Trong phần tự bào chữa, Trầm Bê bật khóc và cho rằng chỉ mong muốn làm những điều có lợi cho xã hội, không muốn làm hại ai cả nên đề nghị xem xét giảm mức án mà Viện Kiểm sát đã đề nghị.
Ngày 24/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm bước sang ngày xét xử thứ 18 với phần bào chữa của các luật sư cho nhóm các bị cáo là bảo vệ, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, bào chữa cho nhóm lãnh đạo Sacombank, TPBank.
Trầm Bê xin giảm nhẹ hình phạt vì không muốn làm hại ai.
Bào chữa cho bị cáo Trầm Bê, luật sư Trần Quốc Khánh cho rằng: “Do chịu áp lực phải thanh toán nợ vay và bảo đảm thanh khoản nên HĐQT VNCB đã chủ trương lấy tài sản là số dư tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng làm tài sản bảo đảm cho các công ty vay tiền tại những tổ chức tín dụng khác. Do hoàn cảnh bức bách phải cứu VNCB mà ý thức thực hiện hành vi cố ý làm trái của ông Danh cùng thuộc cấp đã hình thành. Trong giai đoạn này hoàn toàn không có sự hiện diện hay can dự gì của ông Trầm Bê”.
Theo vị luật sư này, khi đến gặp ông Bê vào giữa tháng 4/2013 tại trụ sở Sacombank để vay tiền, ông Danh cũng không cho ông Trầm Bê biết mục đích thật của việc sử dụng tiền vay, cũng như tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng tại VNCB.
Khi đồng ý về chủ trương cho 6 công ty do ông Danh giới thiệu vay tiền tại Sacombank, ông Bê luôn đưa ra điều kiện là phải có tài sản bảo đảm bằng tiền gửi hoặc bất động sản có giá trị, còn nếu là tài sản của VNCB thì phải có nghị quyết của HĐQT chấp thuận về việc bảo lãnh thì hồ sơ vay mới được xem xét. Điều này thể hiện rất rõ tại các lời khai của ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) trong quá trình điều tra. Bên cạnh đó, còn phù hợp với lời khai của ông Danh cùng cấp dưới trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa.
Luật sư lý luận: “Quan hệ giữa ông Bê và ông Danh là quan hệ giữa 2 doanh nhân, là chủ của 2 pháp nhân kinh doanh độc lập và không đồng nhất về mặt lợi ích”.
Luật sư đã dẫn chứng kết luận thanh tra của Sacombank, kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc Sacombank cho vay 1.800 tỉ đồng là đúng theo quy định và không có thiệt hại.
Luật sư cho rằng, trong vụ án này có không ít các quan chức ngân hàng cũng có cùng hành vi như ông Trầm Bê, nhưng với các nhân vật này thì Cơ quan tố tụng lại cho rằng hành vi của họ không cấu thành tội phạm và chỉ đề nghị xử lý hành chính, trong khi đó lại áp dụng chế tài hình sự với ông Bê và ông Phan Huy Khang. Việc áp dụng pháp luật như vậy là không công bằng và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trước pháp luật mọi người đều bình đẳng.
Đồng thời, luật sư còn nhắc đến trách nhiệm của tổ giám sát NHNN, vì khi chuyển tiền của VNCB từ Sở Giao Dịch Ngân hàng Nhà Nước về Sacombank, Phan Thành Mai có lập “Tờ trình xin ý kiến của Tổ Giám Sát” và đã được ký.
Từ những phân tích này, luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh mà Viện KSND Tối cao đã truy tố ông Trầm Bê là đồng phạm cùng Phạm Công Danh phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong phần bào chữa bổ sung, bị cáo Trầm Bê nói rằng trong hoạt động tín dụng của mình không thể nào tránh sai sót trong bối cảnh lúc đó luật về tín dụng không quy định rõ ràng nên ông mới cho phía VNCB vay tiền. Đối với mức án 5 -6 năm tù mà Viện KSND TPHCM đề nghị thì Trầm Bê cho rằng là quá nặng.
"Tiền không phải của tôi mà tiền của nhân dân gửi vào, cho nên khi cho vay thì phải bàn bạc với HĐQT kỹ càng, tôi không có hưởng lợi vì hành vi cho ông Danh vay" - ông Bê trình bày.
Bị cáo Bê khẳng định bị cáo chỉ mong muốn làm những điều có lợi cho xã hội, không muốn làm hại ai cả. Từ đó, ông xin HĐXX xem xét mức án thấp hơn mức mà Viện KSND đã đề nghị để sớm trở về vì ông không có gây hại cho xã hội.
Ngoài ra, ông Trầm Bê nói rằng ông thấy cho VNCB vay được nên mới chỉ đạo ông Phan Huy Khang cho vay. Nếu không có lệnh của ông thì ông Khang sẽ không thể cho vay. Từ đó, ông Trầm Bê đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho ông Khang.
Theo Xuân Duy/Dân trí