Quan điểm bào chữa của luật sư hai bên đang rẽ 500 tỷ của Oceanbank sang hai đích thụ hưởng là Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn.
Ngày 18/9, luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh – cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), người bị VKS Nhân dân Tối cao truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) cho rằng, trách nhiệm hoàn trả 500 tỷ đồng cho Oceanbank thuộc về bị cáo Hứa Thị Phấn.
Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng, thời điểm trước khi chuyển giao Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh, Đại Tín thuộc dạng ngân hàng yếu kém âm vốn sở hữu hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế là hơn 6.000 tỷ đồng.
Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử đại án Oceanbank.
Do đó, vào tháng 2/2012, nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn đã thống nhất chuyển nhượng lại cho Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank. Dẫn thư gửi cơ quan điều tra, luật sư của Phạm Công Danh cho hay, đó là một loạt giấy tờ chuyển nhượng được ký khống.
Đến tháng 5-6/2012, Hà Văn Thắm không tiếp tục thực hiện việc nhận chuyển nhượng như đã thống nhất với nhóm Phú Mỹ và chủ động chuyển giao cổ phần sang cho nhóm Thiên Thanh của Phạm Công Danh. Sau này Ngân hàng Đại Tín được Phạm Công Danh đổi tên thành VNCB.
Toàn bộ hồ sơ khống này được chuyển giao, theo quan điểm của luật sư là trái pháp luật và không có giá trị.
Đối với khoản vay trong vụ án này, ngoài tài sản thế chấp ngoài 100% cổ phần của Công ty Trung Dung – công ty đứng ra vay tiền và cũng là công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm chủ, thì tài sản thế chấp còn có của nhóm Phú Mỹ, như cổ phiếu của Tập đoàn SSG, giấy tờ dự án đất…
Luật sư của cựu Chủ tịch VNCB cho rằng, Hứa Thị Phấn đã chủ động đưa tài sản thế chấp vào khoản vay 500 tỷ đồng của Oceanbank là nhằm chuyển trả cho khoản nợ của bà ta tại Ngân hàng Đại Tín.
Qua mô tả hướng đến của dòng tiền cho thấy, Hứa Thị Phấn là người duy nhất sử dụng số tiền 500 tỷ này để giải quyết vấn đề thanh khoản cho Ngân hàng Đại Tín.
Luật sư của Phạm Công Danh đồng tình quan điểm của VKS giữ quyền công tố tại tòa đề nghị Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm với khoản tiền 500 tỷ này.
Hứa Thị Phấn bị "ép" trong khoản vay 500 tỷ?
Trong quan điểm ngược lại, phía luật sư bào chữa cho Hứa Thị Phấn thì cho biết, việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín bị sức ép cực lớn từ Hà Văn Thắm. Trong việc chuyển nhượng, Hứa Thị Phấn buộc phải đưa giấy chứng nhận gốc sở hữu gần 85% cổ phần tại Đại Tín cùng giấy tờ liên quan cho Hà Văn Thắm. Ngay trong tháng 2/2012, Thắm đưa người vào kiểm soát ngân hàng Đại Tín.
Sau hơn 2 tháng tìm hiểu, biết Ngân hàng Đại Tín tình trạng bết bát, Hà Văn Thắm đá sang cho Phạm Công Danh để nhận lót tay 500 tỷ. Giấy tờ chuyển nhượng gốc để trong phong bì, Hà Văn Thắm giao lại cho Phạm Công Danh.
Biết Thắm không nhận chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín, Hứa Thị Phấn đòi lại giấy tờ chuyển nhượng thì bị Thắm đe dọa.
Từ tháng 5/2012, Thắm đã hẹn và giới thiệu Phạm Công Danh với Hứa Thị Phấn. Qua nhiều lần gặp, Hứa Thị Phấn không tin tưởng hợp tác trong việc tái cơ cấu ngân hàng với người không có kinh nghiệm như Phạm Công Danh.
Khi tiếp tục đòi lại giấy tờ chuyển nhượng gốc thì được biết, Thắm đã trao cho Phạm Công Danh đồng thời giấy tờ này đã được Danh đã thế chấp cho Ngân hàng Đầu tư (BIDV) rồi.
Từ tháng 6/2012, Ngân hàng Đại Tín đã được chuyển giao cho Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh đại diện quản lý và điều hành hoạt động, đồng thời chấm dứt hoàn toàn trách nhiệm của nhóm Phú Mỹ tại Ngân hàng Đại Tín.
Tháng 7/2012, Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Ngân hàng Đại Tín gửi Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín lên NHNN. Sau khi được NHNN chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín ngày 6/9/2012, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối tại đây.
Luật sư của Hứa Thị Phấn tiếp tục cho biết, trong việc chuyển nhượng Hà Văn Thắm có hứa hẹn với Phạm Công Danh sẽ hỗ trợ tiền cân đối thanh khoản.
Phải một thời gian sau đó, Thắm mới đồng ý hỗ trợ Danh số tiền 500 tỷ đồng để tăng thanh khoản cho ngân hàng bằng cách vay từ Oceanbank.
Khi Danh nói không có tài sản thế chấp, Thắm chỉ cách mượn tài sản của Hứa Thị Phấn để vay 500 tỷ đồng. Trong thời gian này, Thắm và Danh liên tục đe dọa Hứa Thị Phấn, nếu không cho mượn tài sản để Danh vay tiền thì việc tái cơ cấu không thành lãnh đạo trước đó của Ngân hàng Đại Tín sẽ bị truy tố.
Trước sức ép, Hứa Thị Phấn đã cho Danh mượn tài sản để làm tài sản thế chấp khoản vay 500 tỷ tại Oceanbank.
Theo đường đi dòng tiền mà luật sư của đại gia Hứa Thị Phấn chỉ ra thì 500 tỷ đồng từ Oceanbank đổ vào tài khoản của Công ty Trung Dung (công ty vay tiền) tại Ngân hàng Đại Tín. Sau đó, 500 tỷ đồng này được thực hiện hàng chục giao dịch vào các tài khoản trong đó có tài khoản của Phạm Công Danh tại Ngân hàng Đại Tín, sau này là VNCB.
Luật sư của bị cáo Hứa Thị Phấn khẳng định rằng, Phạm Công Danh là người thụ hưởng số tiền 500 tỷ đồng. Danh là người định đoạt số tiền vay lại không có trách nhiệm trả gốc và lãi khoản vay cho Oceanbank mà người cho mượn tài sản để đảm bảo - Hứa Thị Phấn phải trả toàn bộ gốc và lãi cho khoản vay 500 tỷ của Công ty Trung Dung cho Oceanbank./.
Theo Việt Đức/VOV.VN