Tại tòa, đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB) đề nghị 46 bị cáo và hơn 140 cá nhân được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự, trừ 3 ngân hàng, tùy mức độ mà chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, hoàn trả hơn 6.000 tỉ cho ngân hàng này.
Ngày 18/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Phạm Công Danh.
Mở đầu phiên tòa, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn) đã đặt một số câu hỏi liên quan đến khoản tiền mà ông Danh chuyển cho bà Phấn.
Theo luật sư Thơ, từ khi khởi tố đến nay, bà Phấn chưa được các cơ quan tố tụng lấy lời khai của với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là nhân chứng cũng như những vấn đề liên quan. Trong khi đó, cáo trạng của Viện KSND Tối cao quy kết bà Phấn lấy tiền từ tài khoản của ông Danh chuyển cho bà Phấn để bà sử dụng. Trong khi đó, số tiền này ông Danh chuyển trả nhằm tái cơ cấu ngân hàng.
Luật sư Thơ đặt câu hỏi số tiền 600 tỉ đồng mà ông Danh đã trả cho bà Phấn như thế nào?
Theo ông Danh, từ khi tiếp nhận Trustbank, bà Phấn có một khoản nợ 30 tỉ đồng đi mượn các tổ chức tín dụng khác để trả lãi ngoài. Sau đó, ông Danh đã chuyển 30 tỉ đồng để bà Phấn trả nợ. Chủ tọa phiên tòa cắt lời ông Danh vì cho rằng số tiền này không liên quan 600 tỉ đồng mà tòa cần làm rõ.
“Vậy ông Danh có giao dịch dân sự cá nhân với bà Phấn hay không, hay số tiền 600 tỉ đồng nằm trong dòng tiền sử dụng tái cơ cấu VNCB?”, LS Thơ đặt câu hỏi.
Ông Danh né tránh và nói số tiền này ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) biết rõ nhất chứ ông không nhớ rõ. Còn ông Mai trả lời rằng sử dụng 600 tỉ đồng trả cho nhóm Phú Mỹ nhằm tái cơ cấu VNCB.
Ông Đặng Văn Thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước, cho biết: theo đề án tái cơ cấu, chủ ngân hàng mới tiếp nhận phải chịu trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng cũ.
Trước đó, chiều 17/1, đại diện CB cho rằng tổng số thiệt hại theo cáo trạng hơn 6.126 tỉ đồng là hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân gồm Sacombank, TPBank, BIDV và các công ty liên quan đến khoản vay tại 3 ngân hàng này cùng các bị cáo đã bị khởi tố và đưa ra xét xử tại vụ án này.
CB đề nghị 46 bị cáo và hơn 140 cá nhân được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự, trừ 3 ngân hàng, tùy mức độ mà chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, hoàn trả 6.126 tỉ đồng.
Để làm rõ khoản tiền này, luật sư Lê Thị Tường Vy (bảo vệ quyền lợi cho Sacombank) hỏi đại diện CB về việc ngân hàng này yêu cầu các ngân hàng liên đới bồi thường khoản thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng.
Phía CB cho biết riêng khoản tiền yêu cầu Sacombank bồi thường là 1.835 tỉ đồng. “Căn cứ pháp lý cho phép chúng tôi trình bày sau ở phần tranh luận”, CB nói.
Luật sư Vương Quang Đức cũng chất vấn CB về khoản thiệt hại đó là dựa trên con số thực tế hay là theo cáo trạng. Đại diện CB cho rằng căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan tố tụng.
“Chúng tôi không liệt kê cụ thể trong đơn yêu cầu bồi thường vì đây không phải là tranh chấp dân sự giữa CB và 3 ngân hàng mà là từ kết quả điều tra truy tố. Con số thiệt hại này chúng tôi thấy phù hợp”, đại diện CB trả lời.
Phiên tòa tạm nghỉ tới ngày 22/1 sẽ bắt đầu tranh luận.
Theo Xuân Duy/Dân trí