Ba cựu cán bộ Công ty cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng. Những người này còn thu gấp 3 lần quy định đối với việc giám định tai nạn và kiểm tra xe cơ giới, phần thu thêm cho vào quỹ ngoài.
Ba cựu cán bộ đăng kiểm Thái Bình tại phiên tòa - Ảnh: Giang Long
Hôm nay (ngày 24-1), Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đưa vụ nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình ra xét xử.
Ba bị cáo Lưu Minh Hải (chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình), Bùi Ngọc Diệp (phó giám đốc) và Tô Hồng Dương (đăng kiểm viên) cùng bị xét xử về tội nhận hối lộ.
Vụ án sẽ được xét xử trong một ngày, hội đồng xét xử gồm chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Hoàn cùng 2 hội thẩm nhân dân.
Đây là vụ án thứ ba liên quan tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm trên cả nước bị đưa ra xét xử.
Ba cựu cán bộ đăng kiểm nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng
Theo cáo trạng, từ năm 2020 - 2022, ông Lưu Minh Hải đã chỉ đạo bị cáo Diệp, Dương nhận tiền của các chủ phương tiện để giúp họ rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Cụ thể, đối với xe cải tạo đơn giản như lắp thêm nắp thùng hàng, mui gió trên nắp cabin…, chi phí để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nhanh và tạo điều kiện đăng kiểm nhanh hơn là 1,1 - 1,6 triệu đồng mỗi xe bao gồm chi phí theo quy định và tiền buộc phải đưa thêm.
Đối với xe cải tạo phức tạp như hoán cải thùng, cải tạo xe 16 chỗ thành xe van, cải tạo xe 34 chỗ thành xe 39 chỗ… thì ông Diệp, ông Dương giúp chủ xe mua sẵn bản vẽ, không phải lập thủ tục lập và thẩm định hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công và không cần phải thi công tại đơn vị chức năng theo quy định, có thể thực hiện ở bất kỳ gara ô tô nào.
Để hợp lý hóa hồ sơ thiết kế và thi công cải tạo, ông Diệp gửi tin nhắn qua Zalo các thông số của xe như ảnh đăng kiểm cũ, đăng ký xe, ảnh xe và nội dung cải tạo để ông Bùi Văn Lưu, phó giám đốc Công ty TKT, lập hồ sơ thiết kế với giá 5 triệu đồng mỗi bộ hồ sơ.
Tiếp đó, ông Lưu ký hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công cải tạo có dấu của Cục Đăng kiểm Việt Nam và gửi lại cho ông Diệp.
Ngoài ra, trong hồ sơ nghiệm thu, biên bản kiểm tra nghiệm thu có phần đại diện cơ sở thi công thì ông Dương đưa cho chủ xe ký, nếu chủ xe chưa ký thì ông Dương trực tiếp ký luôn. Trên cơ sở hồ sơ này, ông Dương và ông Diệp làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho chủ xe.
Kết quả điều tra xác định bị cáo Diệp và Dương đã nhận tiền và cấp giấy chứng nhận cải tạo cho 286 phương tiện với tổng số tiền đã nhận là 391 triệu đồng, trong đó tiền phải thu theo quy định là 176 triệu đồng và số tiền phải nộp thêm là 215 triệu đồng.
Ngoài ra, bị cáo Diệp thu thêm tiền ngoài của 21 chủ xe là 126 triệu đồng và Dương thu của 7 xe số tiền 2,8 triệu đồng.
Viện kiểm sát xác định tổng số tiền các bị cáo nhận hối lộ để hoàn tất việc đăng kiểm cơ giới là 344 triệu đồng.
Chủ xe phải nộp thêm tiền khi đăng kiểm
Theo cáo trạng, quá trình hoạt động, Diệp báo cáo với Hải về việc bộ phận nghiệm thu xe cải tạo thường liên hệ "dẫn khách" về công ty và thỏa thuận thu nhiều hơn mức thu theo quy định để bỏ qua trình tự, thủ tục hoặc làm nhanh giấy chứng nhận cải tạo phương tiện theo yêu cầu của chủ xe.
Ông Hải đồng ý và yêu cầu khoản thu theo quy định thì phải hạch toán đầy đủ vào sổ kế toán, còn khoản tiền thu thêm thì góp vào làm quỹ để cuối năm chia cho anh em trong công ty, cáo trạng nêu.
Đáng chú ý, đối với việc giám định tai nạn và kiểm tra xe cơ giới, Diệp báo cáo được phép thu gấp 3 lần mức thu tối thiểu theo quy định.
Ông Hải đồng ý và yêu cầu chỉ hạch toán viết hóa đơn với mức 1 lần, còn lại góp quỹ cùng khoản thu thêm từ nghiệm thu xe cải tạo để cuối năm chia nhau.
Trong vụ án này, Lưu Minh Hải bị xác định giữ vai trò chủ mưu cầm đầu; Bùi Ngọc Diệp phân công, chỉ đạo Tô Hồng Dương nhận tiền giữ vai trò thứ hai.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/vu-nhan-hoi-lo-tai-dang-kiem-thai-binh-thu-phi-kiem-tra-xe-gap-ba-lan-quy-dinh-20240124070425067.htm