Cựu cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã lừa gia đình một người bị truy tố tội hiếp dâm ở Huế hơn 2,5 tỉ đồng để chạy án.
Bị cáo Đậu Quang Dũng tại phiên xét xử vụ án lừa tiền chạy án ở Huế - Ảnh: NGỌC MINH
Ngày 30-8, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên xét xử Đậu Quang Dũng - 67 tuổi, quê Thái Nguyên, cựu cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao - về việc người này lừa tiền chạy án.
Nhận tiền lừa chạy án hiếp dâm
Trước đó vào năm 2019, dư luận xứ Huế chấn động bởi vụ án bác sĩ Lê Quang Huy Phương (làm việc tại một bệnh viện ở TP Huế) hiếp dâm, đánh đập một đồng nghiệp cùng làm chung bệnh viện.
Phương bị Công an TP Huế khởi tố, bắt tạm giam sau đó để điều tra tội hiếp dâm, cố ý gây thương tích và bắt giữ người trái pháp luật.
Theo cáo trạng, mẹ của Phương là bà Nguyễn Thị N.L. (trú TP Huế) đã tìm đến nhà của Đậu Quang Dũng để nhờ người này kêu oan cho con vì tin rằng Dũng từng là cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có quan hệ rộng và có thể chạy án.
Sau khi nghe bà L. trình bày, Dũng nhận định rằng vụ án này có oan sai và hứa hẹn sẽ kêu oan cho Phương.
Bà L. được Dũng hứa sẽ có tác động từ trung ương đến các cơ quan tố tụng TP Huế thả Phương và yêu cầu bà này chuyển tiền để có "chi phí" chạy án.
Bà L. đã nhiều lần chuyển tiền cho Dũng để "kêu oan" với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng qua nhiều tài khoản khác nhau.
Đến ngày 26-3-2021, Tòa án nhân dân TP Huế xét xử vụ án của Lê Quang Huy Phương. Tại tòa Phương bị kết án 6 năm 8 tháng tù vì phạm tội cố ý gây thương tích, hiếp dâm và giữ người trái pháp luật.
Đến lúc này bà L. mới nhận thấy việc Đậu Quang Dũng đưa thông tin Phương bị oan là không có căn cứ và chỉ nhằm mục đích chiếm đoạt tiền nên yêu cầu Dũng trả lại tiền.
Cựu cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyên lừa đảo
Đến ngày 8-7-2021, biết Đậu Quang Dũng bị Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên bà L. đã viết đơn tố giác Dũng gửi đến công an.
Quá trình điều tra cho thấy Đậu Quang Dũng đã chuyển số tiền hơn 2,5 tỉ đồng lừa đảo của bà L. cho nhiều người thân trong gia đình. Trong đó, Dũng có dùng 70 triệu đồng để thuê hai luật sư tại Hà Nội bào chữa cho Lê Quang Huy Phương.
Hai luật sư này sau đó đã tiến hành các thủ tục bào chữa theo đúng quy định cho Lê Quang Huy Phương và cũng được xác định không biết số tiền trên là do Dũng lừa đảo mà có.
Qua quá trình điều tra thân nhân, công an xác định Đậu Quang Dũng từng bị Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố tội danh giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan nhà nước (bị xử phạt 4 tháng tù) vào năm 1998.
Sau đó Dũng còn bị Công an TP Hà Nội khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sau đó vụ án được đình chỉ vì bị hại có đơn bãi nại).
Đến năm 2006, Dũng làm giả giấy tờ để che giấu lịch sử bản thân từng phạm tội rồi được tuyển dụng vào Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, sau đó thăng tiến vào làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đến năm 2015, Đậu Quang Dũng bị cho thôi việc.
Năm 2023, Đậu Quang Dũng bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xử phạt 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa, Dũng không chấp nhận bản cáo trạng, không trả lời xét hỏi cũng như tranh luận với đại diện Viện kiểm sát tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đậu Quốc Dũng 13 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cộng với 12 năm tù mà Dũng đang chấp hành từ vụ án trước, tổng cộng bị cáo bị phạt 25 năm tù giam.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cuu-can-bo-vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao-lua-tien-chay-an-hiep-dam-20240830131751738.htm