Sau 3 năm ở trại, Thương vẫn giữ nguyên nét hồn nhiên. Khuôn mặt đó khiến cho người đối diện nghĩ rằng tội ác gây ra chỉ giống như một trò “trẻ con nghịch dại”.
Một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, mầm tội ác vốn xuất hiện từ khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ. Có hàng chục gene góp phần tạo ra hành vi bạo lực, trong đó 2 loại mạnh nhất là gene MAOA và CDH13 sẽ phát huy tác dụng kinh khủng nhất dưới ảnh hưởng của chất kích thích.
Hoàng Ngọc Thương đề nghị chụp ảnh từ phía sau để khi mãn hạn tù trở về có cơ hội làm lại cuộc đời
Lý giải từ nghiên cứu khoa học nghe có vẻ xác tín, song tôi vẫn tin vào câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Nói như vậy để nhấn mạnh rằng, nếu không phải vì rơi vào những hoàn cảnh, môi trường nhất định, con người ta sẽ không phạm tội, và đương nhiên, không phải trả bản án phía sau song sắt.
“Trò chơi” tàn nhẫn của những đứa “trẻ trâu”
Khi tập trung quan sát kỹ Hoàng Ngọc Thương trong cuộc gặp ngắn ngủi ở Trại giam Hoàng Tiến (Bộ Công an), tôi càng có thêm căn cứ cho luận điểm của mình. Sau 3 năm ở trại mà vẫn chưa đủ 20 tuổi, nên dù tiếp xúc với hàng trăm loại đối tượng hình sự khác nhau, Thương vẫn giữ nguyên nét hồn nhiên. Khuôn mặt đó khiến cho người đối diện nghĩ rằng tội ác gây ra chỉ giống như một trò “trẻ con nghịch dại”.
Bản thân Thương có lẽ cũng nghĩ vậy, nên hầu như không bị ám ảnh bởi hiện trường ghê rợn, gặp ác mộng hay tưởng tượng ra sự báo oán từ thế giới bên kia như những phạm nhân can án giết người thông thường khác. Hoặc là hình ảnh người đàn ông chết dưới tay Thương và 2 “ông anh xã hội” không lớn hơn là bao cũng không khác mấy so với những cảnh tượng nó đã thấy quá nhiều trong các trò chơi trực tuyến.
Có lẽ đó chỉ là “trò chơi” của một đứa “trẻ trâu” chưa có những định nghĩa rõ ràng về cuộc đời. Bởi khi gây án, Hoàng Ngọc Thương mới được 16 tuổi 6 tháng 13 ngày. Chiều 27-9-2014, Thương cùng Nguyễn Duy Chiến (SN 1997) và Lã Tuấn Anh (SN 1994) đến chơi nhà ông An, chủ hiệu cầm đồ ở Hải An, Hải Phòng, nơi cả ba từng làm giúp việc. Chúng bàn với nhau lấy thuốc ngủ cho ông An uống để lấy trộm tiền chơi game, nhưng sợ ông này tỉnh lại sẽ bị lộ nên không thực hiện.
Sáng hôm sau, sau khi “cày” game cả đêm ở quán Internet, ba đứa tiếp tục bàn nhau đánh ông An để lấy tài sản. Chúng đi xe đạp tới nhà ông An, bảo muốn vào thu dọn quần áo gửi ở đó từ trước. Sau khi vào nhà, ba đứa nhấm nháy nhau và nhận được sự đồng thuận, Tuấn Anh nhặt nửa viên gạch ở trước nhà vệ sinh giấu sau lưng.
Khi ông An đi ra hành lang trước cửa phòng khách, Tuấn Anh từ phía sau vít cổ, cầm gạch đập vào đầu nạn nhân nhưng không trúng. Hai bên giằng co, Chiến và Thương xông vào trợ giúp, vật ông An ngã xuống sàn nhà. Một đứa ngồi lên người nạn nhân, một đứa giữ chân để Tuấn Anh dùng gạch đập lên đầu, hỏi nạn nhân để tiền ở đâu.
Được chỉ chỗ cất tiền, Thương lấy được một tập tiền chừng hơn 6 triệu đồng. Trong phòng, Tuấn Anh và Chiến tiếp tục đánh và siết cổ nạn nhân. Khi ông An ngất đi, chúng tháo nhẫn, lục túi lấy tiền và điện thoại rồi khiêng nạn nhân vào nhà vệ sinh.
Trong lúc cả ba đang lau vết máu ở phòng khách, Tuấn Anh bảo Chiến kiểm tra xem ông An đã chết hay chưa. Phát hiện nạn nhân hồi tỉnh, Chiến đi ra gian chứa đồ sửa xe đạp lấy chiếc búa cán gỗ quay lại liên tiếp đập vào mặt nạn nhân, trong khi Tuấn Anh lấy khăn mặt bịt lên miệng cho đến khi nạn nhân không còn động đậy.
Từ nhà ông An về, chúng mang bán tài sản cướp được rồi lấy tiền đi chơi game tiếp. Chính vì tình tiết này mà khi vụ án được đưa lên mặt báo, người ta cáo buộc chúng là những sát thủ máu lạnh, dù đã ra tay đoạt mạng người khác khủng khiếp như vậy mà có thể coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng trong tâm trí của những kẻ nghiện game, hành động đó không khác gì việc đóng các vai các nhân vật trong game, đánh một trận trong đời thực mà thôi.
Tương lai sẽ khác, nếu…
Không bao lâu sau khi bố chết sau những năm dài nghiện ngập, mẹ Thương cũng qua đời vì chứng bệnh ung thư. Khi ấy nó mới học lớp 3, hai anh em được người bác là chị ruột của bố đưa về nuôi ở Cát Bi, Hải Phòng.
Phạm nhân được tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất để cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương)
Người bác tuy làm ruộng nhưng vì thương cháu côi cút nên cũng cố dành cho chúng những điều kiện vật chất tối thiểu, song đương nhiên không bù đắp được sự quan tâm sâu sát như bố mẹ đẻ. Cố gắng lắm mới theo được đến lớp 10, Thương bị buộc thôi học vì thường xuyên vi phạm kỷ luật nhà trường.
Thử hình dung ra một hoàn cảnh khác, trong đó Thương vẫn còn bố mẹ, một người bố tử tế chứ không nghiện ma túy. Giả sử nó được lớn lên trong tình yêu thương, sự chăm sóc, được uốn nắn, dạy dỗ bằng những điều hay lẽ phải mỗi ngày.
Các buổi chiều khi đi học về, nó được trò chuyện với bố, được mẹ chuẩn bị cho những món ăn mà nó thích, rồi mỗi tối sau bữa cơm ấm cúng, nó với đứa em gái lại được tranh nhau giúp mẹ dọn mâm… Nếu được như vậy, có lẽ tất cả mọi chuyện đã khác. Hoặc một tình huống bớt toàn vẹn hơn, bố vẫn chết vì ma túy, nhưng mẹ Thương còn sống.
Nhìn gương bố, nó tự nhận thức được phải tránh xa cái xấu, phải trở thành người đàng hoàng để mẹ và em đỡ khổ. Có mẹ động viên, nó không bỏ học giữa chừng, không lêu lổng…
Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Không còn bị ràng buộc, câu thúc bởi bất cứ thứ gì, những ngày tháng sau đó của Thương là tự do bất cần. Ban ngày nó đi lang thang chơi bời chỗ này chỗ nọ, được bác cho tiền thì nướng hết vào game online, tối đến mới mò về ăn rồi ngủ. Chính trong quãng thời gian này, Thương gặp và kết bạn với Tuấn Anh và Chiến. Trong suy nghĩ đơn giản của thằng bé mới lớn ấy, làm gì có khái niệm “chọn bạn mà chơi”, miễn sao cứ tự do và vui là được.
Lại tiếp tục hình dung, nếu như Thương gặp được những người bạn tốt. Hoặc nếu như nhóm Thương không bị chính nạn nhân lạm dụng tình dục…
Cuộc đời sẽ cứu vớt cuộc đời
3 năm bị cách ly với xã hội bên ngoài, bao gồm cả thời gian bị tạm giam và sau khi thành án, Thương đã trưởng thành lên nhiều về suy nghĩ. Đang tuổi bay nhảy, giờ đây không gian sống bó hẹp trong 4 bức tường của trại giam, dù vẫn được đảm bảo những điều kiện nhất định để phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, Thương cũng đủ nhận thức để thấy được những gì mình đã mất.
Không còn chìm đắm trong các pha chém giết, đánh đấm đầy máu me bạo lực trên game, Thương có thời gian nghĩ nhiều hơn về gia đình - về người bác, về đứa em gái nhỏ và về chính bản thân mình. Học được nghề làm áo mưa, Thương bảo bây giờ nó chỉ cố cải tạo thật tốt, không vi phạm kỷ luật để được xem xét giảm án vào đợt sớm nhất.
- “Em nghĩ thế nào về việc mình đã gây ra? - Tôi hỏi Thương.
Em biết đó là việc sai trái và sẽ không bao giờ để sự việc xảy ra nữa.
- Thế bây giờ nếu được gọi điện cho ai đó, em sẽ gọi cho ai?
Em gọi cho bác.
- Em sẽ nói gì với bác?
Nói là cháu xin lỗi…
- Sau này khi mãn hạn, em muốn làm gì?
Em đi làm để lấy tiền nuôi em”…
Những lần có cơ hội đến với các trại giam khiến tôi dần dần thay đổi định kiến và cả cái nhìn khắt khe của mình với tội phạm, để rồi tin rằng bản chất thiện lương trong mỗi con người, dù ít dù nhiều cũng vẫn luôn tồn tại, thậm chí là sau khi họ gây ra những tội lỗi tưởng chừng khó dung tha.
Và nếu như pháp luật nghiêm minh không tước đi của họ vĩnh viễn quyền được sống, thì đồng loại cũng đừng làm vậy. Đôi khi chỉ cần thay đổi một suy nghĩ rất giống nhân vật thanh tra Javert trong “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo: “Một khi đã phạm tội, cả đời sẽ là tội phạm”, chúng ta đã có thể cứu vớt được không chỉ một cuộc đời.
Nói vậy bởi tôi thấy lo cho tương lai của Thương hay bất cứ người nào còn trẻ cùng hoàn cảnh. Cũng mong Thương sẽ biết nghĩ như những gì đã nói, để khi cánh cửa trại giam nặng nề lạnh lẽo mở ra, họ sẽ là một con người khác, đủ chín chắn, từng trải và bản lĩnh để chọn cho mình một con đường đúng đắn.
(*) Tên nạn nhân đã được thay đổi
Theo An ninh thủ đô