Ngày 26/1, tiếp tục phần tranh luận phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, đại diện 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đồng loạt phản bác quan điểm và yêu cầu của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa và Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) trong việc buộc 3 ngân hàng
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa ngày 17/1. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Trước đó, tham gia phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện VNCB đã yêu cầu TPBank phải bồi hoàn 1.740 tỷ đồng thiệt hại cho VNCB, Ngân hàng Sacombank phải bồi hoàn 1.835 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV phải bồi hoàn hơn 2.550 tỷ đồng.
Đồng loạt đại diện TPBank, BIDV và Sacombank đều cho rằng yêu cầu nói trên là không có căn cứ, không phù hợp vì VNCB không bị thiệt hại số tiền lớn như vậy, các giao dịch cho vay và thu hồi vốn vay đều tuân thủ quy định của pháp luật; để xảy ra sai phạm, thất thoát 6.126 tỷ đồng thuộc về trách nhiệm của VNCB nên các ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV không có nghĩa vụ phải bồi hoàn.
Thay vào đó, Phạm Công Danh và cán bộ của VNCB phải bồi hoàn thiệt hại 6.126 tỷ đồng cho chính VNCB.
Theo đại diện TPBank, không có căn cứ để VNCB yêu cầu TPBank phải bồi thường 1.740 tỷ đồng thiệt hại nên TPBank không chấp nhận yêu cầu của VNCB cũng như quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định, tháng 5/2013 để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn điều lệ cho VNCB, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, đã chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) tìm cách rút tiền khỏi VNCB để Danh sử dụng.
Thực hiện kế hoạch này, bằng 11 công ty của mình, bị cáo Danh đã chỉ đạo, bàn bạc với các đồng phạm rồi thống nhất với Nguyễn Việt Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt để vay tiền tại TPBank mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.
Sau đó, TPBank đã chấp nhận cho 11 công ty của Danh vay 1.666 tỷ đồng, qua đó gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.
Bào chữa quyền lợi cho Sacombank, luật sư Lê Thị Tường Vy cho rằng, Sacombank không có lỗi, các giao dịch cho vay là đúng quy định, việc giải ngân chỉ thực hiện sau khi có tài sản đảm bảo hoặc cầm cố. Mặt khác, bản thân VNCB không đưa ra được chứng cứ chứng minh thiệt hại 6.126 tỷ đồng như cáo buộc của bản cáo trạng. Từ đó, việc thu hồi số tiền này thuộc về trách nhiệm của VNCB chứ không phải của Sacombank.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Pháp chế BIDV cho rằng, việc yêu cầu bồi thường 6.126 tỷ đồng thiệt hại cho VNCB là không phù hợp với trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự vì Phạm Công Danh và đồng phạm mới chính là người phải có trách nhiệm bồi thường khi bị truy tố, xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng."
“Bản thân BIDV tất toán tiền gửi 3.141 tỷ đồng cho VNCB đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bên cho vay, việc giao dịch không phải với cá nhân Phạm Công Danh mà với VNCB và 12 pháp nhân công ty độc lập. Vì thế BIDV không phải chịu trách nhiệm do chính hành vi sai phạm của lãnh đạo, cán bộ VNCB. Nếu xem việc BIDV bồi thường 2.550 tỷ đồng tiền thiệt hại cho VNCB thì cũng phải xem đây là tang vật vụ án và phải tịch sung công quỹ Nhà nước chứ không phải đòi lại cho VNCB”, bà Nguyễn Thị Phương nêu quan điểm.
Sáng 27/1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận, sau đó tòa nghỉ ngày chủ nhật (28/1) và sẽ làm việc lại vào ngày thứ 2 (29/1)./.
Theo Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)