Trong quá trình điều tra vụ án Tân Hoàng Minh, nhiều cá nhân, tổ chức đã nộp lại gần 8.645 tỉ đồng vào tài khoản cơ quan điều tra để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, bảo đảm thi hành án, hoàn trả cho bị hại
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa truy tố Đỗ Anh Dũng (SN 1961), Chủ tịch Công ty Tân Hoàng Minh; Đỗ Hoàng Việt (SN 1994, con trai ông Dũng) và 13 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bị can Đỗ Anh Dũng (bìa trái) cùng các bị can khác trong vụ án. Ảnh: Bộ Công an
Theo cáo buộc, các bị can "chạy dòng tiền", để 3 công ty con thuộc Công ty Tân Hoàng Minh tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm: Công ty Ngôi Sao Việt; Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông. Sau đó, các công ty này mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỉ đồng.
Số tiền huy động được, bị can Dũng và đồng phạm chi tiêu vào việc khác nhau, gồm "lấy của người sau trả cho người trước" hơn 5.165 tỉ đồng; trả nợ ngân hàng SHB hơn 1.818 tỉ đồng; trả tiền mua cổ phần, dự án hơn 4.568 tỉ đồng; chi tiêu cá nhân của Đỗ Anh Dũng hơn 801 tỉ đồng… Cơ quan tố tụng cáo buộc 15 bị can trong vụ án chiếm đoạt 8.643 tỉ đồng. Trong quá trình điều tra đến nay, công an thu hồi tổng cộng gần 8.645 tỉ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, bảo đảm thi hành án, hoàn trả cho bị hại.
Trong quá trình phát hành trái phiếu, nhóm doanh nghiệp nghiệp Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo với các ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Tây Thăng Long, SHB trung tâm kinh doanh và Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân.
Theo đó, Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Tây Thăng Long cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho 4 gói trái phiếu của 3 công ty nêu trên với số tiền hơn 6.000 tỉ đồng. Riêng 2 gói trái phiếu 400 tỉ đồng nhà băng này chỉ cung cấp dịch vụ quản lý tài sản, không quản lý tài sản đảm bảo trái phiếu.
Đối với SHB, trung tâm kinh doanh cung cấp dịch vụ quản lý tài sản trái phiếu và quản lý tài sản đảm bảo với 2 gói trái phiếu 1.600 tỉ đồng. Tại Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân đã cung cấp dịch vụ quản lý tài sản trái phiếu cho Công ty Cung điện Mùa Đông 1.900 tỉ đồng.
Theo quy định của Nghị định 153/2020 và các điều khoản của hợp đồng quản lý tài khoản, thì các tài khoản trái phiếu không phải là tài khoản phong tỏa, khi tổ chức phát hành muốn rút tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu phải có văn bản đề nghị rút vốn, để ngân hàng giám sát việc sử dụng tiền theo đúng mục đích phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, Nghị định 153/2020 và văn bản nội bộ của các ngân hàng không có quy định, hướng dẫn thủ tục, quy trình quản lý tài sản đảm bảo, quản lý tài khoản trái phiếu; kết quả điều tra không có tài liệu xác định các ngân hàng này có dấu hiệu thông đồng, thoả thuận đối với các tổ chức phát hành để phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Do vậy, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự, song cần kiến nghị bổ sung quy định để nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong giám sát, quản lý tài khoản và quản lý tài sản đảm bảo chặt chẽ, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu.
Theo cáo trạng, trong giai đoạn điều tra vụ án, công an đã thu hồi khoản tiền hơn 1.818 tỉ đồng tại SHB; Công ty CP Bình Minh Group hơn 1.050 tỉ đồng; Vietinbank Chi nhánh Tây Thăng Long gần 12 tỉ đồng; Ngân hàng Agribank hơn 157 tỉ đồng… một cá nhân nộp lại hơn 4.017 tỉ đồng.
Tại buổi họp báo Bộ Công an vào đầu tháng 10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (C03, Bộ Công an), cho biết hơn 8.645 tỉ đồng đã thu hồi là vật chứng trong vụ án. Qua đó, khi đưa ra xét xử Tòa án tuyên Tân Hoàng Minh lừa đảo tài sản thì các bị hại có thể nhận tiền sau đó. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/phap-luat/khi-nao-tan-hoang-minh-tra-lai-hon-8600-ti-dong-cho-cac-nha-dau-tu-2023112312185098.htm