Toà đã không chấp nhận Trung tâm bảo vệ quyền tác giả đòi một doanh nghiệp bồi thường hơn 205 triệu đồng vì xâm phạm quyền tác giả đối với 20 bài hát
Ngày 21-3, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của Công ty CP truyền thông Vietart (Công ty Vietart) trong vụ kiện sử dụng 20 tác phẩm âm nhạc chưa có sự đồng ý.
Hội đồng xét xử đang tuyên án
Theo diễn biến phiên tòa và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ngày 17-1-2019, Công ty Vietart tổ chức chương trình "Đêm Việt Nam 7" với tựa đề "Chuyện của mùa đông" tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (TP Hà Nội). Tại chương trình này đã sử dụng 20 tác phẩm âm nhạc của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả) quản lý, khai thác và bảo vệ quyền tác giả mà chưa được sự đồng ý, chưa thanh toán tiền phí tác quyền cho trung tâm.
Lý do chưa thanh toán phí tác quyền phía Công ty Vietart đưa ra là do trước khi tổ chức, ngày 22-8-2018, doanh nghiệp này đã có công văn gửi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả về chi phí các tác phẩm nhưng không được trung tâm phản hồi.
Bản án sơ thẩm xác định Công ty Vietart đã xâm phạm quyền tác giả đối với 20 bài hát đã sử dụng trong đêm nhạc. Từ đó giữ nguyên quan điểm của cấp sơ thẩm, đề nghị Công ty Vietart xin lỗi tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.
Cùng với đó, bản án sơ thẩm cũng buộc Công ty Vietart bồi thường thiệt hại cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả hơn 205 triệu đồng (hơn 10 triệu đồng/bài). Cách tính theo quyết định số 14 và biểu mức kèm theo mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả ban hành.
Trong phiên toà ngày 21-3, Tòa cấp phúc thẩm xác định Công ty Vietart đã xâm phạm quyền tác giả 20 bài hát, phải có nghĩa vụ bồi thường cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả. Tuy nhiên, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả dùng quyết định 14 và biểu mẫu để tính toán ra con số bồi thường hơn 205 triệu đồng mà chưa có sự thỏa thuận với tổ chức khai thác, cũng không xác định mức nhuận bút với các tổ chức khai thác bằng hợp đồng theo pháp luật.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng xác định các văn bản mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả xuất trình không thể hiện căn cứ tính giá. Bên cạnh đó, dù áp dụng cách tính như quyết định 14 và biểu mức nhưng trung tâm không đưa được các tài liệu, căn cứ. Trong khi đó Công ty Vietart lại đồng ý thanh toán cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả 3 triệu đồng/bài, dù doanh thu của chương trình chỉ được hơn 200 triệu đồng.
Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận ý kiến tự nguyện của Công ty Vietart, tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, Công ty Vietart phải bồi thường 60 triệu đồng cho 20 tác phẩm âm nhạc đã xâm phạm.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/tranh-cai-doi-boi-thuong-quyen-tac-gia-hang-chuc-trieu-dong-bai-hat-196240321184855818.htm