như vậy là do có bàn tay của chúng can thiệp. Vì vậy, nhiều người dân càng tin tưởng là có tiền sẽ xin được vào biên chế nên đưa tiền cho chúng để rồi tiền mất, cơ hội việc làm cho con cháu bị lỡ dở.
Hiện nay, nhiều đối tượng giả vờ mình có khả năng xin được việc làm để nhận tiền của nạn nhân. Số tiền đó chúng dùng vào mục đích khác như mua bán bất động sản, kinh doanh... mà không mất một đồng trả lãi. Quá thời hạn hứa hẹn, nạn nhân đòi lại chúng sẽ trả nhưng bị bớt đi một lượng tiền đáng kể và nói rằng đã chi số đó cho việc tiếp khách, quà cáp, nay không xin được việc thì hoàn trả phần còn lại. Người dân cần nâng cao cảnh giác với thủ đoạn này.
Theo Báo Bắc Giang