Theo các chuyên gia pháp lý, đơn vị quản lý tuyến cao tốc phải có trách nhiệm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo lưu thông an toàn.
Người dân đốt đồng khiến khói bay dày đặc vào cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây chiều 3/4. Tài xế không thể quan sát dẫn đến 10 ôtô tông nhau ở cả hai chiều đường, 4 người bị thương.
Đơn vị quản lý cao tốc có trách nhiệm đầu tiên
Theo luật sư Nguyễn Minh Tường (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), để giải quyết hậu quả vụ tai nạn cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng chủ thể liên quan. Trong trường hợp này, trước tiên, cần xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của đơn vị quản lý tuyến cao tốc - Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam, VEC E.
Thông tư 90/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định, trách nhiệm của chủ đầu tư là phải đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc. Trách nhiệm của đơn vị khai thác, bảo trì là thực hiện việc tuần tra theo quy định và đảm bảo an toàn giao thông.
Trong đó, nhân viên tuần tra phải có trách nhiệm phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố trên cao tốc; các vi phạm, tai nạn, sự cố ảnh hưởng đến an toàn giao thông và phải báo cáo kịp thời.
Do đó, khi phát hiện tình trạng bất thường như có khói mật độ dày gây hạn chế tầm nhìn, nhân viên tuần tra phải báo cáo và có phương án kịp thời xử lý như thông báo cho người tham gia giao thông biết bằng mọi hình thức. "Cơ quan chức năng phải xem xét VEC E đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình khi xảy ra sự cố chưa", ông Tường nêu quan điểm.
Khói trên cao tốc Long Thành từ đám cháy bên đường chiều 3/4. Ảnh: Hoàng Hải.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Quốc Dũng (Trưởng văn phòng Luật sư Trần, TP HCM) cho rằng, cao tốc cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độc cao và là nguồn nguy hiểm cao độ nếu xảy ra tai nạn. Đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc phải có trách nhiệm đảm bảo những kỹ thuật lẫn điều kiện để các xe lưu thông an toàn.
"Người dân đã trả phí để được sử dụng dịch vụ lưu thông tốc độ cao, được xem là 'hợp đồng dịch vụ'. Do đó họ phải được đảm bảo an toàn khi lưu thông. Nếu tai nạn xảy ra mà lỗi được cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm thuộc đơn vị khai thác, bảo trì thì đơn vị này phải bồi thường theo Bộ luật dân sự năm 2015", luật sư Dũng phân tích.
Khó quy trách nhiệm cho người đốt đồng
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM), việc đốt rơm sau mỗi vụ thu hoạch lúa là hoạt động bình thường theo truyền thống của nông dân Việt Nam. Bản thân họ không nghĩ khói sẽ gây ra tai nạn. Thực tế khói theo gió lan đến cao tốc chứ họ không cố ý đốt rơm ngay trên đường cao tốc, hoặc trong hành lang an toàn của đường cao tốc.
"Do vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người đốt rơm đặt ra trong trường hợp này là không thể", luật sư Mạch cho biết.
Nguyên nhân tai nạn từ một sự kiện khách quan, nên trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này thuộc về các công ty bảo hiểm mà người tham gia giao thông và chủ phương tiện đã mua. Bởi khói là sự kiện bất khả kháng như một dạng sương mù đột ngột, không thể dự báo kịp.
Còn luật sư Nguyễn Minh Tường cho rằng, đến nay chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh việc người dân đốt ruộng khiến khói tạt lên cao tốc làm giảm tầm nhìn gây tai nạn. Tuy nhiên, cần phải xem xét các quy định liên quan để làm rõ hành vi này có vi phạm pháp luật hay không mới có thể xác định lỗi và quy trách nhiệm cho người đốt ruộng được.
Nếu vị trí cỏ khô, rơm rạ bị đốt nằm trong phạm vi giới hạn hành lang an toàn đường bộ (Nghị định số 100/2013 sửa đổi Nghị định số 11/2010) thì người đốt đã vi phạm quy định pháp luật, phải chịu trách nhiệm. Nếu nằm ngoài giới hạn hành lang an toàn đường bộ thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ đặt ra khi chủ thể thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản mà gây ô nhiễm môi trường… theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Đơn vị quản lý cao tốc Long Thành cảnh báo khói trên các bảng điện tử. Ảnh: Vân Quỳnh.
Tài xế cũng có lỗi
Các luật sư đều cho rằng, tài xế tham gia giao thông trong trường hợp này cũng có một phần lỗi chủ quan.
Tại Điều 5, Thông tư 91/2015 Bộ Giao thông Vận tải, trong một số trường hợp, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải giảm tốc độ tối đa cho phép như: trời mưa, có sương mù, khói, bụi, mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi...
"Các tài xế phải nhìn thấy khói từ xa. Trong trường hợp này hoàn toàn có thể chọn phương án giảm tốc độ hoặc dừng lại ven đường một cách an toàn", luật sư Dũng nêu quan điểm.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương (Phó giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam, VEC E) cho biết, ngay khi phát hiện khói nhân viên tuần tra cao tốc chạy đến xử lý sự cố. Nhưng khi đến hiện trường thì tai nạn liên hoàn đã xảy ra. Trên cao tốc đã được lắp hệ thống giám sát ITS thông minh. Tuy nhiên, trường hợp hôm qua, camera vướng cầu Đồng Môn (Đồng Nai) nên không thấy khói bốc lên chi tiết. VEC E sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở bà con cẩn thận khi đốt rơm. Đơn vị sẽ tăng cường công tác tuần tra, giám sát trong mùa khô để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. |
Theo Hải Duyên/VnExpress